Khả năng trả nợ nước ngoài phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng vốn vay
(Taichinh) - Đó là ý kiến của Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Trương Hùng Long tại cuộc họp báo về triển khai chỉ thị 02 của Chính phủ do Bộ Tài chính tổ chức vào chiều ngày 14/5/2015.
Tỷ lệ trả nợ so tổng thu vẫn dưới mức quy định
Theo ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, Việt Nam luôn chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 là 15,2%; năm 2014 là 13,8% và năm 2015 dự kiến khoảng 16,1% (theo quy định là không quá 25%)
Cũng theo ông Hải,năm 2014 khối lượng vốn vay nợ công cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đạt khá, đã huy động được 627,8 nghìn tỷ đồng, trên 98% vốn vay đã được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng. Việc tăng cường huy động vốn vay cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường..., đã tạo ra diện mạo mới cho đất nước, trong đó có một số công trình hiện đại, đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Tỷ lệ con số trả nợ được tính theo từng thời điểm khoản nợ phải trả, nếu vay cách đây 20 năm thì đúng 20 năm sau mới phải trả. Các khoản vay nước ngoài đều được Việt Nam trả rất đều theo các kỳ hạn khác nhau.Chúng ta thực hiện rất tốt thời hạn trả nợ, không chậm trả cả nợ lãi và phí. Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ động kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu nhằm giảm dần áp lực trả nợ ngắn hạn và giảm dần đảo nợ.
Cụ thể: Giảm mạnh và tiến tới ngừng phát hành tín phiếu và trái phiếu kỳ hạn ngắn, tập trung chủ yếu vào trái phiếu có kỳ hạn dài từ 5 năm đến 15 năm, bước đầu cơ cấu lại danh mục trái phiếu Chính phủ.
Kết quả,trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng từ 14% năm 2013 lên 27% năm 2014, kỳ hạn 10 năm tăng từ 4% năm 2013 lên 13% năm 2014, kỳ hạn 15 năm tăng từ 2% lên 6% năm 2014.
Việc công khai về nợ công đã bước đầu đi vào nề nếp, tạo được kênh thông tin quan trọng phục vụ cho việc phân tích, đánh giá, nghiên cứu về vấn đề nợ công.
Kiến nghị sửa đổi khung pháp lý về nợ công
Mặc dù đánh giá tình hình nợ công khá ổn định, tuy nhiên,ông Trương Hùng Long vẫn chỉ ra rằng, an toàn nợ công thể hiện ở việc chúng ta có khả năng thu xếp, bố trí để chi trả các khoản vay nợ. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng vốn vay.
Vốn vay được sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích, đưa vào các lĩnh vực thực sự cần thiết sẽ làm cho kinh tế phát triển, tạo ra nguồn lực để trả nợ trong tương lai.
Ông Trương Hùng Long cho biết, Bộ Tài chính đã quyết liệt, triển khai nhiều biện pháp đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nợ công.
Trong đó, Bộ Tài chính cho rà soát, đánh giá các quy định hiện hành của Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn để từ đó có căn cứ kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung khung pháp lý về quản lý nợ công, trong đó có sửa đổi quy chế quản lý, sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; sửa đổi quy định về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, phát hành trái phiếu của Chính phủ....
Về Luật Quản lý nợ công, Bộ Tài chính cũng đang rà soát, đánh giá và kiến nghị phương án sửa đổi, bổ sung. Theo kế hoạch, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2015 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/2/2015 về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công.
Về quy chế quản lý, sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, ông Trương Hùng Long nêu rõ, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa Nghị định số 38/2013/NĐ-CP, với quan điểm siết chặt hơn nữa việc sử dụng và nâng cao trách nhiệm giải trình cũng như trách nhiệm phân bổ vốn.
Để thích ứng với các điều kiện, bối cảnh mới, Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu, rà soát và trình Chính phủ đánh giá lại Chiến lược Quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng Chương trình quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2016-2018 để đưa ra những cảnh báo rủi ro về tỷ giá, lãi suất, tái cấp vốn trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của báo giới tại saokhông sử dụng phần vượt thu ngân sách để trả nợ, ông Nguyễn Minh Tân - Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước cho biết,khoản vượt thu ngân sách hàng năm được ưu tiên sử dụng giảm bội chi, thanh toán các nghĩa vụ nợ, tăng dự phòng dự trữ của ngân sách.
Đối với nguồn vượt thu của ngân sách trung ương năm 2014, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên tinh thần bám sát các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội, cũng như của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó tập trung ưu tiên bố trí cho các khoản nợ của ngân sách nhà nước, chi tiền lương, chi an sinh xã hội...