Kế toán quản trị hàng tồn kho trong các doanh nghiệp lâm nghiệp tại Tuyên Quang


Hàng tồn kho luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của doanh nghiệp sản xuất lâm nghiệp. Do đó, quản trị và kiểm soát hàng tồn kho có vai trò quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Nghiên cứu khảo sát 144 nhà quản trị và kế toán làm việc trong các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang để đánh giá thực trạng công tác kế toán quản trị hàng tồn kho, từ đó, đề xuất giải pháp hoàn thiện công tác kế toán quản trị hàng tồn kho trong doanh nghiệp sản xuất lâm nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đặt vấn đề

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), hàng tồn kho (HTK) là tài sản vừa để bán, vừa là sản phẩm dở dang, vừa để sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh. Điều này có nghĩa, HTK là một trong những tài sản có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của DN. Việc quản trị HTK là nội dung quan trọng, cần có sự tham gia của hoạt động kế toán, nhất là kế toán quản trị (KTQT).

Đối với DN sản xuất lâm nghiệp (DNLN), đặc điểm của chu kỳ sản xuất rừng kéo dài từ 6–7 năm, toàn bộ giá trị rừng chưa đến tuổi khai thác được các DNLN đưa vào giá trị HTK, do đó, HTK chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng tài sản của DNLN. Vì vậy, việc quản trị HTK gặp nhiều khó khăn, quá trình thực hiện còn nhiều bất cập, dẫn đến thông tin phản ánh về HTK chưa đầy đủ, kịp thời và chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị. Trong khi đó, hiện nay, nội dung KTQT còn tương đối mới đối với các DN quy mô nhỏ và vừa, các DN này chưa chú trọng đến KTQT, chỉ tập trung cho công tác kế toán tài chính. Việc quan tâm và đầu tư cho công tác KTQT hàng tồn kho sẽ giúp nhà quản trị có thông tin làm cơ sở để phân bổ ngân sách phù hợp cho các hoạt động sản xuất, dự trữ, bán hàng hay đầu tư an toàn, góp phần cho sự phát triển chung của DN.

Là một tỉnh miền núi phía Bắc với diện tích đất lâm nghiệp chiếm 76% diện tích rừng tự nhiên, tỉnh Tuyên Quang rất chú trọng phát triển kinh tế lâm nghiệp, đề cao vai trò của các DNLN trong thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp của địa phương, nhằm thực hiện mục tiêu trở thành hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Kế toán quản trị hàng tồn kho trong các doanh nghiệp lâm nghiệp tại Tuyên Quang - Ảnh 1

Xuất phát từ những vấn đề trên, việc hoàn thiện công tác KTQT HTK là yêu cầu khách quan, góp phần nâng cao kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNLN. Bằng phương pháp thống kê mô tả, điều tra khảo sát 144 nhà quản trị các cấp và kế toán viên tại các DNLN tại tỉnh Tuyên Quang, nghiên cứu này đánh giá thực trạng KTQT HTK tại các DNLN, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác KTQT HTK trong các DNLN.

Công tác kế toán quản trị hàng tồn kho trong các doanh nghiệp lâm nghiệp tại Tuyên Quang

Lập dự toán hàng tồn kho

Kết quả khảo sát cho thấy, 100% ý kiến trả lời DNLN có lập dự toán HTK, tuy nhiên, dữ liệu thu thập được tại các DNLN cho thấy, các DNLN lập dự toán dưới dạng kế hoạch cung ứng vật tư phục vụ cho trồng rừng và chưa xây dựng hệ thống định mức HTK.

Để phục vụ cho việc lập kế hoạch về HTK, các DNLN đều mã hóa HTK, điển hình như Công ty lâm nghiệp Yên Sơn ở Bảng 1. Việc mã hóa HTK của các DNLN cơ bản đều dựa trên đặc điểm cụ thể của HTK và trình độ của nhân viên mã hóa.

Kế hoạch về HTK của các DNLN chưa thể hiện được số lượng nhập, xuất, tồn kho của DN, từ đó, chưa có căn cứ xác định được trị giá sản phẩm tồn kho cuối kỳ làm căn cứ để lập dự toán tổng hợp, ví dụ như Công ty lâm nghiệp Hàm Yên ở Bảng 2.

Như vậy, công tác lập dự toán HTK ở các DNLN còn rất đơn giản, chưa đáp ứng được nhu cầu quản trị. Mặt khác, việc lập kế hoạch cung ứng vật tư cho sản xuất của các DNLN vẫn dựa trên phương pháp thống kê kinh nghiệm và số liệu của kỳ trước. Việc xác định số lượng vật tư phải đặt hàng mua ngoài và tự sản xuất đều chủ yếu dựa theo kinh nghiệm của các nhà quản lý.

Thu nhận và xử lý thông tin về hàng tồn kho

Do các DNLN đều tổ chức KTQT theo mô hình kết hợp với kế toán tài chính (KTTC) nên quá trình thu nhận thông tin KTQT HTK được thực hiện lồng ghép và có sự phối hợp với các bộ phận chức năng khác. Các DNLN thu thập thông tin HTK từ 2 nguồn là dữ liệu được kế toán ghi chép trên các chứng từ gốc và thông tin ghi nhận từ các bộ phận hạch toán nghiệp vụ.

Các DNLN đều áp dụng đầy đủ hệ thống chứng từ kế toán HTK theo quy định của Nhà nước. Kết quả khảo sát cho thấy, để thu thập thông tin phục vụ cho việc xử lý, tổng hợp tình hình HTK, 100% các DNLN đều sử dụng hệ thống chứng từ HTK của KTTC, không phân biệt các chỉ tiêu chi tiết hay cụ thể trên chứng từ kế toán, DN cũng không tự xây dựng thêm các chứng từ phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu ghi nhận HTK phục vụ yêu cầu KTQT của đơn vị.

Các DNLN trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang không tổ chức áp dụng các phương pháp riêng trong KTQT HTK mà đều áp dụng một trong ba phương pháp trong kế toán chi tiết HTK theo KTTC. Kết quả khảo sát cho thấy, có 88,6% ý kiến trả lời DNLN áp dụng phương pháp thẻ song song và 11,4% ý kiến trả lời DNLN áp dụng phương pháp sổ đối chiếu luân chuyển.

Hệ thống tài khoản kế toán sử dụng trong KTQT HTK tại các DNLN được xây dựng dựa trên hệ thống tài khoản kế toán của KTTC. Các tài khoản đều được mở chi tiết đến cấp 2,3,4... phù hợp với đặc điểm cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và yêu cầu quản lý.

Các sổ chi tiết HTK trong các DNLN đều được mở tương ứng với hệ thống tài khoản kế toán chi tiết đã thiết lập tại đơn vị. Tuy nhiên, 100% ý kiến trả lời các DNLN không tổ chức xây dựng riêng hệ thống sổ chi tiết HTK của KTQT mà sử dụng hệ thống sổ kế toán HTK của KTTC.

Phân tích và đánh giá thông tin về hàng tồn kho

Kết quả khảo sát cho thấy, có 68,6% ý kiến trả lời rằng, DN có thực hiện phân tích thông tin HTK, chỉ tiêu này do kế toán trưởng xem xét và tính toán; có 31,4% ý kiến cho biết, DN không thực hiện phân tích thông tin về HTK.

Kết quả phỏng vấn sâu lãnh đạo DNLN cho biết, việc phân tích thông tin HTK chỉ thực hiện định kỳ theo năm và cũng chỉ phân tích một số chỉ tiêu cơ bản, từ đó đưa ra những nhận xét chung, chưa đi sâu vào việc phân tích tỉ mỉ để tìm nguyên nhân của những tồn tại. Các DN không phân tích trước và trong quá trình thực hiện để có sự so sánh, điều chỉnh phù hợp, do đó, việc xác định thời điểm mua vật tư, quy mô đặt hàng vật tư... sẽ thiếu sự khoa học, làm giảm hiệu quả của việc sử dụng vốn nói chung và sử dụng HTK nói riêng.

Kế toán quản trị hàng tồn kho trong các doanh nghiệp lâm nghiệp tại Tuyên Quang - Ảnh 2

 Như vậy, việc phân tích, đánh giá thông tin liên quan đến HTK chưa được các DNLN quan tâm để phục vụ cho việc đưa ra quyết định như điều chỉnh mức dự trữ HTK, phương án dự trữ HTK hiệu quả, tối ưu nhất.

Báo cáo thông tin kế toán quản trị về hàng tồn kho

Kết quả khảo sát cho thấy, 100% ý kiến trả lời các DNLN đều sử dụng các báo cáo trong hệ thống KTTC để báo cáo tình hình KTQT HTK phục vụ cho chức năng kiểm soát HTK, như: Báo cáo tổng hợp nhập, xuất, tồn. Báo cáo này được lập căn cứ vào các sổ chi tiết nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ… Báo cáo trình bày về các nội dung cụ thể về hàng tồn kho thể hiện chỉ tiêu về số lượng và chỉ tiêu về giá trị của mỗi loại nguyên vật liệu trong DNLN, bao gồm: số dư đầu kỳ, số phát sinh trong kỳ và số dư cuối kỳ. Mục đích lập báo cáo này nhằm xác định tình hình tăng, giảm nguyên vật liệu của DN, đồng thời đối chiếu số liệu với sổ kế toán tổng hợp.

Các thông tin về HTK cung cấp đều thể hiện ở dạng số liệu tổng hợp từ KTTC, chưa trình bày thông tin dưới dạng đồ thị hay phương trình kinh tế, các báo cáo cũng chưa giải trình được nguyên nhân khi có chênh lệch. Các báo cáo đều được lập định kỳ theo năm nên tính kịp thời và hiệu quả cung cấp thông tin về HTK vẫn còn hạn chế.

Kết luận

Kết quả nghiên cứu thực trạng công tác KTQT HTK trong các DNLN tại Tuyên Quang cho thấy, các DN đã có sự quan tâm tới hoạt động này, thông qua việc xây dựng hệ thống tài khoản theo dõi HTK chi tiết, một số chỉ tiêu cơ bản về HTK đã được kế toán tính toán và phân tích, trên cơ sở đó, KTQT đã lập các báo cáo KTQT HTK. Mặc dù các báo cáo chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện nhưng đã cung cấp một số thông tin cần thiết phục vụ nhu cầu của các cấp quản trị trong DNLN. Tuy nhiên, công tác KTQT HTK trong các DNLN vẫn còn một số hạn chế như: Dự toán được lập là dự toán tĩnh theo năm tài chính, không tiến hành phân tích thông tin về HTK đầy đủ trước và trong quá trình thực hiện, các chỉ tiêu sử dụng để phân tích chưa đủ căn cứ khoa học và thực tiễn…

Từ thực tiễn trên, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại và hoàn thiện công tác KTQT HTK trong các DNLN trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang như sau:

Thứ nhất, các DNLN cần tổ chức xây dựng hệ thống định mức HTK trên cơ sở mối quan hệ thuần túy về mặt kỹ thuật giữa đầu ra là gỗ nguyên liệu và đầu vào là nguyên vật liệu.

Thứ hai, dự toán HTK tại các DNLN được lập cần căn cứ vào kế hoạch hoạt động của năm và tình hình thực tế cũng như nhu cầu cung cấp vật tư của mỗi lô khoảnh rừng trồng.

Thứ ba, kế toán cần thiết kế các loại chứng từ, bổ sung các chỉ tiêu hay yếu tố cần thiết để thuận lợi trong việc thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin về HTK cho những giai đoạn tiếp theo, phục vụ cho quản trị và kiểm soát HTK.

Thứ tư, kế toán cần phân tích thêm một số chỉ tiêu về HTK như: hệ số đảm nhiệm HTK, tỷ trọng HTK so với tổng tài sản ngắn hạn, mức độ đầu tư HTK, chi phí thực hiện HTK… nhằm phản ánh cụ thể thông tin về tình hình HTK.     

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính (2013), Chuẩn mực số 02 - Hàng tồn kho (Hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam), NXB Lao động;

2. Nga, N. T (2019), Nâng cao hiệu quả ứng dụng kế toán quản trị tại các doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Tài chính, Kỳ 2, tháng 10/2019;

3. Việt, N. V., & Anh, M. N (2020), Giáo trình Kế toán quản trị doanh nghiệp, NXB Tài chính;

4. UBND tỉnh Tuyên Quang (2020), Quyết định số 688/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025;

5. UBND tỉnh Tuyên Quang (2019), Đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2035;

6. Ngân, L. T (2021), Thực trạng xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trong sản xuất lâm nghiệp hiện nay, Tạp chí Công Thương, Số 24, tháng 10.

(*) ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân - Trường Đại học Tân Trào

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 03/2022