Khấu hao theo đường thẳng nhìn từ góc độ tài chính
Khấu hao theo phương pháp đường thẳng hiện nay được áp dụng phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên, cách tính của phương pháp này ở Việt Nam so với một số nước như Hoa Kỳ lại có sự khác nhau. Do đó, hoàn thiện phương pháp khấu hao theo đường thẳng, nhằm phản ánh đúng chi phí sản xuất kinh doanh, thu hồi đủ vốn đầu tư ban đầu, xác định đúng thuế thu nhập doanh nghiệp, phù hợp với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế là một yêu cầu bức thiết hiện nay.
Quy định về phương pháp khấu hao theo đường thẳng
Việc tính toán đúng phương pháp khấu hao nói chung, khấu hao theo đường thẳng nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng đối với doanh nghiệp để thu hồi vốn đầu tư ban đầu và xác định thuế thu nhập doanh nghiệp chính xác. Hiện nay có nhiều phương pháp tính khấu hao:
Phương pháp khấu hao theo đường thẳng, phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần, phương pháp khấu hao theo tổng số, phương pháp khấu hao theo sản lượng... Theo Thông tư 45/2013/TT–BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính quy định có ba phương pháp tính khấu hao: Khấu hao theo đường thẳng, khấu hao theo số dư giảm dần có điều chỉnh, khấu hao theo sản lượng. Trong đó, khấu hao theo đường thẳng là phương pháp đang được áp dụng phổ biến ở Việt Nam.
Cụ thể, Thông tư 45/2013/TT–BTC của Bộ Tài chính quy định phương pháp tính khấu hao theo đường thẳng như sau:
Mức trích khấu hao trung bình hàng năm của tài sản cố định = Nguyên giá của tài sản cố định/Thời gian trích khấu hao.(1.1)
Trong đó:
Nguyên giá tài sản cố định = Giá mua thực tế + Thuế nhập khẩu + Chi phí vận chuyển, lắp đặt, chạy thử.
Thời gian trích khấu hao: Thời gian sử dụng kinh tế của tài sản.
Theo quy định của các chuẩn mực báo cáo tài chính (IFRS) và GAAP (Các nguyên tắc kế toán tổng quát được chấp chấp nhận), phương pháp tính khấu hao theo đường thẳng cũng đang được áp dụng phổ biến ở các nước phát triển trên thế giới, nhất là ở Hoa Kỳ. Theo đó, số tiền khấu hao theo phuong pháp đường thẳng để thu hồi vốn đầu tư được tính toán như sau:
Mức trích khấu hao trung bình hàng năm của tài sản cố định = (Nguyên giá của tài sản cố định - phế liệu thu hồi)/Thời gian trích khấu hao(1.2)
Đối với phương pháp tính khấu hao theo quy định của Thông tư 45/2013/TT–BTC của Bộ Tài chính:
Để xem xét, đánh giá số tiền khấu hao khác nhau của 2 phương pháp tính khấu hao theo đường thẳng được quy định ở Thông tư 45/2013/TT–BTCcủa Bộ Tài chính và theo quy định của IFRS, GAAP, bài viết triển khai xem xét số tiền khấu hao thông qua ví dụ 1 sau:
Tại một doanh nghiệp X mua mới tài sản 100% với giá ghi trên hóa đơn chưa có thuế giá trị gia tăng là 100 triệu đồng, thuế nhập khẩu 5 triệu đồng, chi phí lắp đặt 8 triệu đồng, chi phí chạy thử 7 triệu đồng, thời gian sử dụng 10 năm, phế liệu thu hồi vào năm thứ 10 là 10 triệu đồng. Thuế thu nhập doanh nghiệp 20%.
Căn cứ vào công thức 1.1, số tiền khấu hao theo phương pháp đường thẳng được tính như sau: Mức trích khấu hao trung bình hàng năm của tài sản cố định = (100 + 5 + 8 + 7)/10.
Mức trích khấu hao trung bình hàng năm của tài sản cố định là 12 triệu đồng. Mức trích khấu hao trung bình hàng tháng của tài sản cố định là 12 triệu/12 = 1 triệu đồng. Số tiền khấu hao và thu hồi vốn đầu tư hàng năm được thể hiện ở bảng 2.
Như vậy, đến hết năm sử dụng của tài sản (năm thứ 10) tổng số tiền mà doanh nghiệp thu hồi vốn đầu tư là 128 triệu đồng, bao gồm số tiền khấu hao 120 triệu đồng (12*10) và số tiền thu hồi phế liệu sau thuế là 8 triệu đồng {10*(1-20%)}.
Do đó, doanh nghiệp đã thu hồi vốn đầu tư ban đầu thừa 8 triệu đồng. Vì hàng năm đã khấu hao tăng thêm 1 triệu đồng, làm cho việc xác định chi phí, giá thành và thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm thiếu chính xác.
Đối với phương pháp khấu hao theo quy định của IFRS và GAAP:
Số tiền khấu hao theo phương pháp đường thẳng được quy định của IFRS và GAAP ở công thức 1.2 để thu hồi vốn đầu tư ở ví dụ 1 được tính toán cụ thể ở Bảng 2.
Phương pháp khấu hao theo đường thẳng được quy định của IFRS và GAAP thì số tiền thu hồi vốn đầu tư vào năm kết thúc đời sống của tài sản (năm thứ 10) là 120 triệu đồng đúng như vốn đầu tư ban đầu mà doanh nghiệp đã chi ra. Kết quả cho thấy, việc xác định chi phí, giá thành và thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm là chính xác.
Một số đề xuất, kiến nghị
Qua 2 phương pháp tính khấu hao theo đường thẳng trên có thể thấy rằng, nếu áp dụng phương pháp khấu hao theo quy định của IFRS và GAAP thì doanh nghiệp thu hồi đủ vốn đầu tư ban đầu vào năm kết thúc đời sống của tài sản (năm thứ 10) là 120 triệu đồng.
Còn với phương pháp tính khấu hao theo đường thẳng được quy định của Thông tư 45/2013/TT–BTC thì số tiền khấu hao vào năm kết thúc đời sống của tài sản (năm thứ 10) là 128 triệu đồng, trong đó bao gồm số tiền khấu hao 120 triệu đồng (12*10) và số tiền thu hồi phế liệu sau thuế là 8 triệu đồng {10*(1-20%)}.
Điều này là chưa phù hợp với bản chất, mục đính của khấu hao tài sản theo quy định của IFRS và GAAP, đồng thời, khiến cho việc xác định chi phí, giá thành, thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm bị sai lệch.
Do đó, bài viết đề nghị cần xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 45/2013/TT–BTC sao cho phù hợp với chuẩn mực tài chính quốc tế, quy định của IFRS và GAAP, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu hồi đúng vốn đầu tư ban đầu và xác định chi phí, giá thành, thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm chính xác hơn, qua đó đưa nước ta hội nhập kinh tế quốc tế thành công.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Trung Trực, 2013, Giáo trình Tài chính doanh nghiệp 1, NXB kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
2. Thông tư số 45/2013/TT–BTC, ngày 25/4/2013;
3. Barry J. Epstein, EvaK. Jermakowicz, 2010, Interpretation and Application of International Financial Reporting Standards, Published by John Wiley & Sons, Inc., Hoboken, New Jersey.