Khối nhân thọ: Doanh thu từ kênh đại lý bắt đầu sụt giảm
5 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu khai thác mới của khối bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ 2018, nhưng kênh chủ lực là đại lý đã giảm từ 7-20%.
Theo số liệu thống kê tổng hợp sơ bộ từ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, trong 5 tháng qua, một số doanh nghiệp ghi nhận sự sụt giảm tạm thời về doanh thu phí mới từ kênh đại lý như Bảo Việt (doanh thu phí mới 4 tháng đầu năm 2019), Dai-ichi Life Việt Nam, Prudential, Generali…
Đơn cử, tăng trưởng doanh thu phí mới đến từ kênh đại lý của Dai-ichi Life Việt Nam giảm hơn 20% so với cùng kỳ 2018. Việc giảm tốc tăng trưởng của Dai-ichi Life Việt Nam đã được dự báo trước, bởi từ thời điểm cuối năm 2018, hãng bảo hiểm này bắt đầu điều chỉnh tốc độ tăng trưởng theo chiều hướng bớt “nóng” hơn từ mức tăng trưởng cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn thị trường thời điểm đó.
“Doanh thu khai thác phí mới đến từ kênh đại lý của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang giảm so với cùng kỳ năm 2018 là điều đã được dự đoán trước. Các công ty bảo hiểm khi qua giai đoạn tăng trưởng cao sẽ bước sang giai đoạn điều chỉnh, bởi những sai sót sẽ dễ dàng bỏ qua khi doanh nghiệp đang tăng trưởng 'nóng'. Những sai sót sẽ dồn lại đến khi đủ lớn sẽ bùng phát và làm suy giảm mức tăng trưởng”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận.
Cùng với việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng và chấn chỉnh việc khai thác của kênh đại lý, tốc độ mở văn phòng mới của các công ty bảo hiểm cũng không còn cao như năm trước. Việc giảm tốc là để nhìn lại và điều chỉnh chính sách theo hướng phát triển bền vững hơn.
“Doanh nghiệp nào cũng muốn tăng trưởng doanh thu khai thác mới, nhưng cái giá phải trả cho tăng trưởng ở đâu mới là vấn đề”, lãnh đạo cấp cao một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nói.
Theo vị này, nếu doanh thu phí mới tăng trưởng 30% mà chi phí bỏ ra khoảng 30% là có thể chấp nhận được, nhưng nếu trên 30% thì phải xem xét, tìm hiểu nguyên nhân. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng khai thác mới tăng mạnh chủ yếu đến từ hệ thống văn phòng tổng đại lý, điều này là bình thường khi hệ thống này được đầu tư xứng đáng. Tuy nhiên, nếu chỉ một văn phòng tổng đại lý mới thành lập mà có tốc độ tăng trưởng khai thác mới lớn hơn doanh thu phí của cả một công ty bảo hiểm tầm trung trên trên thị trường thì “chắn chắn sự tăng trưởng này có vấn đề”.
Trái ngược với sự giảm tốc doanh thu phí mới từ kênh đại lý, doanh thu phí mới đến từ kênh bancassurance trong 5 tháng đầu năm tăng trưởng hơn 70% so với cùng kỳ năm trước, thậm chí một số doanh nghiệp đạt mức độ tăng trưởng trên 200% nhờ tập trung đẩy mạnh kênh này. Có thể kể ra một số tên tuổi có doanh thu phí mới tăng trưởng cao nhờ kênh bancassurance như Manulife, Dai-ichi Life Việt Nam, AIA, MB Ageas, Prudential…
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, kênh bancassurance đang bước vào giai đoạn “huy hoàng” vì đây là thời điểm các thương vụ lớn đã ký kết từ năm trước bắt đầu được đẩy mạnh khai thác. Doanh thu phí mới đến từ bancassurance và các kênh khác sẽ còn tăng trong thời gian tới khi kênh đại lý bắt đầu vào giai đoạn tái cấu trúc, điều chỉnh tốc độ tăng trưởng.
“Kênh bancassurance thời kỳ đầu đều dễ khai thác, nên doanh nghiệp sẽ dễ chạy theo con số, mà không chú trọng đến chiều sâu chất lượng. Bởi vậy, nếu không chú trọng đến chất lượng hợp đồng ngay từ đầu thì kênh bancassurance cũng tương tự như kênh đại lý sẽ nhanh chóng cạn dư địa thuận lợi, mà chỉ còn lượng khách khó khai thác. Và khi đó, nếu chất lượng đội ngũ bán hàng không đủ tốt để khai thác sâu, thì doanh thu khai thác mới đến từ kênh này cũng sẽ sụt giảm “, vị đại diện trên nhìn nhận.