Khi nào doanh nghiệp nên áp dụng Kaizen?

Tĩnh Đồng

Kaizen đặc biệt hữu ích sau khi doanh nghiệp có một đổi mới nào đó không thành công, lúc này cần thoát ra khỏi chế độ "thất bại", quay trở lại những điều cơ bản.

Việc áp dụng Kaizen vào doanh nghiệp mang lại cả lợi ích hữu hình và vô hình
Việc áp dụng Kaizen vào doanh nghiệp mang lại cả lợi ích hữu hình và vô hình

Kaizen được nhắc đến trong những thuật ngữ kinh tế của người Nhật Bản, chính là từ ghép nối của hai từ là “kai” - liên tục và “zen” - cải tiến, dịch sang thuật ngữ tiếng Anh là “ongoing improvement” nghĩa là sự cải tiến không ngừng nghỉ. Theo các chuyên gia, việc áp dụng Kaizen vào doanh nghiệp mang lại cả lợi ích hữu hình và vô hình. Cụ thể:

- Lợi ích hữu hình: Tích lũy từng cải tiến nhỏ trong thời gian dài để tạo nên những kết quả to lớn đáng kể; giảm sự lãng phí, gia tăng năng suất trong sản xuất và vận hành doanh nghiệp như giảm hàng tồn kho, hàng không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thời gian chờ đợi và vận hành, trau dồi kỹ năng nhân viên...

- Lợi ích vô hình: Tạo động lực để các cá nhân trong doanh nghiệp đưa ra ý tưởng cải tiến hiệu quả; thúc đẩy tinh thần làm việc tập thể, tăng tính gắn kết nội bộ; xây dựng nền văn hóa doanh nghiệp với thói quen tiết kiệm và hiệu quả trong từng chi tiết.

Toyota là một ví dụ điển hình về một doanh nghiệp rất thành công trong việc áp dụng Kaizen. Triết lý này được áp dụng nghiêm túc và triệt để tại bất cứ ngóc ngách nào trong các nhà máy sản xuất của Toyota (dù ở Nhật hay Mỹ).

Một sự cải tiến điển hình của Toyota là về xe chở hàng, đây là loại phương tiện chuyên chở trong nội bộ nhà máy. Trước khi áp dụng Kaizen, Toyota phải chi một khoản tiền không nhỏ để mua sắm chúng. Nhưng sau đó, người ta phát hiện ta cách tự chế tạo loại xe này bằng cách lắp thêm động cơ vào các bộ phận có sẵn trên dây chuyền sản xuất. Bằng cách đó, chi phí mua sắm xe chở hàng giảm hơn 1 nữa.

Vấn đề nhiều doanh nghiệp quan tâm là khi nào nên áp dụng Kaizen? Các chuyên gia năng suất, chất lượng chỉ ra rằng, doanh nghiệp có thể áp dụng Kaizen bất cứ khi nào, được thực hiện bởi mọi người, mọi nơi.

Tuy nhiên, Kaizen đặc biệt hữu ích sau khi doanh nghiệp có một đổi mới nào đó không thành công, lúc này cần thoát ra khỏi chế độ "thất bại", quay trở lại những điều cơ bản.

Kaizen cũng hữu ích cả sau khi một đổi mới hoặc chuyển đổi nào đó thành công; lúc này để duy trì động lực và cải tiến hơn nữa và ngăn chặn sự trì trệ hoặc tự thỏa mãn.

Nhìn chung, Kaizen mở ra sự giao tiếp và cho phép một doanh nghiệp trở nên linh hoạt hơn, thích nghi hơn với một thế giới đang thay đổi. Kaizen là một nền tảng cho sự thay đổi và cải tiến liên tục, thay đổi hướng tới một tương lai phát triển tốt đẹp hơn. Nó là một nền tảng để gắn kết, đưa doanh nghiệp vào tư thế phù hợp để "bơi" nhanh theo dòng thay đổi tự nhiên.