Khai thông “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công


Nhiều năm gần đây, Việt Nam chưa bao giờ giải ngân hết vốn đầu tư công theo kế hoạch hàng năm. Những “điểm nghẽn” cố hữu trong giải ngân đầu tư công vẫn chưa thể khai thông dù đã có sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành.

Các lãnh đạo địa phương đơn vị cần phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong công tác đẩy nhanh giải ngân, bởi hiện nay có nhiều địa phương triển khai khá hiệu quả.
Các lãnh đạo địa phương đơn vị cần phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong công tác đẩy nhanh giải ngân, bởi hiện nay có nhiều địa phương triển khai khá hiệu quả.

“Điểm nghẽn” cố hữu

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, trong nhiều năm gần đây, Việt Nam chưa bao giờ giải ngân hết vốn đầu tư công theo kế hoạch hàng năm. Thậm chí, năm sau lại có xu hướng giảm hơn năm trước. Cụ thể, nếu năm 2016, giải ngân được 97,8% kế hoạch, thì sang năm 2017 chỉ còn 94,4%; năm 2018 là 92,3% và năm 2019 là 89,5%.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 đạt 33,1% dự toán, trong đó, ngân sách trung ương đạt 28,6%; ngân sách địa phương đạt 30,7%, khá hơn so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 28,6%), trong đó tỷ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 32,82%, vốn ngoài nước đạt 10,24% dự toán. So với tổng vốn đầu tư công được phép giải ngân trong năm 2020, bao gồm dự toán chi năm 2020 và dự toán các năm trước chuyển sang, thì tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 mới đạt 28,94%.

Theo lý giải của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại “cố hữu” từ lâu như: công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh toán một lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên…

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, niên độ ngân sách nhà nước là 1 năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn. Sau khi được giao kế hoạch đầu năm, các cấp, các ngành mới bắt tay vào triển khai các hoạt động chuẩn bị đầu tư, xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công… nên mất nhiều thời gian để có khối lượng thanh toán, kế hoạch đấu thầu được phê duyệt đầu năm thì phải đến giữa năm mới lựa chọn được nhà thầu và ký hợp đồng, việc tạm ứng vốn hợp đồng, hay giải ngân khối lượng thực hiện thường xảy ra vào thời điểm cuối năm.

Lý giải thêm về chậm trễ giải ngân đầu tư công đã tồn tại lâu nay ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, quy trình và điều kiện để được giải ngân với một dự án đầu tư công rất nhiều thủ tục và rất phức tạp. Giải ngân vốn đầu tư công giống như thanh toán việc xây dựng một căn nhà, phụ thuộc vào tiến độ từng hạng mục, hoàn thành hạng mục nào, thanh toán hạng mục đó, thậm chí xây xong nhà mới thanh toán. Do cần thời gian để có khối lượng thực hiện nên thường là vài tháng mới thanh toán. Vì thế, giải ngân một dự án đầu tư công không thể thực hiện ngay lập tức toàn bộ dự toán.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong những yếu tố quan trọng nhất là phải có khối lượng thực hiện. Tuy nhiên, công tác này là một chuỗi các thủ tục liên hoàn mà chỉ cần một khâu gặp trục trặc sẽ kéo theo cả quá trình giải ngân bị đình trệ. Trong chuỗi liên hoàn đó, giải phóng mặt bằng và khâu tư vấn lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án, khâu lập kế hoạch đầu tư cho dự án là hai bước thường bị mất nhiều thời gian nhất.

Năm 2020, tổng vốn đầu tư công phân bố từ nguồn ngân sách nhà nước đạt gần 700.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 30 tỷ USD). Số vốn này bao gồm 470.600 tỷ trong dự toán ngân sách và 225.200 tỷ đồng là vốn của năm 2019 chuyển sang. Như vậy, vốn đầu tư công phải giải ngân năm 2020 gấp hơn 2 lần số vốn thực giải ngân của năm 2019. Trong khi đó, ngoài các nguyên nhân cố hữu, 6 tháng đầu năm còn xuất hiện các nguyên nhân khó giả khác như dịch Covid-19, từ đó làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư... Theo một số chuyên gia kinh tế, điều khá lo ngại hiện nay, dịch Covid-19 đang xuất hiện trở lại tại TP. Đà Nẵng và một số địa phương khác, khiến cho hoạt động giải ngân có thể sẽ tiếp tục đối mặt với rất nhiều trở ngại.

Làm gì để khơi thông?

Giải ngân đầu tư công được coi là “cửa” sáng nhất trong các “mũi giáp công” mà Thủ tướng Chính phủ vừa nêu ra để hồi phục nền kinh tế theo mô hình chữ V sau đại dịch Covid-19. Tu nhiên, đến việc tiến độ giải ngân chậm vẫn khiến lãnh đạo Chính phủ đau đầu.

"Sốt ruột" trước thực trạng trên, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có những chỉ đạo, đốc thúc các bộ ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng khẳng định: "Sẽ đánh giá bộ, ngành, địa phương có hoàn thành nhiệm vụ hay không dựa trên tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công". Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ có những chuyến công tác, làm việc trực tiếp và họp trực tuyến với một số địa phương khác để đốc thúc công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại một số bộ, cơ quan, địa phương do Thủ tướng, cùng 4 phó thủ tướng và 2 Bộ trưởng Tài chính, Kế hoạch Đầu tư làm trưởng đoàn, với thời gian dự kiến từ 18/7 đến 31/8.

Theo Bộ Tài chính, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư năm 2020, các bộ ngành, địa phương, chủ đầu tư cần ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu… Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương sử dụng vốn đầu tư công cần chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2019 kéo sang năm 2020 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải có chế tài nghiêm khắc các chủ đầu tư, chủ dự án, tổ chức cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cần rút ra bài học từ những địa phương, từ những ngành đã giải ngân tốt và đưa những kinh nghiệm đó, chuyển ngay những kinh nghiệm đó cho các địa phương khác. Bên cạnh đó, các lãnh đạo địa phương đơn vị cần phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong công tác đẩy nhanh giải ngân, bởi hiện nay có nhiều địa phương triển khai khá hiệu quả.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 đạt 33,1% dự toán, trong đó, ngân sách trung ương đạt 28,6%; ngân sách địa phương đạt 30,7%, khá hơn so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 28,6%), trong đó tỷ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 32,82%, vốn ngoài nước đạt 10,24% dự toán. So với tổng vốn đầu tư công được phép giải ngân trong năm 2020, bao gồm dự toán chi năm 2020 và dự toán các năm trước chuyển sang, thì tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 mới đạt 28,94%.