Khơi thông các điểm nghẽn, tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi nhanh và phát triển
Sáng ngày 11/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững". Cùng dự và điều hành Hội nghị có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương cùng nhiều doanh nghiệp trên cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực chất, khách quan các tác động của tình hình kinh tế thế giới đến Việt Nam, thực trạng, khó khăn, thách thức cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt, kết quả đạt được và chưa đạt được trong triển khai chính sách, giải pháp của Chính phủ thời gian qua.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn lắng nghe các chia sẻ, đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai chính sách; đồng thời, hiến kế bổ sung các giải pháp trên tinh thần "lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ"; góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững.
Phân tích về tình hình thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong thời gian tới, vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, xung đột Nga - Ukraine kéo dài, khó đoán định. Chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất tiếp tục đứt gãy cục bộ; giá cả nguyên vật liệu, đầu vào và giá nông sản quan trọng có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, tiềm ẩn biến động, lạm phát ở nhiều nước tăng cao kỷ lục kể từ 3-4 thập kỷ gần đây.
Nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác lớn của nước ta thay đổi chính sách theo hướng tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, tài khóa. Rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công và nguy cơ suy thoái kinh tế tiếp tục xu hướng gia tăng. Các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022...
Các yếu tố bất lợi trên đã có ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu cũng như từng quốc gia. Với Việt Nam, nền kinh tế có độ mở lớn, quy mô còn hạn chế, sức chống chịu có hạn; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Mặc dù có những thuận lợi, kế thừa thành quả của những nhiệm kỳ trước, song vẫn có những khó khăn nội tại, những vấn đề tồn đọng nhiều năm phải xử lý.
Trong bối cảnh đó, chúng ta vừa phải triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, vừa giải quyết các vấn đề tồn đọng, kéo dài, vừa đối phó, thích ứng với các diễn biến mới. Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu ưu tiên hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, tập trung, bảo đảm hiệu quả. Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, trong đó, có yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh.
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực chất, khách quan các tác động của tình hình kinh tế thế giới đến Việt Nam, thực trạng, khó khăn, thách thức cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt, kết quả đạt được và chưa đạt được trong triển khai chính sách, giải pháp của Chính phủ thời gian qua.
Trên cơ sở nhận diện thời cơ, thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn lắng nghe các chia sẻ, đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai chính sách; đồng thời, hiến kế bổ sung các giải pháp trên tinh thần "lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ"; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững.
Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi và xử lý các ý kiến, kiến nghị xác đáng tại diễn đàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật, hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển và phục hồi chuỗi sản xuất.
Tại Hội nghị, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, trong bối cảnh thách thức và cơ hội đan xen hiện nay, để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, Chính phủ cần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Nêu cao tinh thần đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp. Tập trung triển khai ngay các giải pháp nhằm tháo gỡ những vấn đề cấp bách của doanh nghiệp để khơi thông các điểm nghẽn, tạo đà phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Đồng thời, cần bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, quyết liệt, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất toàn diện các chính sách, giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, đồng thời chống suy giảm đà phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết triển khai các giải pháp dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới để có thể vươn lên, bắt kịp và tiến cùng với thế giới.
Trước mắt, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để; tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục đứt gẫy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đặc biệt tiến độ thẩm tra, giải ngân gói hỗ trợ nhà trọ cho người lao động; hướng dẫn cụ thể tạo thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp thụ hưởng chính sách...