Kho bạc Nhà nước kiểm soát tốt các khoản chi ngân sách
Kho bạc Nhà nước (KBNN) tập trung nỗ lực thực hiện tốt công tác quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020. Trong đó, thực hiện nhiệm vụ thu NSNN và điều tiết cho các cấp ngân sách đảm bảo kịp thời, đúng quy định; kiểm soát, thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản chi NSNN, đặc biệt là các khoản chi phục vụ an sinh xã hội…
Từ chối thanh toán khoảng 6,2 tỷ đồng các khoản chi trong quý I/2020
Theo KBNN, tính đến ngày 15/3/2020, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát chi (KSC) ước đạt 186.757 tỷ đồng chi thường xuyên, bằng 16,7% dự toán (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).
Thông qua công tác KSC NSNN, các đơn vị KBNN đã phát hiện khoảng 1.015 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, qua đó đã từ chối thanh toán khoảng 1,5 tỷ đồng chi thường xuyên. Cùng với đó, hệ thống KBNN còn kiểm soát thanh toán vốn của các bộ, ngành, địa phương phân bổ ngoài kế hoạch Quốc hội, Chính phủ giao là 759,3 tỷ đồng, bằng 9,1% kế hoạch (kế hoạch bộ, ngành địa phương phân bổ là 8.306,8 tỷ đồng). Thông qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, hệ thống KBNN đã từ chối thanh toán khoảng 4,7 tỷ đồng. Như vậy, trong quý I/2020, qua công tác kiểm soát chi và kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, hệ thống KBNN đã từ chối thanh toán các khoản chi 6,2 tỷ đồng.
Trong năm 2020, KBNN tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý quỹ NSNN. Trong đó, thực hiện nhiệm vụ thu NSNN và điều tiết cho các cấp ngân sách đảm bảo kịp thời, đúng quy định.
Có được kết quả tích cực trên là nhờ KBNN đã xây dựng và triển khai quy trình kiểm soát cam kết chi qua KBNN, đảm bảo các khoản chi NSNN được thực hiện đúng thẩm quyền và trong phạm vi nguồn lực được phân bổ, góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính và ngăn chặn nợ đọng.
Cùng với đó, cơ chế, quy trình KSC NSNN được thực hiện theo phương thức hoàn thiện theo hướng ngày càng đơn giản, rõ ràng, minh bạch; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị; từng bước chuyển từ kiểm soát trước, thanh toán sau sang thanh toán trước, kiểm soát sau. Nhờ đó, đã rút ngắn thời gian KSC đầu tư từ 7 ngày xuống còn từ 1 - 3 ngày làm việc; bước đầu thực hiện KSC theo rủi ro căn cứ vào giá trị của khoản chi; KSC theo cơ chế khoán chi; thực hiện quy trình KSC một cửa...
Cùng với quy trình KSC được cải tiến, KBNN cũng đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN, góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính. Trong giai đoạn 2007 - 2019, KBNN đã phát hiện hàng chục nghìn khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định; số tiền KBNN từ chối thanh toán là trên 3.500 tỷ đồng, tương ứng với
gần 509.000 món. Riêng trong năm 2019, KBNN đã ban hành khoảng 24 văn bản hướng dẫn KBNN các tỉnh, thành phố về công tác KSC và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Tài chính.
Đối với các khoản chi thường xuyên NSNN, KBNN tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, nhất là các khoản chi như: Chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài, mua sắm trang thiết bị, xe ô tô..., đảm bảo tiết kiệm và theo đúng quy định của Chính phủ, của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. KBNN tỉnh thực hiện kiểm soát các khoản chi thường xuyên NSNN đảm bảo trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo đúng nội dung, đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật hiện hành...
Đối với chi đầu tư, thực hiện kiểm soát thanh toán vốn đầu tư qua KBNN được kịp thời, theo đúng quy định. Đối với các dự án hỗ trợ phát triển chính thức, chỉ thực hiện kiểm soát xác nhận thanh toán khi chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền giao dự toán vốn ngoài nước và được nhập trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc…
Kiểm soát tốt các khoản chi NSNN năm 2020
Bên cạnh kết quả đạt được trong quá trình triển khai KSC ngân sách, vẫn còn có một số vướng mắc về cơ chế chính sách. Đó là một số quy định chưa rõ ràng, còn chồng chéo, gây khó khăn trong thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư và KBNN các cấp trong quá trình kiểm soát thanh toán. Chẳng hạn như: Đối với công tác KSC lương, hiện cũng còn một số vướng mắc như mẫu bảng thanh toán cho người thụ hưởng chưa được quy định rõ hoặc phát sinh thêm công việc cho các KBNN địa phương... Việc ứng dụng công nghệ thông tin (qua dịch vụ công) trong việc gửi bảng thanh toán cho người thụ hưởng chưa được triển khai...
Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản, gặp vướng mắc trong KSC kế hoạch vốn đầu tư công cho dự án để hoàn trả vốn cho Quỹ Phát triển đất. Hiện nay, các KBNN gặp khó khăn trong việc KSC kế hoạch vốn đầu tư công cho dự án để hoàn trả vốn cho Quỹ Phát triển đất, trước đây đã ứng vốn cho Quỹ Bảo lãnh tín dụng tỉnh để thực hiện thi công xây dựng các công trình san tạo mặt bằng, tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất, số tiền sau bán đấu giá đã nộp hết vào ngân sách tỉnh...
Để thực hiện kiểm soát tốt thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2020, KBNN đề nghị kho bạc tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các phòng, bộ phận KSC tại các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện nghiêm các nội dung liên quan đến công tác KSC vốn đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, Luật NSNN, Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Việc kiểm soát thanh toán các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo theo đúng danh mục dự án và kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền giao hàng năm, phù hợp với kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn theo quy định tại Luật Đầu tư công.
Tóm lại, trong năm 2020, KBNN sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý quỹ NSNN. Trong đó, thực hiện nhiệm vụ thu NSNN và điều tiết cho các cấp ngân sách đảm bảo kịp thời, đúng quy định; kiểm soát, thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản chi NSNN, đặc biệt là các khoản chi phục vụ an sinh xã hội, ưu tiên giải ngân nhanh kịp thời kinh phí cho công tác phòng chống dịch Covid-19 theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và chính quyền địa phương.
Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 – Tháng 4/2020