Kéo dài cho vay ngoại tệ: Cú hích cho xuất khẩu

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Việc ngân hàng Nhà nước (NHNN) gia hạn cho các doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ đến hết năm 2017 được kỳ vọng sẽ là cú hích quan trọng, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh hoạt động sản xuất của nhóm này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được vay ngoại tệ kéo dài đến hết 31/12/2017, với lãi suất đầu vào là 0%, trong khi lãi suất cho vay đầu ra 3-6%. Chênh lệch biên độ lãi suất lớn như vậy sẽ giúp các ngân hàng tiếp tục duy trì mức sinh lãi hấp dẫn ở hoạt động cho vay USD.

Theo các chuyên gia ngành ngân hàng, rủi ro chi phí trong vay ngoại tệ là biến động tỷ giá. Dù tỷ giá VND/USD đã có một đợt biến động mạnh trong khoảng 10 ngày qua, song Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp đây là điều bình thường và phù hợp với xu hướng tăng của tỷ giá trung tâm. Động thái kéo dài thời hạn cho vay ngoại tệ vào thời điểm này đã thực sự tạo cho các doanh nghiệp một dòng vốn rẻ.

Kênh vốn rẻ cho xuất khẩu

Hiện, các doanh nghiệp xuất khẩu được vay USD ngắn hạn lãi suất chỉ ở khoảng 3-6%/năm, thấp hơn nhiều so với vay bằng VND lãi suất từ 6% đến 10%/năm.

Ông Bùi Sỹ Hoàng, Giám đốc doanh nghiệp chuyên sản xuất phụ tùng ô tô xuất khẩu sang Nhật, cho rằng việc các ngân hàng thương mại cho vay ngoại tệ trở lại là một tín hiệu mừng cho các doanh nghiệp.

“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải mua thiết bị bằng USD, do đó được vay USD sẽ thuận lợi hơn việc vay bằng VND. Thời gian qua, các doanh nghiệp vẫn phải chuyển tiền VND sang USD để mua, khi đó lãi suất sẽ cao hơn. Do đó, đây là cơ hội để doanh nghiệp đầu tư và đổi mới thiết bị công nghệ rất tốt”, ông Hoàng cho biết.

Trong khi đó, ông Lê Văn Dương, Giám đốc công ty cơ khí Lâm Dương, cho biết hiện doanh nghiệp đang xuất khẩu nhiều mặt hàng cơ khí đi các nước Hàn Quốc, Malaysia… Thời gian qua tỷ giá biến động nhưng do doanh nghiệp được vay USD từ các ngân hàng thương mại nên không bị ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp.

“Lãi suất cho vay nội tệ đang áp dụng 8 – 11%, trong khi ngoại tệ chỉ có 3 – 6% cho thấy sự chênh lệch về lãi suất khi được vay ngoại tệ sẽ tạo cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận tăng cao. Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế trong nước”, ông Dương nói.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, việc triển khai áp dụng kéo dài cho vay ngoại tệ lần này sẽ là cú hích quan trọng, góp phần cho tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng xuất khẩu của cả năm.

Hỗ trợ khả năng sinh lời

Nhu cầu ngoại tệ thanh toán hàng hóa nhập khẩu dịp cuối năm của doanh nghiệp tăng. Điều này được phản ánh phần nào qua tình hình tăng trưởng tín dụng ngoại tệ của các ngân hàng, nhất là từ quý III đến nay.

Theo số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tính đến 30/9/2016, tín dụng ngoại tệ đã tăng 5,44% so với cuối năm 2015, tăng 3,69 điểm phần trăm so với tháng liền trước.

Trước đó, tăng trưởng dư nợ ngoại tệ toàn ngành vào ngày 24/6/2016 giảm 4,64% so với đầu năm, đến ngày 31/8/2016 chỉ còn giảm 0,33%, đặc biệt tháng 9 tăng mạnh, tới 3,69% so với tháng 8.

Riêng tại địa bàn TP. Hồ Chí Mminh, tín dụng ngoại tệ đã trở về trạng thái dương chỉ sau một tháng NHNN mở lại tín dụng ngoại tệ (từ tháng 6/2016) và đến nay, tín dụng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn ước tính tăng khoảng 2-3% so với đầu năm 2016.

Từ kết quả trên, NHNN khẳng định trạng thái ngoại tệ vẫn luôn cân bằng và không có hiện tượng cầu gây áp lực lên cung dù cầu ngoại tệ đang tăng mạnh về cuối năm.

Theo lý giải của các chuyên gia, nhu cầu ngoại tệ tăng cao vào những mùa cao điểm cuối năm, không chỉ đến từ các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, mà còn do doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn ngoại tệ đầu năm để trang trải chi phí sản xuất và cuối năm đến hạn trả nợ, do các khoản vay ngoại tệ thường chỉ ngắn hạn từ 3 đến 6 tháng.

Việc điều chỉnh chính sách này không chỉ giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn rẻ mà còn có lợi cho các ngân hàng. Theo phân tích của các chuyên gia, hiện nay nguồn vốn ngoại tệ của các ngân hàng vẫn ở mức cao và sẽ tăng thêm trong tháng cuối, mà hoạt động cho vay ngoại tệ bị hạn chế sẽ phần nào làm giảm hiệu suất sinh lời của ngân hàng.

Trong trường hợp các ngân hàng bán bớt ngoại tệ chuyển sang VND để cho vay thì cũng không thể quá 20% vốn tự có.

Trong khi đó, chênh lệch biên độ lãi suất lớn giữa đầu vào là 0% và lãi suất cho vay đầu ra 3-6% sẽ giúp các ngân hàng thu được khoản lãi lớn, từ đó phần nào hỗ trợ khả năng sinh lời của các ngân hàng trong bối cảnh phải tiếp tục trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu.

Nếu như những năm trước, NHNN chỉ điều chỉnh chính sách tạm thời trong một thời gian ngắn thì năm nay đã kéo dài đến hết năm 2017. Như vậy, có thể thấy chính sách đã nhất quán hơn, ổn định hơn, đây sẽ là yếu tố sẽ giúp các doanh nghiệp tiết giảm được nhiều chi phí, do lãi suất vay USD chỉ bằng một nửa so với lãi vay VND.

Với tình hình kinh tế còn khó khăn như hiện nay, cho vay ngoại tệ sẽ làm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngay trên sân nhà.