Gỡ vướng cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập

PV.

Giải đáp thắc mắc của một số đơn vị sự nghiệp công lập về nội dung, có được chi và hạch toán các nội dung chi khen thưởng, phúc lợi trong kinh phí chi thường xuyên không? Bộ Tài chính đã có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hỏi: Đối với đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động và đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thực hiện theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ, có được chi và hạch toán các nội dung chi khen thưởng, phúc lợi (các khoản hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức dịp lễ tết,…) trong kinh phí chi thường xuyên không hay bắt buộc phải xác định kết quả hoạt động tài chính để trích quỹ khen thưởng, phúc lợi để chi các nội dung đó?

Đối với số chi từ tài khoản tiền gửi nguồn thu sự nghiệp (Thu học phí) khi kiểm soát chi qua Kho bạc, Bảng kê chứng từ thanh toán có phải ghi rõ mục chi không?

Trả lời: Theo quy định tại điểm 2.1 khoản 2 Mục VIII Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập không có nội dung chi khen thưởng, phúc lợi, chi hỗ trợ cán bộ dịp lễ, tết trong chi thường xuyên.

Các nội dung chi này được chi từ quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại khoản 4 Thông tư số 71/2006/TT-BTC quy định trường hợp chênh lệch thu lớn hơn chi bằng hoặc nhỏ hơn một lần quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ trong năm, đơn vị được quyết định sử dụng trả thu nhập tăng thêm cho người lao động; sau đó mới thực hiện trích nộp các quỹ: Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (không khống chế mức trích tối thiểu 25% chênh lệch thu lớn hơn chi), quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ dự phòng ổn định thu nhập.

Đối với quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi trích tối đa hai quỹ không quá 3 tháng tiền lương, tiền công và thu nhập tăng thêm bình quân trong năm để giải quyết đối với những đơn vị có điều kiện kinh phí chi hạn hẹp, có chênh lệch thu chi thấp.

Theo đó, đơn vị không chi và hạch toán các nội dung chi khen thưởng, phúc lợi, chi hỗ trợ cán bộ dịp nghỉ lễ, tết trong chi thường xuyên; thực hiện trích quỹ khen thưởng, phúc lợi để chi cho các nội dung này.

 Đối với chi từ tài khoản tiền gửi nguồn thu sự nghiệp (thu học phí) khi kiểm soát chi qua KBNN, trong bảng kê chứng từ tại phụ lục số 01 kèm theo Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01/3/2016 của Bộ Tài chính, thì đối với Cột 7 - Nội dung chi, phải ghi rõ nội dung của từng mục chi; tại Cột 6 - mã NDKT khi chi từ tài khoản tiền gửi không yêu cầu đơn vị ghi mã NDKT.