Khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính được thực hiện như thế nào?
Bộ Tài chính trả lời ý kiến một số đơn vị hành chính nhà nước về nội dung khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính của cấp xã, phường, thị trấn.
Hỏi: Một số đơn vị hành chính có ý kiến: Cấp xã phường tại sao không được khoán biên chế và kinh phí hoạt động thường xuyên như cấp huyện - tỉnh để địa phương được chủ động và tiết kiệm để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức? Cùng là hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhưng tại sao cấp xã thu Lệ phí thì phải nộp vào ngân sách (có trích lại phần cho bộ phận trực tiếp thu theo luật) trong khi cấp huyện thì được để lại cho hoạt động cơ quan hoặc tăng thu nhập (ví dụ như Lệ phí quyết toán, lệ phí đăng kí kinh doanh,…)? Việc cấp xã thu Lệ phí (như lệ phí chứng thực, hộ tịch,…) phải đưa vào số thu cân đối (theo dự toán do cấp trên giao) là phù hợp với quy định không?
Về nội dung này, Bộ Tài chính có hướng dẫn như sau:
1. Việc thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính của cấp xã, phường thị trấn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và kinh phí quản lý hành chính, cụ thể:
- Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 117/2013/NĐ-CP quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước có tài khoản và con dấu riêng bao gồm Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn.
- Về xác định kinh phí giao để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cấp xã, phường, thị trấn: tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 117/2013/NĐ-CP quy định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW căn cứ cách thức xác định kinh phí giao để thực hiện chế độ tự chủ quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 1 Nghị định này và căn cứ Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể về phương thức xác định kinh phí giao để thực hiện chế độ tự chủ, tổng mức khoán quỹ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, thôn, tổ dân phố bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
2. Luật NSNN số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015 có hiệu lực vào ngày 01/01/2017 quy định toàn bộ các khoản lệ phí nộp NSNN. Như vậy, từ 01/01/2017, xã và các cơ quan quản lý nhà nước ở huyện, tỉnh có thu lệ phí thì phải nộp toàn bộ lệ phí vào NSNN; phần chi phí trang trải cho công tác thu lệ phí do NSNN đảm bảo.
3. Theo Luật NSNN số 83/2015/QH13, các khoản phí, lệ phí được tổng hợp đầy đủ vào thu cân đối ngân sách nhà nước; vì vậy, cơ quan tài chính cấp trên căn cứ vào tình hình thực hiện năm trước để tính toán giao dự toán thu phí, lệ phí cho ngân sách cấp dưới. Để đảm bảo việc tính toán, giao dự toán thu phí, lệ phí được hợp lý, xã cần xác định cụ thể tình hình thực hiện thu phí, lệ phí năm trước (chi tiết từng khoản thu) đã nộp ngân sách để có căn cứ khi lập dự toán ngân sách năm sau với cơ quan tài chính cấp trên.