Khát vọng Việt Nam hùng cường


Nếu phải chọn một hình ảnh tiêu biểu của năm 2021 làm điểm tựa cho khát vọng hùng cường, đó chính là sự hy sinh quên mình của những y bác sỹ và các lực lượng tuyến đầu vì tính mạng, sức khỏe của nhân dân trong công cuộc chống đại dịch COVID-19. Chính sức mạnh dân tộc to lớn, bền bỉ, sâu lắng là nguồn lực vô giá, giúp đất nước bước qua những thời khắc thử thách, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên của thịnh vượng, mạnh giàu.

Khép lại hành trình đầy thử thách của năm 2021, bước vào năm 2022, chúng ta thêm một lần xây chắc niềm tin vào khát vọng mạnh giàu của dân tộc, đất nước.
Khép lại hành trình đầy thử thách của năm 2021, bước vào năm 2022, chúng ta thêm một lần xây chắc niềm tin vào khát vọng mạnh giàu của dân tộc, đất nước.

Trong lịch sử dân tộc, chưa bao giờ cụm từ “khát vọng hùng cường” lại được những người đứng đầu đất nước cho tới mỗi người dân Việt Nam nói đến nhiều như thế trong những năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng GDP thuộc hàng cao nhất châu lục. Sự ổn định, bền vững của các cán cân kinh tế vĩ mô. Hạ tầng xã hội khởi sắc toàn diện và cải thiện đáng kể. Xây dựng nông thôn mới gắn với xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội đạt nhiều dấu mốc lớn. An ninh, quốc phòng được củng cố bền vững. Nguồn lực đất nước cũng như tích lũy trong dân cư không ngừng được gia tăng, mở rộng. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng nâng cao. Mơ ước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường vào năm 2045 như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định là đích đến hiển hiện, hoàn toàn không phải mục tiêu xa vời.

Tuy nhiên năm 2021, nền kinh tế đất nước như cỗ xe đang băng băng tiến về đích bất ngờ chịu một tác động to lớn của ngoại cảnh - đại dịch COVID-19. Không tránh được quy luật khách quan như hầu hết các quốc gia, đợt bùng dịch thứ 4 kể từ dịp 30/4/2021 kéo dài đến nay đã đẩy kinh tế - xã hội đất nước phải đối mặt với những tổn thất to lớn. Con số hơn 30 ngàn đồng bào, chiến sỹ tử vong và hy sinh vì đại dịch COVID-19 để lại bao day dứt, xót đau. Cộng đồng doanh nghiệp và người lao động trên cả nước đều bị tác động tiêu cực. Nhìn rộng ra trên bình diện chung, nhiều người tự hỏi, liệu khát vọng hùng cường, giàu mạnh mà chúng ta mới manh nha xác định liệu có đổi thay, suy xuyển?

Tinh thần dân tộc, điểm tựa trong gian khó

Trước những tác động tiêu cực của đại dịch, mỗi người Việt Nam cảm nhận, hành trang tiến vào kỷ nguyên của văn minh, phát triển không chỉ đơn thuần ở những con số tăng trưởng. Bỏ qua các thống kê khô khan, sức mạnh dân tộc của trên 96 triệu đồng bào chính là điểm tựa lớn nhất trong gian khó. Không thể kể hết sự xả thân hy sinh của những người chiến sỹ áo trắng. Hàng vạn tấm gương bất chấp hiểm nguy rình rập tính mạng, sức khỏe đã quên ăn, quên nghỉ, để cứu giúp đồng bào. Trong cuộc chiến khốc liệt với dịch bệnh, có những y bác sỹ, chiến sỹ quân đội, công an và các lực lượng tuyến đầu đã hy sinh thầm lặng. Họ ngã xuống để người khác được sống. Họ là những tấm gương anh hùng như bao thế hệ tiền nhân quên mình vì giang sơn nước Việt.

Một đất nước hùng cường rất cần đội ngũ những doanh nghiệp, doanh nhân dân tộc hùng hậu. Và trong lịch sử hiện đại Việt Nam, bất cứ lúc nào Tổ quốc cần, họ đều xuất hiện đúng lúc. Những ngày tháng 9/2021, một thông tin gây quặn thắt trái tim hàng chục triệu người Việt Nam đó là đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 1.500 trẻ em ở TP. Hồ Chí Minh lâm vào cảnh mồ côi, nhiều em nhỏ mất cả cha lẫn mẹ. Hình ảnh cậu bé mười tuổi nhận bình tro cốt mẹ trong căn nhà chật chội, nghèo nàn khi tro cốt người cha vẫn đang gửi tạm đâu đó thực sự đã lấy nước mắt của hàng triệu người Việt. Nhiều người thầm hỏi, liệu có phép màu nào đến với bao cảnh đời phút chốc đối mặt với tận cùng đau thương và một tương lai bất định như thế.

Tính đến nay, chỉ hơn nửa năm sau khi Chính phủ quyết định thành lập Quỹ Vắc xin phòng COVID-19 giao cho Bộ Tài chính quản lý, danh sách các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp ủng hộ ngày càng dài. Trong con số 8.803 tỷ đồng tự nguyện ủng hộ quỹ (tính đến ngày 31/12/2021), không chỉ có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân ủng hộ số tiền lên tới cả trăm tỷ đồng mà còn có những cụ già, cháu bé tiết kiệm tiền ăn sáng, ủng hộ số tiền mười, hai mươi ngàn đồng. Với lòng yêu nước thương nòi đáng ngưỡng mộ, họ lặng thầm sẻ chia gánh nặng với Chính phủ, nhân dân, tiếp thêm niềm tin đất nước sẽ vững vàng bước qua thử thách.

Và lực đẩy từ những chính sách kinh tế - tài chính kịp thời

Vượt qua những khó khăn, thách thức, Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đưa đất nước trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định từ tháng 9/2021. Nếu như hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính áo đẫm mồ hôi đi kiểm tra công tác chống dịch chỉ là minh chứng nhỏ khẳng định sự sát sao, tận tụy của những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đồng bào, đồng chí thì các cuộc công du của người đứng đầu Chính phủ tới Pháp, Nhật Bản những ngày cuối năm mở thêm cơ hội hợp tác kinh tế toàn diện với các nước phát triển. Cỗ xe kinh tế Việt Nam nhất định không dừng lại. Môi trường đầu tư Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục được cải thiện, xứng đáng là “tổ đại bàng” mới ở châu Á như kỳ vọng của giới doanh nhân toàn cầu.

Với ngành Tài chính Việt Nam, có thể khẳng định năm 2021 toàn Ngành đã hoàn thành tốt “mục tiêu kép”, vừa đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước (NSNN), đáp ứng kịp thời nguồn chi cho chống dịch bệnh, vừa tạo động lực thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế. Bộ Tài chính đã kịp thời trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách, miễn giảm, gia hạn các khoản nộp NSNN của doanh nghiệp và người dân, số tiền khoảng 119,4 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, bằng các biện pháp khai thác nguồn thu hợp lý, đẩy mạnh thông quan hàng hóa, phục vụ xuất nhập khẩu, thu NSNN năm 2021 ước đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, bằng 116,4% (vượt 219,9 nghìn tỷ đồng) dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020.

Một điểm sáng quan trọng, đó là việc Bộ Tài chính tiếp tục được xếp hạng đứng đầu các bộ, ngành cả nước về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, người dân. Với trên 99% số doanh nghiệp nộp thuế, kê khai thuế, hải quan điện tử; 06 tỉnh, thành lớn chính thức triển khai hóa đơn điện tử là minh chứng rõ nét nhất cho thành công nói trên. Những cụm từ “thuế điện tử”, “hóa đơn điện tử”, “thông quan điện tử”, “kho bạc số” đã trở nên quen thuộc với toàn thể xã hội. Thành công của chuyển đổi số chính là dấu ấn quan trọng của ngành Tài chính góp phần đưa đất nước vào kỷ nguyên phồn thịnh, hùng cường.

Khép lại hành trình đầy thử thách của năm 2021, bước vào năm 2022, chúng ta thêm một lần xây chắc niềm tin vào khát vọng mạnh giàu của dân tộc, đất nước. Sự thành công tốt đẹp của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là động lực tiếp thêm sức mạnh cho tất cả các lĩnh vực then chốt của đất nước trong chặng đường mới, nhiều gian khó nhưng cũng lắm vinh quang.

Và nếu như phải lựa chọn những hình ảnh tiêu biểu của đất nước năm qua, đó chính là hình ảnh một Việt Nam đoàn kết, tương ái, tạo nên sức mạnh vô song trong hoạn nạn, khó khăn. Ở đó có người đứng đầu Chính phủ áo đẫm mồ hôi, lặn lội lo cho dân, cho nước. Ở đó có hàng ngàn y bác sỹ cứu chữa người bệnh tới kiệt sức trong tâm dịch. Ở đó có những hình ảnh các cán bộ, chiến sỹ tuyến đầu nén nỗi đau mất người thân, không rời vị trí công tác, hết lòng vì tính mạng và sức khỏe nhân dân. Ở đó có muôn người lao động bình thường nơi các xóm trọ nghèo, sẵn lòng chia nửa con cá, mớ rau, cùng dắt tay nhau bước qua gian khó.

Với một dân tộc hội đủ những giá trị vô giá, không có gì ngăn cản được khát vọng đưa Việt Nam vào kỷ nguyên thịnh vượng. Đó không chỉ là mong ước của vị Cha Già Dân tộc năm xưa mà còn là mệnh lệnh với mỗi người dân Việt Nam trên dải đất hình chữ S hôm nay. Xuân Nhâm Dần 2022 đã mở ra với muôn vàn cơ hội, xen lẫn những thách thức, song chúng ta vững tin rằng đất nước sẽ giành được nhiều thành tựu quan trọng hơn nữa trong mùa Xuân mới này.

(*) Hải Phan/Bài đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1+2 Tháng 1/2022