Tiêu điểm chứng khoán:
Khi nào khối ngoại ngừng bán ròng?
Theo chuyên gia, đà bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp diễn cho đến khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có động thái hạ lãi suất hoặc Ngân hàng nhà nước Việt Nam nâng lãi suất nhằm giảm áp lực tỷ giá.
Tuần qua, VN-Index đã đảo chiều tăng điểm. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư thận trọng, thanh khoản yếu khiến thị trường chưa bật tăng mạnh trở lại. Đà bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài được đánh giá là một trong những lực cản lớn với tâm lý thị trường lúc này. Vậy khi nào xu hướng bán ròng của khối ngoại sẽ được tiết chế? Tạp chí Tài chính ghi nhận ý kiến các chuyên gia dưới đây:
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân - Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam:
Hai điều kiện khiến khối ngoại mua ròng trở lại
Tôi cho rằng, thị trường tuần mới khả năng sẽ diễn biến không khác nhiều với tuần rồi, VN-Index đi ngang với thanh khoản ở mức thấp, có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Những phiên cuối tuần xu hướng sẽ rõ ràng hơn. Tôi vẫn nghiêng về kịch bản “sideway up” là xu hướng chủ đạo của thị trường.
Về thanh khoản, khi thị trường ở trạng thái “sideway up” thường mang đặc điểm chung thanh khoản thấp và dòng tiền phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu cho đến khi xu hướng rõ thì dòng tiền mới lan tỏa đều.
Về xu hướng rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài, điều này nằm trong dự báo, khi mà xu hướng tăng của tỷ giá vẫn diễn ra, áp lực rút ròng của khối ngoại vẫn có thể diễn ra trong thời gian tới. Điều này có thể ảnh hướng tới tâm lý của các nhà đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng mạnh bởi nhiều yếu tố. Lịch sử cho thấy, nếu họ bán ròng đến từ lý do áp lực tỷ giá thì không ảnh hưởng tới diễn biến thị trường. Điển hình giai đoạn 2020 - 2021, khối ngoại bán ròng kỷ lục hơn 85.000 tỷ đồng nhưng VN - Index lại tăng điểm mạnh ở giai đoạn này. Còn thời điểm 2022 khối ngoại mua ròng thì thị trường lại giảm. Năm 2023, họ rút ròng thì thị trường lại nhích tăng. Năm 2024 khối này tiếp tục bán ròng và thị trường vẫn xu hướng đi lên, đạt mức tăng xấp xỉ 12% từ đầu năm đến nay.
Về định lượng, khối ngoại hiện chỉ chiếm khoảng 9% trong tổng giá trị giao dịch, tỷ lệ sở hữu khối này trên thị trường giảm xuống dưới mức 18%. Như vậy, hoạt động bán ròng của khối ngoại chủ yếu gây tâm lý quan ngại cho các nhà đầu tư, không ảnh hưởng tới diễn biến thị trường.
Tôi cho rằng, xu hướng của khối ngoại sẽ đảo chiều mua ròng khi và chỉ khi xảy ra 2 yếu tố. Một là sẽ rơi vào khoảng thời điểm 6 tháng cuối năm khi Fed có động thái bắt đầu giảm lãi suất. Hoặc NHNN có động thái nâng lãi suất cơ bản, thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất VND và USD, hạ áp lực tỷ giá xuống.
Khi tỷ giá hạ nhiệt thì khả năng khối ngoại mới quay trở lại mua ròng. Sớm muộn gì Fed cũng sẽ hạ lãi suất, NHNN cũng có khả năng năng tăng lãi suất trở lại, và sớm muộn gì khối ngoại cũng quay trở lại mua ròng.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân Maybank Investment Bank:
Cường độ bán ròng của khối ngoại sẽ giảm
Thị trường tuần vừa rồi tăng điểm nhẹ, về kỹ thuật không mang nhiều ý nghĩa. Lý do tuần thanh khoản thấp, đều dưới ngưỡng trung bình 20 ngày, dòng tiền khá thận trọng. Thực tế, sau phiên giảm mạnh ngày 14/6, thị trường tuần rồi không hoảng loạn đã là điểm cộng, cho thấy thị trường phản ứng chừng mực. Tuần qua, nhà đầu tư thăm dò là chính.
Tuần mới, tôi cho rằng thị trường vẫn giữ trạng thái tương tự tuần qua. Ở kịch bản tốt, VN-Index giữ được vùng 1.280 điểm tới nửa cuối tuần khi sự thăm dò của nhà đầu tư diễn ra thêm. Nếu ổn, chúng ta mới có thể kỳ vọng thị trường có cú tăng và quay lại thử thách vùng 1.300 điểm.
Ở kịch bản kém hơn, nếu không trụ được trước 1.280 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo cho VN-Index là 1.250 điểm. Xác suất cho 2 kịch bản là 50-50. Có một vài điểm lo ngại nhất định cuối tuần rồi khi USD có phần nhích nhẹ, thị trường thế giới phản ứng chững. Dù không quá xấu nhưng thị trường ở trạng thái dè chừng thì dễ tạo tâm lý chốt lời, bán bớt cổ phiếu. Ngoài ra, áp lực bán của khối ngoại vẫn giữ cường độ cao.
Về câu chuyện bán ròng của khối ngoại, tôi cho rằng đây là mối quan tâm lớn nhất trên thị trường. Trong nửa đầu năm nay, thị trường Việt Nam nói riêng và nhóm mới nổi nói chung đều chịu áp lực bán ròng tương đối nhiều. Điều này đến từ yếu tố Fed vẫn giữ mặt bằng lãi suất cao vì quan ngại lạm phát, khối ngoại dịch chuyển vốn trên toàn cầu đi theo hướng giảm bớt tỷ trọng, tăng dự trữ tài sản neo theo lợi tức đồng USD.
6 tháng cuối năm, tôi kỳ vọng Fed sớm thực hiện cắt giảm lãi suất với 2 đợt, tháng 9 và tháng 11. Khi Fed hạ lãi suất sẽ tạo tín hiệu cho dòng tiền ngừng dịch chuyển dòng vốn nói trên. Đó là cơ sở nền quan trọng nhất để xu hướng bán ròng của khối ngoại đảo chiều.
Từ nay tới tháng 9, tôi vẫn nghiêng hướng bán ròng của khối ngoại vẫn còn còn. Nhưng khoảng một hai tuần tới, áp lực của nước ngoài khả năng sẽ ít hơn so với giai đoạn hiện tại, vẫn là bán ròng nhưng cường độ giảm đi.