Kho bạc Nhà nước: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ

Hồng Ánh

Để thực hiện mục tiêu trở thành kho bạc số vào năm 2030, Kho bạc Nhà nước đã ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, vào quản lý quỹ ngân sách nhà nước, quản lý ngân quỹ, đồng thời, luôn chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu các nghiệp vụ này.

Công nghệ thông tin giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý ngân quỹ nhà nước

Trong tiến trình chuyển đổi số, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đặt ra mục tiêu để trở thành kho bạc số vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu trên, KBNN đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ. Nhiều ứng dụng đã góp phần cải cách quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian xử lý công việc... Đặc biệt, công nghệ thông tin đã giúp KBNN nâng cao hiệu quả công tác quản lý ngân quỹ nhà nước trong thời gian qua.

Nếu như kho bạc điện tử với “3 không”: Không khách hàng giao dịch, không tiền mặt, không giấy tờ, thì tại kho bạc số, mọi tác nhân đều có thể tương tác trên nền tảng số, theo chính sách, quy trình nghiệp vụ và phương thức quản trị lấy người dùng trong và ngoài ngành làm trung tâm phục vụ; lấy việc khai thác và phân tích dữ liệu số là năng lực mới hỗ trợ cho điều hành và ra quyết định. Do đó, kho bạc số sẽ là “3 có”: Có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng và có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu.

Hướng tới mục tiêu trên, KBNN đã từng bước cải cách công tác quản lý ngân quỹ. Theo đó, trên cơ sở hình thành hệ thống tài khoản thanh toán tập trung, KBNN đã tập trung toàn bộ số dư ngân quỹ từ địa phương về trung ương và gửi tại Ngân hàng Nhà nước, vào cuối ngày làm việc. Cùng với đó, các công cụ dự báo luồng tiền, phương án điều hành ngân quỹ nhà nước (NQNN), các công cụ đầu tư, đi vay NQNN (tạm ứng ngân quỹ, tiền gửi có kỳ hạn, mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ) được KBNN triển khai và từng bước điện tử hóa thông qua triển khai hệ thống quản lý ngân quỹ trên nền tảng web.

Đặc biệt, từ đầu năm 2019, KBNN đã xây dựng hệ thống quản lý ngân quỹ với phân hệ đầu tiên là Dự báo luồng tiền trong toàn hệ thống KBNN. Phân hệ này đã điện tử hóa công tác dự báo luồng tiền từ khâu thu thập, xử lý dữ liệu và thực hiện dự báo, giúp cho công tác dự báo luồng tiền trong hệ thống KBNN được kịp thời, giảm thiểu rủi ro trong quá trình điều hành NQNN. Trên cơ sở kết quả dự báo luồng tiền, KBNN đã xây dựng và báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt phương án điều hành NQNN hàng quý, năm theo quy định, làm căn cứ cho việc triển khai các nghiệp vụ đầu tư, đi vay NQNN.

Từ tháng 12/2020, KBNN triển khai phân hệ gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại ngân hàng thương mại (NHTM) trên Hệ thống quản lý ngân quỹ. Với phân hệ này, KBNN đã chuyển từ thực hiện gửi tiền theo phương thức thủ công (giai đoạn đầu), bán điện tử (đầu năm 2020) sang phương thức điện tử, qua đó giúp cho các giao dịch gửi NQNN có kỳ hạn được thực hiện an toàn, bảo mật, minh bạch, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả NHTM và KBNN.

Toàn bộ quy trình giao dịch (từ khi KBNN gửi thông báo nhu cầu gửi tiền có kỳ hạn; NHTM gửi bản chào nhận tiền gửi; KBNN gửi thông báo kết quả lựa chọn NHTM để gửi tiền có kỳ hạn, đến bước ký kết phụ lục hợp đồng tiền gửi) được thực hiện trên hệ thống quản lý ngân quỹ. Tổng thời gian thực hiện 1 giao dịch gửi tiền trong 4 ngày làm việc, rút ngắn 2 ngày so với quy định hiện hành.

Việc triển khai thực hiện quy trình gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại NHTM qua hệ thống quản lý ngân quỹ cũng giúp KBNN quản lý NQNN an toàn, hiệu quả hơn, thông qua các chức năng hỗ trợ KBNN kiểm soát rủi ro. Cụ thể như: việc áp dụng nguyên tắc “nhiều tay, nhiều mắt” đối với tất cả các thao tác trên hệ thống (1 người nhập thông in, ít nhất 1 người kiểm soát hoặc phê duyệt thông tin); tách bạch giữa người thiết lập các hạn mức và người thực hiện giao dịch trên hệ thống để ngăn chặn, đảm bảo các giao dịch nằm trong hạn mức đã được phê duyệt; chức năng quản lý thanh toán, báo cáo nhằm theo dõi, quản lý nguồn tiền ra, vào từ hoạt động gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại NHTM.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Để đạt được mục tiêu kho bạc số vào năm 2030, nguồn nhân lực KBNN đóng vai trò quan trọng. Qua triển khai ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ, thành công lớn nhất của KBNN là có một đội ngũ cán bộ làm CNTT từ Trung ương đến địa phương. Việc triển khai và tiếp nhận vận hành, có lực lượng cán bộ vững chắc đó là tiền đề cho việc triển khai chiến lược KBNN đến năm 2030.

Để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ này, KBNN luôn chú trọng tới chương trình đào tạo. Theo đó, KBNN mở các lớp đào tạo cho cán bộ trẻ thành thạo trong triển khai hệ thống ứng dụng CNTT, đào tạo cho cán bộ chuyên sâu về CNTT, nghiệp vụ để nắm bắt am hiểu về hệ thống CNTT phù hợp với công nghệ hiện nay và độ mở của hoạt động KBNN. Tuy nhiên, KBNN xác định còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất vẫn là đội ngũ làm CNTT.

Theo lãnh đạo KBNN, hướng tới kho bạc số, tới đây, ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước, KBNN sẽ đặc biệt chú trọng vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực.

Việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế của KBNN được thực hiện đồng bộ với cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ và hiện đại hóa công nghệ quản lý. Các cải cách này đã thay đổi tư duy làm việc từ thủ công sang quản lý, xử lý công việc theo hướng chủ động, chuyên nghiệp thông qua các chương trình ứng dụng CNTT hiện đại, từ đó đã tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị dự toán và các chủ đầu tư có quan hệ giao dịch với KBNN; góp phần tiết kiệm thời gian, công sức chung cho toàn xã hội và giúp hệ thống KBNN tiết kiệm các khoản chi cho bộ máy và con người.

Theo đó, trong thời gian tới, KBNN tiếp tục tiến hành nghiên cứu về tổ chức bộ máy theo mô hình 2 cấp (tại trung ương là cấp xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức điều hành; tại các đơn vị kho bạc trực thuộc là cấp thực hiện) theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với lộ trình phù hợp, đảm bảo hoạt động của KBNN và việc giao dịch của các tổ chức, cá nhân với KBNN được thuận lợi.

Với đích đến mới là kho bạc số, KBNN xác định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có cơ cấu hợp lý nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị KBNN và cả hệ thống KBNN phù hợp với công cuộc cải cách hành chính nhà nước nói chung và của ngành Tài chính nói riêng.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2023