Kiểm toán Nhà nước: Bịt lỗ hổng về cơ chế tránh thất thoát ngân sách

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 36 văn bản nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí.

Qua công tác kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều đơn vị sai phạm trong quá trình triển khai nhiệm vụ
Qua công tác kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều đơn vị sai phạm trong quá trình triển khai nhiệm vụ

Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cho biết đến 31/10/2019, toàn ngành sẽ hoàn thành tất cả các cuộc kiểm toán theo kế hoạch và phát hành 100% báo cáo kiểm toán trước 31/12/2019.

Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến 30/9/2019 là 61.732 tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu 6.197 tỷ đồng, giảm chi 12.842 tỷ đồng, xử lý khác 42.693 tỷ đồng. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 36 văn bản (04 thông tư, 04 nghị quyết, 10 quyết định và 18 văn bản khác) nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân.

Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán.

Chẳng hạn, kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết số 42 của một số tổ chức tín dụng đã chỉ ra tỷ lệ số hồ sơ xử lý theo Nghị quyết 42 còn thấp, các biện pháp xử lý theo Nghị quyết 42 gồm 6 nhóm biện pháp, nhưng chủ yếu mới chỉ thực hiện được theo hình thức thu giữ tài sản đảm bảo và bán nợ theo giá thị trường, các hình thức khác chưa được áp dụng.

Kiểm toán Ngân hàng Phát triển Việt Nam(VDB) cho thấy hoạt động tín dụng thời gian qua của VDB gặp rất nhiều khó khăn, kết quả chênh lệch thu chi năm 2018 của VDB âm 866,5 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2018 là 4.873,1 tỷ đồng; nợ xấu tại 31/12/2018 là 46.116,6 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng dư nợ, trong khi đó việc trích lập dự phòng rủi ro chỉ là 5.790,1 tỷ đồng, bằng 12,5% tổng nợ xấu... tiềm ẩn rủi ro lớn trong tổ chức hoạt động; hiện nay, số liệu bù chênh lệch lãi suất mà ngân sách nhà nước phải cấp bù cho VDB tại thời điểm 31/12/2018 rất lớn: 13.496,3 tỷ đồng.

Kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất trong và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 1.368,8 tỷ đồng, xem xét xử lý 7.591.427m2 và 03 thửa đất tại các địa phương được kiểm toán theo quy định của pháp luật.