Khối BRICS: Mở rộng để tạo sức mạnh

Theo daibieunhandan.vn

Với chủ đề “làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác BRICS, mở ra tương lai tươi sáng hơn”, Hội nghị Thượng đỉnh của khối lần này vạch ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới, trong đó, mô hình “BRICS+” do Trung Quốc đề xuất đi từ khái niệm sang thực tế để tạo nền tảng mới cho hợp tác Nam - Nam năng động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đòi hỏi khách quan

Khi BRICS ra đời năm 2001, các nhà phân tích của Goldman Sachs từng dự đoán, nhóm này sẽ trở thành một tổ chức có thế lực. Trong nhiều năm, các quốc gia thành viên BRICS cho rằng cách tốt nhất để có thể tham gia tiến trình quản trị thế giới là thể hiện một mặt trận thống nhất.

Cơ chế hợp tác nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã thành lập được 10 năm, với các thống kê cho thấy tỷ trọng kinh tế của 5 nước nhóm BRICS trong kinh tế toàn cầu đã tăng từ 12% của 10 năm trước lên 23%. Trong khi đó, tỷ trọng thương mại quốc tế của nhóm BRICS trong tổng thương mại thế giới cũng tăng từ 11% lên 16% và tỷ trọng đầu tư ra nước ngoài từ 7% tăng đến 12%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay, BRICS không thể bó buộc trong khuôn khổ của mình mà phải mở rộng đối tác để phù hợp với tình hình thực tế.

Đây là lý do ra đời mô hình “Nhóm BRICS+”, tức 5 nước nhóm BRICS làm thế nào có thể hình thành “vòng tròn bạn bè” ngày càng rộng lớn hơn trên toàn cầu, khuyến khích các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển khác cùng tham gia vào cơ chế hợp tác nhóm BRICS.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm nay, mô hình “BRICS+” đã trở thành một trong những thuật ngữ then chốt. Ngoài các cuộc họp chính thức, nước chủ nhà Trung Quốc đã tổ chức cuộc đối thoại giữa lãnh đạo 5 nước với các nước khách mời gồm Ai Cập, Guinea, Mexico, Tadjikistan, Thái Lan thảo luận về các vấn đề “thực hiện chương trình phát triển bền vững” và “xây dựng quan hệ đối tác phát triển rộng mở”.

Mô hình “BRICS +” là sự đổi mới quan trọng của Trung Quốc đối với cơ chế hợp tác BRICS. Theo Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, mô hình này có nghĩa là thông qua đối thoại giữa các nước BRICS với các nước đang phát triển, thiết lập một quan hệ đối tác rộng mở, đưa hợp tác BRICS trở thành nền tảng hợp tác Nam - Nam có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

“Ý đồ” của nước chủ nhà

Là một trong những thành viên sáng lập của BRICS, Trung Quốc luôn chứng tỏ vai trò dẫn dắt trong hợp tác BRICS. Năm 2013, tại Durban, Nam Phi, ông Tập Cận Bình đã đề xuất các nước BRICS nên tiến tới mục tiêu “đại thị trường hội nhập, đại lưu thông đa cấp độ, đại liên thông trên bộ - trên biển - trên không, đại giao lưu văn hóa”.

Năm 2014, tại Fortaleza, Brazil, Chủ tịch Trung Quốc chỉ rõ, cần nêu cao tinh thần đối tác hợp tác độc đáo của BRICS, đó là cởi mở, bao dung, hợp tác và cùng có lợi. Năm 2015, tại Ufa, Nga, Chủ tịch Trung Quốc đã nêu các vấn đề: BRICS xây dựng quan hệ đối tác để duy trì hòa bình thế giới; thúc đẩy quan hệ đối tác cùng phát triển; thúc đẩy quan hệ đối tác đa văn hóa; tăng cường quan hệ đối tác để quản lý kinh tế toàn cầu.

Năm 2016, tại Goa, Ấn Độ, ông Tập Cận Bình đã chỉ ra rằng các nước BRICS nên cùng nhau xây dựng một thế giới cởi mở, cùng vạch ra tầm nhìn phát triển, cùng đối phó với những thách thức toàn cầu, cùng duy trì công bằng và chính nghĩa, cùng làm sâu sắc quan hệ đối tác. Năm nay là năm khởi đầu thập kỷ thứ hai của hợp tác BRICS, cũng là “năm Trung Quốc” của BRICS, dấu ấn của nước chủ nhà cũng vì thế mà thêm nổi bật, đặc biệt là ý tưởng BRICS+.

Đánh giá về ý tưởng này của Trung Quốc, nhà phân tích quốc tế Adrián Zelaia, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn Ekai Center cho rằng, việc mở rộng nhóm BRICS bằng cách kết nạp những nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh có thể giúp “lấp đầy” khoảng trống do chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ để lại. Theo chuyên gia Zelaia, điều “rất logic” là cơ hội mở rộng BRICS đã xuất hiện trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, và điều đó có thể được xem như phản ứng về việc Mỹ từ bỏ vai trò của họ ở khu vực.

“Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có nhiệm vụ duy trì vai trò của Mỹ ở châu Á. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP đã xuất hiện khoảng trống. Và BRICS có thể đảm nhận vai trò quan trọng hơn trong thế giới đang phát triển” - ông Zelaia cho biết.

Thời điểm hiện nay là hết sức quan trọng bởi vì đến nay BRICS chỉ là “một biểu tượng của lực đối trọng phương Tây. Nhưng tình hình có thể thay đổi và nhóm BRICS có thể dẫn đầu trật tự kinh tế thế giới, thay vì chỉ làm lực đối trọng” - nhà phân tích tình hình địa chính trị cho biết.

Tuy nhiên, danh sách các ứng viên có thể dẫn đến căng thẳng giữa 5 nước thành viên, vì thế BRICS phải rất cẩn thận khi xem xét vấn đề mở rộng để không phá vỡ sự cân bằng.

New Delhi đã bày tỏ nghi ngờ với đề xuất của Trung Quốc, bởi vì trong danh sách này có nhiều quốc gia giáp giới với Ấn Độ, và nhiều ứng viên có “mối quan hệ phức tạp” với New Delhi trong khi lại đều nằm trên “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc.