Pháp luật tài chính đã và đang chủ động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập

Ngô Hữu Lợi - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính

Thời gian qua, ngành Tài chính đã có những cố gắng, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của đất nước. Tạo nên thành công đó, có phần đóng góp tích cực của công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính.

Pháp luật tài chính đã và đang chủ động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập.
Pháp luật tài chính đã và đang chủ động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập.

Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tài chính được sửa đổi, bổ sung kịp thời

Trong hai năm gần đây (2015 – 2016), trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực nắm bắt những biến động của nền kinh tế, rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời một số Luật quan trọng như:

- Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi: Văn bản luật này đã được Quốc hội thông qua vào năm 2015. Nội dung đã tiệm cận và quy định rõ hơn vấn đề về bội chi và phạm vi bội chi ngân sách nhà nước; hạn chế được sự trùng lắp và phản ánh đúng bản chất các khoản vay, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng cường tính minh bạch, tạo điều kiện hội nhập tốt hơn cũng như tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước.

- Luật Kế toán (sửa đổi): Các điều khoản trong Luật Kế toán đã tiệm cận hơn tới các chuẩn mực quốc tế, quy định rõ hơn về các chuẩn mực kế toán, về hạch toán tài sản theo giá hợp lý, về chế độ báo cáo tài chính nhà nước... Qua đó, tạo điều kiện hỗ trợ các nhà đầu tư trong và ngoài nước cập nhật những thông tin cần thiết, để có thể đưa ra những quyết định đầu tư hiệu quả, góp phần phát triển thị trường tài chính cũng như dịch vụ kế toán ở Việt Nam.

- Luật Phí và lệ phí: Là cơ sở pháp lý để thúc đẩy đổi mới cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ công thông qua việc đổi mới phương pháp để tính đúng, tính đủ các chi phí để tính phí, lệ phí.

- Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi): Văn bản Luật này tuy mới ban hành nhưng đã góp phần tạo nên một hành lang pháp lý thống nhất, khuyến khích phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu; đáp ứng yêu cầu nội luật hóa các cam kết quốc tế, đảm bảo phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã và đang tham gia ký kết. Các quy định về các biện pháp phòng vệ về thuế cũng được nêu rất rõ trong Luật này, đảm bảo giá trị và phù hợp với thông lệ quốc tế.

- Việc sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế giá trị gia tăng, thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế cũng đã góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động trong đầu tư phát triển sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh khi thời điểm thực hiện việc giảm dần tiến tới bỏ hàng rào thuế quan theo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế đang tới gần, nhất là đối với lĩnh vực nông - thủy hải sản.

Cụ thể là thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thuế đã giảm 420 giờ (từ 537 giờ xuống còn 117 giờ); Số doanh nghiệp đăng ký khai thuế qua mạng khoảng 530 ngàn, đạt 95,7%; Số doanh nghiệp tham gia nộp thuế điện tử khoảng 550 nghìn, đạt 99,6%.

Hệ thống VNACCS/VCIS được triển khai tại 34/34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố trên toàn quốc, cho phép sử dụng chứng từ điện tử có gắn chữ ký số để khai báo hải quan qua mạng internet, thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn xuống còn 3 giây; Thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 10 Bộ và một cửa ASEAN, qua đó giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa…

Hiệu quả thi hành pháp luật tài chính ngày càng được nâng cao

Ngoài những văn bản Luật trên, Bộ Tài chính còn triển khai soạn thảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật.

Gắn với nhiệm vụ xây dựng pháp luật, việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật cũng được coi trọng. Công tác tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật tài chính cũng được đổi mới, lấy đối tượng điều chỉnh của pháp luật làm trung tâm trong hỗ trợ thi hành phổ biến, tuyên truyền pháp luật; hệ thống thông tin pháp luật được phát triển, tăng cường khả năng tiếp cận văn bản quy phạm pháp luật tài chính của người dân và doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật tài chính được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trong thời gian này cũng nhằm hướng đến việc thực thi các giải pháp của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Minh chứng là 6 nội dung về cải cách hành chính được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP đến nay đã được Bộ Tài chính triển khai đồng bộ và đạt được kết quả toàn diện. Theo đánh giá xếp hạng trong cải cách hành chính (Par Index) do Bộ Nội vụ công bố, năm 2015, Bộ Tài chính tiếp tục giữ vững ngôi vị “á quân”, xếp thứ 2/19 bộ, ngành. Kết quả xây dựng và hoàn thiện pháp luật tài chính đã góp phần kiện toàn hệ thống pháp luật dân sự kinh tế, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính được hoàn thiện cũng đã tạo lập cơ sở pháp lý cho việc thực thi cải cách, chuyển đổi và từng bước áp dụng phương pháp quản trị doanh nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập; Pháp luật về thị trường tài chính và dịch vụ tài chính được hoàn thiện theo các cam kết mở cửa hội nhập, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường chứng khoán, bảo hiểm, kế toán, thu hút sự tham gia ngày càng nhiều của các chủ thể trên thị trường; Pháp luật về thuế tiếp tục được cải cách theo hướng đơn giản hóa, mức thuế phù hợp và có tính đến các định chế kinh tế quốc tế và khu vực cũng như các điều ước quốc tế có liên quan.  

Không chỉ vậy, pháp luật về thuế, hải quan đã kịp thời tháo gỡ các nút thắt trong thực thi các thủ tục hành chính và tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi phương thức quản lý, hiện đại hóa quản lý thuế, hải quan. Khung pháp luật chung cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được xây dựng hoàn thiện nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Việc làm trên đã cho thấy, mối quan hệ tương tác giữa việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật tài chính, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng chặt chẽ hơn.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính đáp ứng yêu cầu hội nhập

Trong thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cùng với việc hình thành cộng đồng ASEAN trong năm 2015 mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.

Do vậy, cùng với việc hướng dẫn và triển khai thực hiện có hiệu quả các Luật mới ban hành như Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Luật Kế toán (sửa đổi), Luật phí và lệ phí… thì định hướng hoàn thiện pháp luật tài chính sẽ tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với các thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN;

Thứ hai, rà soát, điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hải quan phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã và đang tham gia;

Thứ ba, xây dựng khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ nhằm tạo môi trường và hành lang pháp lý chặt chẽ cho hoạt động cải cách tài chính công, tổ chức triển khai hiệu quả Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi);

Thứ tư, tổng kết đánh giá thi hành Luật Quản lý nợ công, trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung cho phù hợp;

Thứ năm, đổi mới, hoàn thiện chế độ quản lý sử dụng tài sản công, gắn quản lý tài sản công với công tác quản lý điều hành kinh tế - xã hội;

Thứ sáu, khai thác, huy động nguồn lực tài chính từ tài sản công;

Thứ bảy, sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán theo hướng có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, tiệm cận gần hơn với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đồng bộ hơn trong mối liên kết với các thị trường dịch vụ tài chính.