Phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2019

Ngày nay, tài chính toàn diện đã trở thành vấn đề được quan tâm trên phạm vi toàn cầu, với mục tiêu phát triển hệ thống tài chính phục vụ cho tất cả các thành viên trong xã hội.

Việc thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện đang là chính sách ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Việc thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện đang là chính sách ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo đó, tài chính toàn diện cung cấp các dịch vụ thuận tiện và phù hợp với chi phí hợp lý nhất cho mọi cá nhân và doanh nghiệp, qua đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của quốc gia. Trong bối cảnh hiện nay, việc thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện đang là chính sách ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Quan niệm về tài chính toàn diện

Tài chính toàn diện là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt đối vơi người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luận chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tài chính toàn diện (TCTD) là việc các cá nhân và doanh nghiệp (DN) có thể tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ tài chính hữu ích với giá cả phù hợp, bao gồm: Chuyển tiền, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm - được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững” (WB, 2017). Theo đó, tài chính toàn diện được xác định theo 03 tiêu chí: (i) tiếp cận với các dịch vụ tài chính; (ii) sử dụng dịch vụ tài chính; (iii) chất lượng của sản phẩm và dịch vụ giao hàng. Đồng thời quyền tiếp cận vào các giao dịch tài khoản là bước đầu tiên hướng đến việc mở rộng tài chính toàn diện vì tài khoản giao dịch cho phép mọi người dân có thể lưu trữ tiền, gửi và nhận thanh toán.

Nếu là chủ tài khoản thì họ sẽ có nhiều khả năng sử dụng các dịch vụ tài chính khác (như tín dụng, bảo hiểm) để bắt đầu hoặc mở rộng doanh nghiệp, đầu tư vào giáo dục hoặc y tế, quản lý rủi ro và các trường hợp bất ngờ như thiên tai nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.

Quan niệm này cho thấy, xu thế của TCTD là đưa các dịch vụ tài chính chính thức đến cho mọi chủ thể trong xã hội. Do vậy, TCTD không chỉ giới hạn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận tài chính mà bao gồm cả nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân và bảo vệ người sử dụng dịch vụ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 2016)...

Trong những năm gần đây, tài chính toàn diện đã trở thành một vấn đề được quan tâm trên phạm vi toàn cầu với mục tiêu phát triển hệ thống tài chính phục vụ cho tất cả các thành viên trong xã hội, cung cấp các dịch vụ phù hợp và thuận tiện với chi phí hợp lý cho mọi cá nhân và doanh nghiệp, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.

Tóm lại, TCTD là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương giúp tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính dễ dàng hơn, qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thực trạng phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam

Ở Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ liên quan đến các đối tượng của TCTD. Cụ thể như: Chính sách hỗ trợ tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai từ năm 2010; Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành thực hiện từ 2006 đến nay và đang triển khai cho giai đoạn năm 2016-2020; Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011; Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế được ban hành với mục tiêu đến năm 2020, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cơ bản phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, có mức chi phí hợp lý đối với đại bộ phận dân cư ở độ tuổi trưởng thành và DN, nhất là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các DN nhỏ và vừa, dựa trên hệ thống các TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh, có trách nhiệm và phát triển bền vững.

Thời gian qua, mặc dù, mức độ bao phủ của hệ thống các tổ chức tài chính ở Việt Nam đã được mở rộng, nhưng tỷ lệ khách hàng cá nhân tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính còn khiêm tốn. Có thể để đánh giá tình hình phát triển TCTD ở Việt Nam theo các nội dung sau: Mức độ bao phủ của hệ thống ngân hàng; Tỷ lệ người dân sử dụng tài khoản; Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ thanh toán; Tỷ lệ người dân gửi tiết kiệm; Tỷ lệ người dân vay mượn. Cụ thể:

Mức độ bao phủ của hệ thống ngân hàng

Trong những năm qua, tại Việt Nam hệ thống ngân hàng không ngừng mở rộng về quy mô, đa dạng về tính chất hoạt động và loại hình sở hữu. Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2018, Việt Nam có 7 ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước, 28 NHTM cổ phần, 2 ngân hàng liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 1 ngân hàng phát triển, 1 ngân hàng chính sách xã hội, 1 ngân hàng hợp tác và 49 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Số lượng chi nhánh ngân hàng nước ngoài và số lượng ngân hàng 100% vốn nước ngoài tăng, chứng tỏ Việt Nam đang ngày càng thu hút được sự tham gia cung cấp dịch vụ tài chính của các ngân hàng "ngoại".

Để đánh giá mức độ bao phủ của hệ thống ngân hàng các chỉ tiêu thường được sử dụng là mức độ bao phủ của chi nhánh ngân hàng và ATM theo địa lý và dân số. Những chỉ tiêu này phản ánh mức độ sẵn có của chi nhánh ngân hàng và ATM trên phương diện tiếp cận của người dân. Những chỉ tiêu này càng lớn phản ánh mức độ phát triển TCTD càng cao, người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính.

Phân tích số liệu trong Bảng 1 cho thấy, người trưởng thành ở Việt Nam về cơ bản đã có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính tại các chi nhánh ngân hàng. Tuy nhiên, số lượng chi nhánh ngân hàng trên 100.000 người trưởng thành ở Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực (Indonesia, Thái Lan và Malaysia trung bình lần lượt là 17, 13 và 11) (IMF, 2017). Về mức độ bao phủ của ATM cũng có sự tăng trưởng, song so với các nước trong khu vực thì mức độ bao phủ ATM về dân số của Malaysia và Indonesia gấp đôi Việt Nam và của Thái Lan gấp hơn 4 lần Việt Nam (IMF, 2017).

Tỷ lệ người dân sử dụng tài khoản

Theo số liệu thống kê từ The Little Data Book on Financial Inclusion 2018, tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên sử dụng tài khoản của Việt Nam đạt 30,8%, trong khi đó, tại các nước Đông Á và Thái Bình Dương gấp gần 2,3 lần Việt Nam, ngay cả nhóm các nước thu nhập trung bình thấp cũng đạt tới 57,8% cao hơn nhiều so với Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ tài khoản giao dịch qua điện thoại tại Việt Nam ở mức cao hơn rất nhiều 3,5% so với 1,3% của các nước Thái Bình Dương, nhưng thấp hơn mức 5,3% của các nước thu nhập trung bình thấp.

Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ thanh toán

Tỷ lệ người dân Việt Nam không sử dụng tài khoản của các TCTD ở mức 5,9% trong khi các nước Đông Á và Thái Bình Dương là 11,9% và các nước thu nhập trung bình là 22%, tương tự tỷ lệ người dân không sử dụng tài khoản cá nhân cũng thấp nhất so với các nước. Tỷ lệ sử dụng tài khoản qua internet, truy cập tài khoản di động hoặc internet hay sử dụng tài khoản trả lương của Việt Nam cao hơn các nước thu nhập trung bình song vẫn thấp hơn các nước Đông Á và Thái Bình Dương. Sử dụng thẻ tín dụng để tiến hành thanh toán tại Việt Nam ở mức thấp nhất so với các nước.

Phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam - Ảnh 1

Tỷ lệ người dân gửi tiết kiệm

Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ người dân Việt Nam cất trữ tiền tại nhà là 57,4% cao hơn so với người dân các nước thu nhập trung bình thấp (39,7%) và các nước Đông Á và Thái Bình Dương (53,1%); tiền tiết kiệm dưới dạng các quỹ bán chính thức là 14,4% cao hơn các nước khác. Trong khi đó, tỷ lệ tiết kiệm của người dân tại các TCTD chính thức là 14,5% thấp nhất trong các nhóm nước được sử dụng so sánh. Tỷ lệ người dân tiết kiệm dành dụm chuẩn bị khi về già đạt 18%, cao hơn so với các nước thu nhập trung bình thấp và thấp hơn các nước Đông Á và Thái Bình Dương.

Tỷ lệ người dân vay mượn

Tỷ lệ người dân vay mượn tại Việt Nam cao so với người dân các nước, tỷ lệ vay mượn qua con đường chính thức thông qua các TCTD đạt mức 21,7%. Hình thức vay mượn thông qua bạn bè, người thân trong gia đình ở Việt Nam (29,5%) tương đương như các nước khác. Trong khi đó, vay mượn để mua sắm bất động sản tại Việt Nam là 9,2%, thấp hơn 0,8% so với các nước Đông Á và Thái Bình Dương.

Có thể thấy, những tiến bộ trong phát triển TCTD ở Việt Nam như khả năng tiếp cận dịch vụ ngày càng gia tăng thông qua sự phát triển các mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch truyền thống và các kênh hiện đại. Sản phẩm, dịch vụ ngày càng đa dạng phong phú, chất lượng dịch vụ được tăng lên.

Tuy nhiên, mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính của Việt Nam còn thấp so với mặt bằng chung của các nước. Hiện nay, các chính sách thúc đẩy TCTD còn phân tán ở nhiều chương trình, dự án khác nhau, các yếu tố hạ tầng đóng vai trò quan trọng cho việc cung cấp dịch vụ tài chính vẫn còn đang được hoàn thiện. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật tài chính chủ yếu tập trung tại các trung tâm, thành phố lớn và chưa vươn đến được vùng khó khăn, lạc hậu...

Một số khuyến nghị

Để phát triển TCTD, bền vững đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển bền vững nền kinh tế, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy việc phát triển các dịch vụ ngân hàng như tín dụng, thanh toán, hoạt động bảo lãnh, cung cấp dịch vụ tài chính… Xây dựng hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán.

Thứ hai, xây dựng một hệ thống các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính hoạt động an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm. Trong đó, phát huy vai trò của các tổ chức tài chính vi mô và các TCTD phi ngân hàng, cùng những loại hình định chế đặc biệt khác như Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam…

Thứ ba, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Các tổ chức tài chính cần thiết kế các sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp hơn với nhu cầu của các nhóm khách hàng khác nhau, nhất là các sản phẩm tiết kiệm, thanh toán, tín dụng.

Thứ tư, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng về di động và internet, tạo nền tảng cho sự phát triển số hóa dịch vụ tài chính ngân hàng nói chung và các công ty fintech nói riêng. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các chính sách miễn, giảm thuế, khuyến khích thu hút đầu tư trong lĩnh vực fintech.

Thứ năm, nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng tài chính của người dân. Giáo dục tài chính sẽ giúp nâng cao hiểu biết và kỹ năng tài chính của người dân. Qua đó, giúp người dân hiểu được vai trò, lợi ích của các sản phẩm tài chính trong việc cải thiện cuộc sống của các cá nhân cũng như hộ gia đình, từ đó khuyến khích họ sử dụng nhiều hơn các sản phẩm, dịch vụ tài chính.

Thứ sáu, xây dựng cơ sở dữ liệu về tiếp cận tài chính và tiếp cận TCTD để thực thi việc xếp hạng tín nhiệm với các tổ chức kinh tế và các cá nhân trong phát triển TCTD. Tăng cường công tác bảo mật an ninh công nghệ thông tin trong các hoạt động tài chính đảm bảo quyền lợi của người sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính.

Thứ bảy, tạo cơ chế huy động nguồn cho các tổ chức cung cấp tài chính chuyên phục vụ người nghèo. Hoàn thiện cơ chế hoặc giải pháp hỗ trợ trực tiếp nhằm tạo nguồn vốn hoạt động cho các tổ chức cung cấp tài chính vi mô.         

Tài liệu tham khảo:

  1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Chiến lược Ngân hàng, (2016),
    Sơ lược về tài chính toàn diện;
  2. Beck, T., Demirgüç-Kunt, A., & Honohan, P. (2009), Access to financial services: Measurement, impact, and policies, World Bank Research Observer, 24(1), 119–145);
  3. International Monetary Fund (2017), “Financial access survey (FAS)”;
  4. The WorldBank (2017), Financial inclusion overview;
  5. WorldBank (2018), “The Little Data Book on Financial Inclusion 2018”, https://www.unsgsa.org/files/3815/2511/8893/LDB_Financial_Inclusion_
    2018.pdf;
  6. WorldBank (2017), “The Global Findex 2017”, https://globalfindex.worldbank.org/sites/globalfindex/files/2018-04/2017%20Findex%20full%20
    report_0.pdf.