Khoảng 2 triệu tỷ đồng đang chảy vào bất động sản
Dòng tiền đang đổ vào bất động sản được đi qua rất nhiều kênh khác nhau, trong đó chủ yếu vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Đây cũng chính là lý do khiến một số ngân hàng thông báo “hãm phanh” tín dụng bất động sản.
Ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tín dụng vào bất động sản (BĐS) không có biến động nhiều kể từ đầu năm tới nay, chiếm gần 20% trong tổng dư nợ. Con số này không cao mà thấp hơn so với giai đoạn trước (tăng 28%).
Dòng chảy tín dụng vào BĐS vẫn tích cực
Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý I/2022 của các ngân hàng thương mại có thuyết minh về cho vay đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS, mặc dù tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực này trong tổng dư nợ đa số đều có xu hướng giảm nếu tính về giá trị tuyệt đối, nhưng xét về tổng dư nợ cho vay kinh doanh BĐS của các ngân hàng này vẫn tăng nhẹ 4% so với đầu năm.
Hiện nay, Techcombank dẫn đầu về dư nợ cho vay kinh doanh BĐS. Tính đến hết quý I/2022, con số này là 98.166 tỷ đồng, chiếm 26,84% về tỷ trọng trong tổng dư nợ.
Đứng thứ 2 là VPBank với tổng dư nợ là 42.484 tỷ đồng, chiếm 11,35% tổng dư nợ. Tiếp theo là SHB với 24.826 tỷ đồng cho vay bất động sản tính đến cuối quý I, chiếm 6,68% tổng dư nợ.
Tại MB, dư nợ tín dụng cho vay BĐS đạt 19.312 tỷ đồng, chiếm 4,65% tổng dư nợ; MSB là 11.162 tỷ đồng, chiếm 10,09% tổng dư nợ; còn TPBank đạt 9.464 tỷ đồng, chiếm 6,33%.
Trong Ấn phẩm đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2021 vừa phát hành, các chuyên gia tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đưa ra đánh giá, dư nợ tín dụng đổ vào BĐS chiếm khoảng 20,11% dư nợ toàn hệ thống (khoảng 2 triệu tỷ đồng). Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS lên tới 17,14%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân toàn hệ thống. Như vậy, BĐS là một trong những ngành có tỷ trọng lớn nhất của hệ thống. Các diễn biến này cho thấy thị trường BĐS vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Trả lời báo giới mới đây, ông Tú nói: "Thời gian qua, tín dụng vào BĐS đã được kiểm soát rất chặt chẽ, tới đây có thể sẽ kiểm soát chặt hơn nữa. Tuy nhiên, vốn vẫn ưu tiên phục vụ nhu cầu chính đáng cho người dân mua nhà, đất để ở thật; hạn chế đáp ứng cho mục đích đầu cơ".
Thực tế theo ghi nhận của VnBusiness, gần đây không chỉ có hai ngân hàng là Sacombank và Techcombank hạn chế tín dụng vào BĐS, mà nhiều nhà băng đã "phanh gấp" trong hơn một tháng qua.
Ngân hàng khẳng định an toàn
Tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, cổ đông của hầu hết các ngân hàng rất quan tâm đến tín dụng BĐS. Mặc dù vậy, lãnh đạo các nhà băng đều khẳng định, đến nay các khoản nắm giữ đều an toàn.
Là ngân hàng dẫn đầu về cho vay BĐS, nhưng gần đây, Techcombank “siết” cho vay lĩnh vực này. Trả lời băn khoăn của cổ đông: có phải xuất phát từ rủi ro trong cho vay BĐS thời gian qua hay không? Chủ tịch Hồ Hùng Anh khẳng định: “Tôi không nghĩ Techcombank sẽ thay đổi chiến lược dài hạn về lĩnh vực BĐS”.
Về rủi ro trong cho vay BĐS, ông Hồ Hùng Anh nhấn mạnh, trong những năm vừa qua, Techcombank đang làm rất tốt, các dự án mà Techcombank đầu tư đều có các chủ đầu tư, lãnh đạo uy tín. Cho vay BĐS tập trung nhiều vào nhóm cho vay người mua nhà, hạn chế tối đa việc cho vay khu đất, hoặc dạng có khả năng đầu cơ, không mang lại giá trị thặng dư.
Thêm vào đó, NHNN quản lý việc cho vay BĐS rất chặt chẽ khi tính tỷ lệ an toàn vốn đối với lĩnh vực này lên tới 250%, tức là hạn chế mức độ rủi ro cho ngân hàng rất cao.
"Còn vừa rồi có thông tin Techcombank hạn chế cho vay BĐS là nằm trong quy định chung. Với khách hàng tốt, dự án tốt ngân hàng vẫn tài trợ", ông Hùng Anh nói.
Chia sẻ thêm, Tổng giám đốc Techcombank Jens Lottner cho biết: "5 năm qua, ngân hàng không có một vấn đề nào với các khoản vay BĐS. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) gần như bằng 0 đối với cho vay BĐS. Do đó, những định hướng của ngân hàng vẫn được duy trì”.
Tại Sacombank, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, tỷ lệ cho, vay BĐS trên tổng dư nợ hiện nay tại ngân hàng chiếm 22% tổng dư nợ. Trong số đó, tỷ lệ cho vay BĐS trong dân mua nhà, cho vay tiêu dùng chiếm 60%, cho vay doanh nghiệp chiếm 20%. Còn dư nợ cho vay BĐS doanh nghiệp khoảng 30.000 tỷ đồng trên tổng dư nợ gần 400.000 tỷ đồng. Bà Diễm tự tin Sacombank là ngân hàng kiểm soát cho vay BĐS tốt.
Trong khi đó, lãnh đạo VPBank cũng khẳng định, cho vay mua BĐS tiếp tục là một mảng quan trọng của ngân hàng. Việc cho vay mua nhà là cần thiết, tuy nhiên, đối với các khoản vay mua BĐS nghỉ dưỡng, các khoản vay mang yếu tố đầu cơ thì Ban lãnh đạo sẽ có các biện pháp kiểm soát.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, hiện dư nợ tín dụng BĐS tại BIDV khoảng 31.000 tỷ đồng, chiếm khoảng hơn 2% tổng dư nợ. Với cách kiểm soát danh mục tín dụng BĐS tại BIDV, nợ xấu BĐS không đáng kể.
Thậm chí, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, lãnh đạo ABBank cho biết: ABBank là một trong những ngân hàng được NHNN đánh giá tốt việc kiểm soát cho vay BĐS, không nằm trong nhóm bị cảnh báo hay hạn chế. Do đó, ngân hàng này sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay BĐS thời gian tới.
Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường BĐS quý I/2022, trong đó đề cập đến tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS. Cụ thể, tính đến 31/3/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 783.942 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 188.105 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 24% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS. Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng cho thuê đạt 45.532 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,8%. Còn với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, dư nợ cho vay đạt 33.335 tỷ đồng, chiếm 4,3%. Riêng các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng, dư nợ cho vay đạt 33.509 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,3%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57.898 tỷ đồng, chiếm 7,4%. Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 121.153 tỷ đồng, chiếm 15,4%. Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 101.071 tỷ đồng, chiếm 12,9% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS. Đối với dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh BĐS khác đạt 203.339 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 25,9%. Với tín dụng đổ vào lĩnh vực BĐS, Bộ Xây dựng đề nghị theo dõi, kiểm soát chặt chẽ để tránh rủi ro kép; ngăn chặn việc sử dụng nguồn vốn cho vay sản xuất, tiêu dùng vào đầu tư, kinh doanh BĐS theo dạng đầu cơ. |