Kết nối FDI và doanh nghiệp trong nước
Với chủ đề “Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài”, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - VBF giữa kỳ vừa được tổ chức tại Hà Nội tập trung tổng kết ba thập niên đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và một trong những điểm yếu được nhắc đến đó là sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa được như kỳ vọng.
Kết nối chưa thành công
Theo nhiều đánh giá, sau hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công, tuy nhiên một mục tiêu quan trọng là kết nối giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước lại chưa được như kỳ vọng. Hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.
Điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhiều năm liền cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI còn hạn chế. Đến năm 2017, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp tư nhân trong nước là khách hàng cung cấp hàng hóa đầu vào của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Nhìn từ phía các doanh nghiệp FDI, liên kết với các công ty trong nước cũng rất yếu. Theo thống kê thì chỉ 26,6% giá trị đầu vào của doanh nghiệp FDI được mua tại Việt Nam, nhưng đáng buồn là một tỷ trọng đáng kể trong đó lại là mua từ chính các doanh nghiệp FDI khác. Các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ chính nước của doanh nghiệp và có xu hướng ít sử dụng nhà cung cấp ở nước sở tại.
Báo cáo mới nhất tại Diễn đàn cho thấy năng lực hấp thụ công nghệ của Việt Nam mới xếp thứ 93, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội xếp thứ 89, độ sâu của chuỗi giá trị tại Việt Nam xếp thứ 106. Nghĩa là các chỉ số liên quan trực tiếp đến việc chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức rất thấp. Việt Nam vẫn xếp hạng dưới Thái-lan, Malaysia, Indonesia và Campuchia về chuyển giao công nghệ.
Ông Kyle F.Kelhpfer - Giám đốc Quốc gia cấp cao phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC cho rằng, những đóng góp của khu vực FDI vào nền kinh tế Việt Nam là quan trọng. Tuy nhiên, để thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài và nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, Việt Nam cần có sự điều chỉnh về quan điểm thu hút đầu tư, trong đó chú trọng hơn đến việc tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI, để tạo lợi ích chung. Yêu cầu này rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Rút ngắn sự cách biệt
Mặc dù còn những điểm yếu về kết nối song cũng phải khẳng định rằng FDI có đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế. Hiện có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, với khoảng 26 nghìn dự án trị giá 326 tỷ USD. Khu vực FDI khẳng định vai trò quan trọng đối với nền kinh tế khi đóng góp vào 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 25% GDP. Trong đó, 58% vốn FDI tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI chiếm 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Khu vực này cũng đang tạo ra 3,6 triệu lao động trực tiếp và từ năm đến sáu triệu lao động gián tiếp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, mặc dù sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội chưa tạo được liên kết như kỳ vọng, chuyển giao công nghệ còn hạn chế nhưng tác động lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp Việt Nam là không nhỏ. Nó được thể hiện trong việc tạo “sức ép” để doanh nghiệp trong nước tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao kỹ năng quản trị theo chuẩn quốc tế, tạo ra nhiều việc làm. Vấn đề là làm sao để kết nối, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghiệp phụ trợ?
Có thể hình dung các doanh nghiệp FDI với tiềm lực mạnh hơn hẳn các doanh nghiệp trong nước về vốn, công nghệ, quản trị, kết nối thị trường, lại ít bị tác động hơn bởi những rào cản từ thể chế, bất ổn kinh tế, các doanh nghiệp FDI đã nhanh chóng vượt lên nắm giữ tỷ trọng ngày càng cao trong những lĩnh vực được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế như công nghiệp chế biến, chế tạo. Điểm lợi thế của Việt Nam dưới con mắt các nhà đầu tư nước ngoài là chi phí rẻ, có các chính sách ưu đãi FDI phù hợp, môi trường kinh doanh ổn định, mức thuế phù hợp và khả năng tác động của họ tới chính sách tốt hơn.
Có ý kiến lại cho rằng, mục tiêu chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý và kết nối, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước cần cái nhìn khách quan hơn. Nếu những năm gần đây chúng ta đã chủ động và tập trung thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực công nghệ cao thì với khoảng cách về trình độ, năng lực giữa những tập đoàn lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, việc kết nối rõ ràng không thể nóng vội. Hãy hình dung, một sản phẩm công nghệ hiện đại, công nghệ tiên tiến đòi hỏi khắt khe đối với từng chi tiết, cấu phần, vì vậy không dễ để doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước có thể tham gia được vào chuỗi sản xuất này. Với lợi thế về khoảng cách địa lý, khi doanh nghiệp trong nước sản xuất được các sản phẩm phụ trợ với giá bằng hoặc thấp hơn nhập khẩu, không có lý gì doanh nghiệp FDI không kết nối với doanh nghiệp trong nước.
Đã có nhiều kiến giải để tăng mức độ kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, nhưng khi các giải pháp đó chưa mang lại hiệu quả mong muốn thì vẫn cần bổ sung những biện pháp mới. Thí dụ, bên cạnh việc phải cải thiện chất lượng lao động, thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cũng cần phải lưu ý đến yếu tố địa lý. Chính khoảng cách địa lý cũng có tác động đến sự kết nối này. Việc hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất riêng biệt, tách biệt các doanh nghiệp FDI có thể giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và xuất khẩu. Tuy nhiên nó lại khiến cho những hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước trở nên hạn chế.
Chính vì vậy, khi Chính phủ, chính quyền các địa phương thiết kế các khu công nghiệp riêng dành cho đầu tư FDI cũng phải tính đến sự nối kết với các khu cụm công nghiệp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đột phá hơn là khi thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, chúng ta không chỉ chú ý đến kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa mà phải tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn thiết lập các trung tâm và mở rộng hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D) với sự tham gia của đội ngũ kỹ sư trong nước.