Khoa học và công nghệ tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

HV.

Để ghi nhận vai trò, những đóng góp của khoa học và công nghệ nói chung, khoa học và công nghệ tài chính nói riêng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ngày 12/5/2017, tại TP. Ninh Bình, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi Hội thảo: “Khoa học và công nghệ tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.

Hội thảo: “Khoa học và công nghệ tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.
Hội thảo: “Khoa học và công nghệ tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.

Buổi Hội thảo thu hút sự quan tâm tham dự của hơn 160 đại biểu tham dự đến từ Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, các tổng cục, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các viện nghiên cứu, các trường đại học và đại diện lãnh đạo của 14 tỉnh, thành địa phương trên cả nước...

Hội thảo bên cạnh việc làm rõ vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN) nói chung, KH&CN tài chính nói riêng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng đã tập trung nhận diện những khó khăn, thách thức đặt ra đối với hoạt động này trong thời gian tới và đề xuất các định hướng, giải pháp phù hợp.

Chủ trì buổi hội thảo, TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), Phó Chủ tịch Hội đồng KH&CN ngành Tài chính nhận định, đối với ngành Tài chính, hoạt động KH&CN đã góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tài chính, qua đó đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

"Công tác nghiên cứu KH&CN ngành Tài chính đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn; phục vụ đánh giá, tổng kết các Đề án lớn của Đảng và Nhà nước, phục vụ xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Chiến lược tài chính 10 năm (giai đoạn 2001-2010; giai đoạn 2011-2020)", ông Nguyễn Viết Lợi cho hay.

Đánh giá một cách khách quan về hoạt động nghiên cứu khoa học ngành Tài chính, PGS., TS. Đặng Văn Thanh, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội cho biết: "Trải qua quá trình hơn 70 năm hình thành và phát triển, Tài chính Việt Nam đã có những thành công và đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong đó, các kết quả nghiên cứu khoa học tài chính đã tạo dựng khá đầy đủ, hình thành quan điểm và phương pháp quản trị tài chính nhà nước cho từng giai đoạn chuyển đổi của nền kinh tế".

Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Thanh, trước những thách thức của một giai đoạn phát triển mới, tài chính quốc gia Việt Nam cũng đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu mới, đòi hỏi hoạt động nghiên cứu khoa học ngành Tài chính cũng phải tiếp tục đổi mới cả nội dung, phương pháp để có những đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển của nền tài chính quốc gia.

Để triển khai chủ trương của Đảng và Chính phủ là tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chiến lược Tài chính đến năm 2020 của Bộ Tài chính đã tập trung, nghiên cứu triển khai nhiều ứng dụng CNTT nhằm hỗ trợ công tác quản lý tài chính, cải cách thủ tục hành chính trong ngành.

Theo Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính, việc xây dựng, triển khai thành công các hệ thống ứng dụng CNTT lớn như hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), hệ thống thông quan hàng hóa tự động/hệ thống quản lý hải quan thông minh (VNACCS/VCIS), hệ thống quản lý nợ và phân tích tài chính (DMFAS), hệ thống thuế tập trung (TMS).... đã góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức ngành Tài chính, tạo nền tảng tốt cho việc phát triển Chính phủ điện tử nói chung và Bộ Tài chính điện tử nói riêng.

Với những nỗ lực trên, Bộ Tài chính đã được đánh giá là Bộ đứng đầu trong 4 năm liên tiếp (2013-2016) về chỉ số ứng dựng CNTT (ICT index) trong khối các bộ, cơ quan ngành bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ hệ thống Kho bạc Nhà nước, TS. Nguyễn Hồng Hà, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước khẳng định, quá trình 27 năm hình thành và phát triển của hệ thống Kho bạc Nhà nước cho thấy, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ có ý nghĩa rất quan trọng, giúp hệ thống Kho bạc Nhà nước luôn hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Tập thể lãnh đạo Kho bạc Nhà nước luôn thống nhất quan điểm đẩy mạnh nghiên cứu KH&CN, toàn thể đội ngũ công chức Kho bạc Nhà nước đã tham gia tích cực và hiệu quả vào hoạt động nghiên cứu KH&CN của toàn hệ thống cũng như của Bộ Tài chính.

Tại Hội thảo, PGS.,TS. Phạm Văn Liên, Phó Giám đốc Học viện Tài chính nhận định, có thể thấy những đóng góp rất lớn của KH&CN tài chính qua các Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán, các vấn đề Quốc hội bàn thảo trong thời gian qua về chi tiêu ngân sách... những vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế nước ta. KH&CN tài chính đã đóng góp công lao rất lớn vào hoạt động kinh tế xã hội, từ vĩ mô đến vi mô.

"Vấn đề đặt ra trong thời gian tới là KH&CN tài chính cần phải huy hơn nữa các thành công đã đạt được, đóng góp nhiều hơn nữa để các quy định về mặt tài chính ngày càng có cơ sở khoa học, cơ sở lý luận và thực tiễn, góp phần đưa các chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước đi sâu vào thực tế cuộc sống", ông Phạm Văn Liên tổng kết Hội thảo.