Khi đồng euro “âm thầm” mạnh lên
Giới đầu tư tỏ ra quan ngại rằng Brexit, chỉ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), có thể tác động tiêu cực và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đồng euro hiện nay.
Tuy nhiên, đồng tiền chung châu Âu thời gian qua “âm thầm” mạnh lên.
Không chỉ thôi không “đứng bên lề” trên thị trường ngoại hối, mà đồng euro sẽ chứng tỏ triển vọng tăng giá tích cực trong thời gian tới.
Trong bối cảnh đồng bảng Anh rớt giá mạnh, đồng yen mạnh lên và đồng USD yếu đi từ đầu năm tới nay, đồng euro dường như không tạo được nhiều dấu ấn.
Tuy nhiên, các chuyên gia tiền tệ tại Vương quốc Anh cho rằng việc tạm thời đứng bên ngoài những biến động mạnh của thị trường hối đoái vào thời điểm này không phải là điều tiêu cực.
Trên thực tế, sự xuống giá mạnh của bảng Anh thể hiện sự nghi ngại và thiếu tin tưởng của giới đầu tư vào triển vọng kinh tế Anh hậu Brexit.
Đồng yen mạnh lên trong bối cảnh thị trường ngày càng tỏ ra nghi ngại vào chính sách lãi suất âm của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).
Nhật Bản vẫn theo dõi sát biến động của đồng yen, đồng thời tiếp tục gây sức ép phải hành động lên BoJ.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang trăn trở với câu hỏi rằng liệu quyết định tăng lãi suất có đẩy đồng USD tăng lên mức có thể tác động bất lợi tới tăng trưởng của kinh tế Mỹ hay không?
Trong khi đó, đồng euro âm thầm mạnh lên. Vào đầu năm nay, đồng euro được giao dịch ở mức khoảng 1,08 USD đổi một euro và đồng tiền chung hiện đứng quanh mức 1,13 USD mỗi euro.
Rõ ràng sự tăng giá của đồng euro thời gian qua không phải là quá mạnh, nếu so với sự lên giá mạnh của đồng yen với đồng USD thời gian qua.
Hơn nữa, đồng euro vẫn thấp hơn mức cao 1,16 USD mỗi euro hồi đầu năm.
Tuy nhiên, các nhà phân tích và đầu tư cho rằng đồng euro vẫn đang trên đà tăng giá ổn định.
Nhà chiến lược tỷ giá hối đoái Dominic Bunning thuộc ngân hàng HSBC cho rằng đồng euro có sự tăng giá mạnh đáng ngạc nhiên.
Trước đây, nhiều người cho rằng tỷ giá đồng euro sẽ ngang bằng với đồng USD, song giờ đây nhiều người tin rằng tỷ giá đồng tiền chung châu Âu trong dài hạn có thể sẽ ngang với đồng bảng Anh.
Những yếu tố hỗ trợ sự lên giá của đồng euro trước hết phải kể tới thặng dư tài khoản vãng lai của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), giống như Nhật Bản, khá lớn.
Dòng vốn lớn chảy vào khu vực tiếp tục giúp đẩy đồng nội tệ của cả Eurozone và Nhật Bản tăng lên.
Tiếp đến là rủi ro chính trị đang được kiểm soát. Brexit là một mối quan ngại chính trị và kinh tế không nhỏ đối với Eurozone, song việc Anh không phải là thành viên của khu vực này khiến cho mối quan ngại về tác động lây truyền phần nào tiêu tan.
Về kinh tế, các số liệu gần đây cho thấy kinh tế Eurozone đang trên đà tăng trưởng tích cực.
Ngân hàng JPMorgan mới đây dự báo Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ không tiếp tục hạ lãi suất trong năm nay, trong khi nhịp độ tăng trưởng của Eurozone được dự báo sẽ vượt mức tăng trưởng của kinh tế Mỹ lần đầu tiên trong 5 năm trở lại đây.
Giới chuyên gia lĩnh vực ngoại hối dự báo đồng euro có thể tiếp tục mạnh lên nếu các số liệu tăng trưởng kinh tế tiếp tục cải thiện.
Cho đến nay, những tác động liên quan quan đến Brexit khá hạn chế và triển vọng tăng trưởng của Eurozone diễn biến tích cực.
Ngoài ra, sự yếu kém của đồng USD có thể được coi là một nhân tố nữa đẩy đồng euro tăng lên.
Phát biểu của Chủ tịch Fed Janet Yellen tại hội nghị ở Jackson Hole cuối tuần qua cho thấy thể chế tài chính này sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng nhiều năm qua, một động thái sẽ khiến đồng USD đứng ở mức thấp và điều đó sẽ hỗ trợ đồng euro.
Chuyên gia Wilde Alan thuộc công ty quản lý tài sản Baring Asset Management cho rằng cả BoJ và ECB đều chưa muốn hành động tại cuộc họp chính sách tiền tệ tháng tới.
Sự lên giá tích cực của đồng euro hiện nay đủ để ECB bước đầu lạc quan rằng chính sách tiền tệ của ngân hàng đang phát huy hiệu quả.