FDI - Dự án tỷ đô lên ngôi?
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/6/2018, cả nước có 1.366 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 11,8 tỷ USD; có 507 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,43 tỷ USD. Trong đó, có nhiều dự án có vốn đăng ký lên đến tỷ USD.
Tính chung trong 6 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 7,91 tỷ USD, chiếm 38,9% tổng số vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,54 tỷ USD. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Có 87 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 6,47 tỷ USD, chiếm 31,8% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,06 tỷ USD; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,39 tỷ USD.
Điểm nhấn trong thu hút là đã xuất hiện thêm nhiều dự án tỷ USD. Điển hình các dự án tỷ USD là: Dự án “Thành phố thông minh” tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội với tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư.
Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,2 tỷ USD, do Hyosung Corporation (Hàn Quốc) đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án Công ty TNHH Laguna (Việt Nam), cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 7/3/2007, do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thừa Thiên - Huế, đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD vào ngày 25/5/2018.
Bên cạnh đó, các dự án hàng trăm triệu USD cũng khá nhiều, có thể kể đến: Dự án Lotte Mall Hà Nội, tổng vốn đầu tư đăng ký 600 triệu USD, do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư tại Hà Nội; Dự án nhà máy LG Innitek Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD…
Dòng vốn FDI đang chảy mạnh vào Việt Nam chứng tỏ sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, giải ngân hết vốn cam kết, đầu tư nhanh và hoàn thành dự án cũng là một vấn đề đặt ra.
Các dự án tỷ USD xuất hiện ngày một nhiều cũng đặt ra mối e ngại về tính thực thi từ những con số tỷ đô được đăng ký. Bởi thực tế cách đây 10 năm, đã có rất nhiều dự án tỷ USD đã được cấp chứng nhận đầu tư, song không ít dự án có con số đăng ký “ảo”. Hệ quả là, nhiều dự án tỷ USD “đứt gánh giữa đường”, bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Vì vậy, để câu chuyện này không bị lặp lại, Việt Nam cần có động thái tích cực, thúc đẩy các dự án tỷ USD nhanh chóng triển khai để đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Với nỗ lực cải cách trong nước và tiềm năng phát triển vẫn còn đủ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, quan điểm hợp tác luôn luôn rộng mở của Việt Nam, có kỳ vọng vào tương lai sắp tới của FDI đổ vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh.