Kế toán môi trường tại các doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế

ThS. Vũ Bích Thủy - Đại học Công đoàn

Tại Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề kế toán môi trường, dù thực tế cho thấy, khi hạch toán đầy đủ các chi phí môi trường thường dẫn đến kết quả làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và đội giá thành lên cao hơn so với hạch toán truyền thống, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề kế toán môi trường. Nguồn: internet
Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề kế toán môi trường. Nguồn: internet

Bài viết trao đổi về tầm quan trọng của kế toán môi trường hiện nay, thực trạng áp dụng kế toán môi trường tại các doanh nghiệp và đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện kế toán môi trường tại Việt Nam thời gian tới.  

Vai trò của kế toán môi trường trong hoạt động của doanh nghiệp

Tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường và những biến đổi bất lợi của thiên nhiên đang ảnh hưởng tới cuộc sống con người. Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế gắn với hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN), để thực hiện các quy định pháp lý về môi trường và thể hiện trách nhiệm xã hội, DN phải đầu tư tài sản môi trường, phát sinh nhiều loại chi phí liên quan đến BVMT như xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm không khí...

Kế toán môi trường tại các doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế - Ảnh 1
 

Trong quá trình hoạt động sản xuất phát sinh các rủi ro ngoài dự kiến, tác động đến môi trường (gây ô nhiễm môi trường), khiến DN phải đối mặt với nhiều khoản bồi thường phát sinh, làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến các khoản nợ tiềm tàng, từ đó ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và lợi ích của cổ đông. Thực tế trên đòi hỏi các nhà quản trị DN cần phải có thông tin kế toán về hoạt động BVMT phát sinh tại DN, nhằm quản lý hiệu quả hoạt động của DN.

Theo các chuyên gia kinh tế, kế toán môi trường là một công cụ cần thiết không chỉ giúp DN đáp ứng các yêu cầu BVMT mà còn cải thiện hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Kế toán môi trường cũng đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho bản thân DN mà còn góp phần bảo vệ môi trường cho xã hội, con người, giúp nền kinh tế phát triển xanh và bền vững. Cụ thể, việc xây dựng hệ thống kế toán môi trường sẽ giúp DN đạt được lợi ích sau:

Thứ nhất, tiết kiệm chi phí tài chính cho DN. Kinh nghiệm tại các quốc gia phát triển cho thấy, nếu các DN không sử dụng kế toán môi trường thì các khoản phạt do việc làm ô nhiễm môi trường DN không được xem là chi phí hợp lý, khiến cho lợi nhuận của DN bị giảm. Bên cạnh đó, nếu DN chấp nhận bỏ chi phí nghiên cứu về việc sản xuất kết hợp với phát triển bền vững với môi trường có thể tạo ra được giá trị lớn hơn (đặc biệt là những giá trị vô hình như sự tin tưởng của đối tác, khách hàng), đồng nghĩa với việc các chi phí bị phạt do gây ô nhiễm môi trường của DN sẽ giảm, trong khi DN còn tiết kiệm được một khoản chi phi khác khi đưa ra các giải pháp thân thiện với môi trường...

Thứ hai, việc vận dụng và phát triển kế toán môi trường góp phần quản lý chi phí, gia tăng lợi nhuận hướng tới mục tiêu phát triển bền vững: Việc thực hiện tốt kế toán môi trường giúp nhà quản trị có thể đưa ra những quyết định quan trọng như giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất tốt hơn, sạch hơn, đem lại những sản phẩm có chất lượng, hạn chế được yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng, nhân công bị tiêu hao trong quá trình tạo ra ô nhiễm, làm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, tăng lợi thế cạnh tranh do giảm được giá thành sản xuất. Điều này giúp DN có lợi thế cạnh tranh về giá bán và lợi nhuận cao hơn, đặc biệt giảm thiểu được các vấn đề về mặt pháp lý (tiền phạt, chi phí rủi ro khắc phục...).

Thứ ba, tạo lập bước đi vững chắc cho các DN trong quá trình hội nhập kinh tế. Theo các chuyên gia kinh tế, DN có thái độ và hành vi tốt với môi trường sẽ là một thuận lợi rất lớn trong quá trình phát triển, nâng vị thế của DN đối với thị trường trong nước và toàn cầu, giúp DN hoà nhập vào thị trường quốc tế dễ dàng hơn. Việc áp dụng tốt kế toán môi trường vào DN sẽ làm hài lòng và củng cố lòng tin với các bên có liên quan. Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức môi trường luôn quan tâm đến việc phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Nếu làm tốt việc BVMT có thể giúp DN có được những ưu đãi từ các đối tượng này.

Thứ tư, khắc phục được những hạn chế của kế toán truyền thống: Khác với kế toán truyền thống, kế toán môi trường quan tâm rõ ràng tới tác động môi trường do hoạt động của DN gây ra, từ đó có ảnh hưởng đáng kể tới quyết định của người sử dụng thông tin kế toán ngoài DN như khách hàng, nhà đầu tư, chính quyền, người dân... Trong khi đó, kế toán truyền thống hiện vẫn còn những hạn chế, trong đó chưa đề cập đến các chi phí liên quan đến môi trường.

Kế toán môi trường tại các doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế - Ảnh 2

Nhà quản lý khó có thể nắm bắt được thông tin về chi phí môi trường khi cần thiết. Ngoài ra, việc sử dụng tài khoản chi phí chung cho các chi phí môi trường thường dẫn đến khó hiểu khi các khoản chi phí này được phân bổ trở lại vào giá thành sản phẩm tại các công đoạn sản xuất dựa vào khối lượng sản phẩm hay giờ làm việc... Sự phân bổ này có thể dẫn đến sai lầm khi không phân bổ chính xác một số loại chi phí môi trường (ThS. Huỳnh Thanh Thủy, 2017).

Thách thức triển khai kế toán môi trường tại Việt Nam

Trong mấy năm trở lại đây, kế toán môi trường bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn tại Việt Nam. Nhiều DN, đặc biệt là các DN lớn cũng bắt đầu quan tâm đến phát triển bền vững, đồng thời có các hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc áp dụng kế toán môi trường tại Việt Nam hiện nay vẫn còn đối mặt với không ít thách thức, cụ thể:

Một là, khung khổ pháp lý liên quan đến kế toán môi trường vẫn chưa hoàn thiện. Nhận thức được vấn đề BVMT trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững, Việt Nam cũng đã ban hành các văn bản pháp lý liên quan đến công tác BVMT. Cụ thể, Quốc hội đã ban hành Luật Môi trường lần đầu vào năm 1993, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vào năm 2005, Luật Thuế bảo vệ môi trường (Luật số 57/2010/QH12).

Kế toán môi trường tại các doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế - Ảnh 3

Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08/08/2011 quy định về đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 hướng dẫn thi hành Nghị định 67/2011/NĐ-CP; Thông tư số 159/2012/TT-BTC ngày 28/09/2012, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 152/2011/TT-BTC… Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa ban hành chế độ kế toán có liên quan đến tổ chức kế toán môi trường trong DN. Các chế độ kế toán hiện hành chưa có các văn bản hướng dẫn DN trong việc bóc tách và theo dõi chi phí sản xuất kinh doanh, chưa có các tài khoản cần thiết để hạch toán các khoản chi phí môi trường...

Hai là, DN chưa quan tâm đến công tác kế toán môi trường trong hoạt động của mình. Nhận thức về trách nhiệm xã hội của DN, tổ chức đối với cộng đồng còn ở trình độ thấp. Hiện nay, các DN chủ yếu chỉ quan tâm đến lợi nhuận, lợi ích ngắn hạn chưa có tầm nhìn vĩ mô trong các hoạt động sản xuất nhằm giữ gìn môi trường để đạt tới sự phát triển bền vững, điều này khiến cho rất nhiều chi phí liên quan đến môi trường đang phản ánh chung trong các tài khoản chi phí quản lý, khiến các nhà quản lý khó phát hiện quy mô và tính chất của chi phí môi trường nói chung và từng khoản chi phí môi trường nói riêng. Ngay cả trên các tài khoản kế toán cũng chưa ghi nhận các chi phí đáng kể liên quan đến môi trường như: Chi phí sửa chữa, đền bù, chi phí khắc phục sự cố và chi phí dọn dẹp, xử lý trong các vụ tai nạn, hủy hoại môi trường sinh thái...

Ba là, Việt Nam chưa có được các công cụ hữu hiệu trong quản lý môi trường như: Thuế tài nguyên, phí ô nhiễm; Các văn bản pháp lý và các tiêu chuẩn về môi trường trong hoạt động của DN còn thiếu và chưa đồng bộ; Các quy định về việc DN, tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm buộc phải chi trả theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí nhưng việc triển khai thực hiện không mấy dễ dàng... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa xây dựng được một ngân hàng dữ liệu về môi trường quốc gia (tài nguyên nước, khoáng sản, rừng; các công nghệ xử lý chất thải; các bộ tiêu chuẩn môi trường trong từng ngành, lĩnh vực...) làm cơ sở cho quá trình hạch toán...

Bốn là, công tác đào tạo về kế toán môi trường ở nước ta vẫn còn hạn chế. Hiện nhiều cơ sở đào tạo đại học cũng đã tổ chức xuất bản sách và giáo trình giảng dạy về kế toán môi trường. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, xét về khía cạnh giáo dục và đào tạo, kế toán môi trường được đưa vào giảng dạy một cách sơ sài trong chương trình của ngành quản lý môi trường. Bên cạnh đó, trong xu hướng chung của cơ chế tự chủ tài chính do Chính phủ đề ra, các trường sẽ tập trung đào tạo các lĩnh vực mà xã hội có nhu cầu cao. Hiện nay, do kế toán môi trường chưa được DN quan tâm, nên việc đào tạo môn này tại các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn hạn chế là điều khá dễ hiểu.

Kế toán môi trường tại các doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế - Ảnh 4
 
 Một số giải pháp đề xuất

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng đến phát triển nền kinh tế xanh, việc áp dụng kế toán môi trường vào kế toán Việt Nam là rất cần thiết, có vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững đối với các DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Nhằm từng bước đưa kế toán môi trường ngày càng phổ biến trong hoạt động của DN, trong thời gian tới cần chú ý một số nội dung sau:

Về phía cơ quan quản lý:

- Cần xây dựng các văn bản hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy định có liên quan đến môi trường và quản lý môi trường chặt chẽ và rõ ràng hơn nhằm tạo nền tảng cơ sở và hành lang pháp lý cho việc phát triển hạch toán quản lý môi trường một cách rõ ràng và cụ thể hơn. Trong đó, chú trọng đưa ra khái niệm và tiêu thức phân loại chi phí môi trường, làm căn cứ ghi nhận, đo lường, hạch toán và quản lý các chi phí này. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, một hệ thống chỉ tiêu trong báo cáo môi trường được xây dựng trên cơ sở khoa học, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, tính đến điều kiện đặc thù của các DN trong nước sẽ là công cụ hữu hiệu để quản lý môi trường, tạo ra sân chơi bình đẳng cho các DN thực hiện tốt hoạt động BVMT.

- Cần phối hợp với hiệp hội nghề nghiệp để ban hành những chuẩn mực về kế toán môi trường, quy định những thông tin môi trường trình bày trong báo cáo cung cấp cho bên ngoài DN, nhằm đảm bảo sự thống nhất quản lý về môi trường. Các chuẩn mực này cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phát triển ứng dụng hiệu quả kế toán môi trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản... nhằm tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Nghiên cứu bổ sung tài khoản kế toán, các nguyên tắc và phương pháp kế toán đối với hoạt động môi trường, các chỉ tiêu liên quan đến hoạt động môi trường trong hệ thống BCTC.

- Có cơ chế khuyến khích, hướng dẫn DN từng bước áp dụng kế toán môi trường trong hoạt động của DN.

Về phía các hiệp hội nghề nghiệp và hiệp hội DN:

- Cần nâng cao nhận thức và trình độ của các nhà quản lý trong DN về kế toán môi trường. Nâng cao nhận thức về môi trường cho các DN thông qua việc tăng cường tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của kế toán môi trường; Tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn cho các DN về vấn đề BVMT, kế toán môi trường. Do kế toán môi trường đang là một phương pháp mới mẻ ở Việt Nam, nên việc hiểu rõ bản chất, lợi ích và vai trò của kế toán môi trường trọng sự phát triển bền vững của xã hội nói chung và DN nói riêng là hết sức cần thiết.

- Nghiên cứu, khảo sát các kinh nghiệm quốc tế về các chuẩn mực kế toán môi trường nhằm kiến nghị cơ quan chức năng sớm bổ sung hoàn thiện về nội dung này.

Về phía cộng đồng DN:

- Thay đổi nhận thức và trách nhiệm xã hội của mình đối với vấn đề môi trường. Các nhà quản trị DN cần thường xuyên quan tâm cập nhật và thực hiện kế toán môi trường trong các DN, nhất là đối với các DN sản xuất.

- Chú trọng đầu tư nguồn lực tài chính và nhân lực cho bộ máy kế toán, trong đó có kế toán môi trường. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, kế toán môi trường thường được áp dụng tại các DN có quy mô lớn có nguồn tài chính dồi dào và chính sách hoạt động nghiêm ngặt. Do vậy, đối với các DN Việt Nam, trong giai đoạn đầu, nên được thử nghiệm công tác kế toán môi trường tại một dây chuyền hoặc một bộ phận trước khi tiến hành áp dụng đại trà cho toàn bộ DN cho phù hợp với điều kiện hoạt động của DN mình      

- Xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn có tính đến các tác động của các tiêu chuẩn và quy định môi trường của sản phẩm.

Về phía các cơ sở đào tạo:

- Đẩy mạnh việc đưa môn học kế toán môi trường, kế toán quản trị môi trường vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Kế toán môi trường cần được xem xét đưa vào chương trình đào tạo tại các trường kinh tế, đặc biệt là chuyên ngành kế toán - kiểm toán ở các bậc đại học, cao học, từ đó giúp chúng ta xây dựng được một đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật nhằm nâng cao chất lượng của các giáo trình giảng dạy về kế toán môi trường, trong đó cần gắn với các nội dung mới liên quan đến các chủ trương mới của Đảng và Nhà nước về phát triển xanh bền vững, về đánh thuế BVMT...           

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2010), Luật Thuế Bảo vệ môi trường (Luật số 57/2010/ QH12) ngày 15/11/2010;

2. Chính phủ, (2011), Nghị định 67/2011/NĐ-CP ngày 8/8/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế Bảo vệ môi trường;

3. Bộ Tài chính (2015), Chế độ kế toán DN, NXB Tài chính;

4. PGS., TS. Phạm Đức Hiếu, PGS., TS. Nguyễn Thị Kim Thái (2012), Kế toán môi trường trong DN, NXB Giáo dục, 2012;

5. Trần Phước Hiền (2014), Định hướng xây dựng kế toán quản lý môi trường ở Việt Nam, Luận văn Thạc sỹ, TP. Hồ Chí Minh, 2014;

6. ThS. Huỳnh Thị Thanh Thúy (2017), Vận dụng kế toán môi trường tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, Tạp chí Tài chính tháng 12/2017;

7. NCS. Lê Anh Tuấn, ThS. Nguyễn Lê Nhân - Đại học Duy Tân (2016), Kế toán môi trường và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, Tạp chí Tài chính tháng 9/2016;

8. PGS., TS. Ngô Thị Thu Hồng (2013), Học viện Tài chính, Sự cần thiết áp dụng Kế toán Môi trường trong Kế toán Việt Nam, Tạp chí Kế toán & Kiểm toán;

9. Nguyễn Thị Thùy Linh (2016), Thực trạng và giải pháp triển khai kế toán môi trường tại các DN Việt Nam, Tạp chí Tài chính, tháng 12/2016;

10. Đào Thị Loan, Phạm Thị Thúy Hằng (2017), Kế toán chi phí môi trường, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T10/2017;

11. International Federation of Accountants (2005), Environmental Management Accounting, International Guidance Document, USA, 2005;

12. United Nations, New York (2001) Environmental Management Accounting Procedures and Principles, 2001.