Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc
Tăng cường trách nhiệm, đẩy mạnh tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của Đất nước, của Nhân dân tại các bộ, cơ quan, địa phương, cán bộ, công chức; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc.
Đó là nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Công điện số 280/CĐ-TTg, ngày 19/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.
Công điện nêu rõ, trong thời gian gần đây, ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương…
Hậu quả dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Để chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tăng cường trách nhiệm, đẩy mạnh tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của Đất nước, của Nhân dân tại các bộ, cơ quan, địa phương, cán bộ, công chức; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp, chủ động, tích cực giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý. Quyết định các công việc theo thẩm quyền và không trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ những công việc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan theo đúng quy định của Quy chế làm việc của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan mình sang bộ, cơ quan khác; không giải quyết các công việc được xác định thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan khác; trả lại văn bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương xin ý kiến nếu không đúng thẩm quyền hoặc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị xin ý kiến.
Khi giải quyết công việc, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chủ trì phải chủ động, tích cực phối hợp có hiệu quả với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của bộ, cơ quan mình. Không lấy ý kiến phối hợp của cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc. Bộ, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời đúng thời hạn, chính kiến rõ ràng; không trả lời chung chung, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh trách nhiệm.
Trường hợp quá thời hạn quy định mà bộ, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời hoặc chậm trả lời thì được xác định là đồng ý với ý kiến và đề xuất của cơ quan lấy ý kiến theo đúng quy định của Quy chế làm việc của Chính phủ.
Cơ quan lấy ý kiến có văn bản thông báo lại và bộ, cơ quan không có ý kiến hoặc chậm có ý kiến trả lời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật; không trình, báo cáo công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan Trung ương; không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan Trung ương để né tránh trách nhiệm.
Đồng thời, khẩn trương rà soát các nhiệm vụ, công việc của địa phương để kịp thời xem xét, quyết định theo thẩm quyền và trong thời hạn được pháp luật quy định, nhất là đối với những công việc đã để chậm trễ, kéo dài...
Bên cạnh các nội dung trên, tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung ngay quy trình phân công và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công việc tại cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền, cắt giảm, đơn giản hóa những quy trình, thủ tục không cần thiết.
Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao...