Khơi thông những “điểm nghẽn” trong phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp
Nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp là trọng điểm về sản xuất nông nghiệp với nhiều địa điểm du lịch, không gian văn hoá… Không chỉ phát huy tốt lợi thế, thời gian qua, Đồng Tháp đã xây dựng nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, trong đó chú trọng đầu tư vào công nghệ. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn tồn tại nhiều “điểm nghẽn” trong cơ chế, chính sách cũng như liên kết vùng, làm cho việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Bài viết này phân tích những “điểm nghẽn” trong phát triển khu kinh tế cửa khẩu và kiến nghị giải pháp khơi thông những “điểm nghẽn” này.

Thực trạng phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp
Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) tỉnh Đồng Tháp được thành lập năm 2001 và được điều chỉnh địa giới hành chính năm 2008, có diện tích là 31.936 ha, gồm 02 cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, Thường Phước và 05 cửa khẩu phụ là Bình Phú, Thông Bình, Mộc Rá, Á Đôn, Sở Thượng.
Mục tiêu đặt ra đối với Khu KTCK Đồng Tháp là trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp – thương mại – dịch vụ - du lịch – đô thị và nông lâm ngư nghiệp gắn với các cửa khẩu quốc tế; là trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mêkông, trước hết là quan hệ với Campuchia, là khu vực đô thị biên giới có ảnh hưởng và lan tỏa thúc đẩy sự phát triển vùng phía Bắc tỉnh Đồng Tháp; có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng.
Kết quả đạt được
Để phát triển khu KTCK, Đồng Tháp đã triển khai các chính sách của Trung ương và của Tỉnh trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế biên giới như: thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), tiền thuê đất, thuê mặt nước, chính sách khuyến khích xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp.
Cụ thể: Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị quyết số 296/2019/NQ-HDND ngày 7/12/2019 của HĐND tỉnh Đồng Tháp về quy định chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp…
Qua gần 10 năm triển khai thực hiện quy hoạch chung Khu KTCK, Đồng Tháp đã tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước (NSNN) để đầu tư hạ tầng trong Khu KTCK, đã góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật trong các phân khu chức năng Khu KTCK; Tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư khoảng 42,58 ha; hình thành cơ bản các công trình kiểm soát cửa khẩu; các công trình hạ tầng dân cư cũng được quan tâm đầu tư để ổn định chỗ ở cho khoảng 1.200 hộ dân.
Đặc biệt, công tác an ninh quốc phòng luôn được giữ vững, đã hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp giáp với tỉnh Prâyveng, đầu tư hoàn chỉnh đường tuần tra biên giới hơn 50km góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng khu vực biên giới.
Đầu tư hạ tầng trong Khu KTCK đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực biên giới có bước phát triển rõ rệt, góp phần xây dựng, ổn định chỗ ở, đời sống vật chất, tinh thần người dân tại khu vực biên giới dần được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực biên giới đến năm 2022 tăng gấp 3,9 lần so với năm 2010; số lao động có việc làm ngày càng tăng, công tác chăm sóc y tế, giáo dục, đời sống văn hóa ngày càng nâng cao về chất lượng, tỷ lệ hộ nghèo khu vực biên giới đến cuối năm 2022 còn 3,25%, giảm 7,27% so với năm 2013.
Công tác đối ngoại giữa hai nước Việt Nam - Campuchia ngày càng phát triển, nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng... được ký kết tạo động lực thúc đẩy hoạt động giao thương hàng hoá, thương mại, dịch vụ, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 02 nước Việt Nam - Campuchia.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa biên mậu giai đoạn 2014 - 2022 đạt 1.279 triệu USD, trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 786 triệu USD với các mặt hàng xuất khẩu qua biên giới chủ yếu: cá sống, dầu thực vật, thức ăn chăn nuôi các loại, phân bón các loại.
Tổng số vốn đã thực hiện đầu tư hạ tầng tại Khu KTCK Đồng Tháp giai đoạn 2013-2022 là 220 tỷ đồng. Khu KTCK được hình thành bước đầu đã thúc đẩy phát triển kinh tế biên giới; các trục giao thông từ nội địa gắn kết ra biên giới, cửa khẩu đã thay đổi rất nhiều bộ mặt nông thôn so với thời gian trước, dần hình thành các đô thị loại V ở các cửa khẩu quốc tế; việc trao đổi mua bán của cư dân biên giới phát triển.
Nghị định thư về Hiệp định vận tải liên vận đường bộ của cặp cửa khẩu quốc tế Dinh Bà - Bon-tia-chac-ray đã được ký kết cũng đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 02 nước Việt Nam - Campuchia, hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, thương mại biên giới phát triển.
Những “điểm nghẽn”, khó khăn, hạn chế
Quy hoạch
"Điểm nghẽn" trong quy hoạch và thực hiện đầu tư chưa đồng bộ các cặp cửa khẩu quốc tế giữa Việt Nam và Campuchia. Trong khi các cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, Thường Phước phía tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư hạ tầng cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển thì các cửa khẩu đối diện của tỉnh Prayveng là cửa khẩu Bon- tia- chăc- rây và Cô-rô-ca thì chưa được quy hoạch và đầu tư xây dựng. Đây là yếu tố hạn chế rất lớn việc phát huy được hiệu quả giao thương trao đổi hàng hóa, phát triển thương mại dịch vụ tại chỗ giữa cư dân 2 quốc gia.
Nguồn lực đầu tư, kết nối hạ tầng
- Khu KTCK của tỉnh Đồng Tháp thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Tuy được Trung ương hỗ trợ vốn và địa ph quan tâm đầu tư, nhưng nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, chỉ đáp ứng một phần so với quy mô, nhu cầu đầu tư của Khu KTCK; dẫn đến khi xem xét đầu tư các hạng mục phải sắp xếp thứ tự ưu tiên, không tập trung mà phải dàn trải ở các cửa khẩu để dần hình thành các hạ tầng thiết yếu cơ bản cho các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu phụ.
- Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư công; luôn xảy ra tình trạng mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng của vốn đầu tư công. Thời gian qua, chính sách ưu đãi vẫn chưa thu hút nhiều nhà đầu tư nên việc huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng bằng hình thức xã hội hóa chưa đạt hiệu quả.
- Một số trục giao thông chính kết nối các cửa khẩu với các đô thị trong tỉnh Đồng Tháp với Campuchia và khu vực bị xuống cấp, quy mô đường nhỏ không đủ năng lực đáp ứng cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa (QL30, ĐT841, đường 312 kết nối đường Xuyên Á - Campuchia…). Yếu tố này gây ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút đầu tư, kết nối giao thương hàng hóa, chưa tạo được mạng lưới kết nối các đô thị vệ tinh trong Khu KTCK (TP. Hồng Ngự, Thị trấn Sa Rài, Thị trấn Thường Thời Tiền...) với các cửa khẩu và kết nối với các trung tâm kinh tế phía Campuchia, làm cho các cửa khẩu chưa thể phát huy được hiệu quả đầu tư từ nguốn vốn ngân sách.
- Quỹ đất ở để xây dựng các cụm tuyến dân cư và bố trí các hộ dân vào ở hạn hẹp, chưa đủ đáp ứng với nhu cầu thực tế của các địa phương.
Cơ chế chính sách, thu hút đầu tư
- Khu KTCK là địa bàn kinh tế xã - hội đặc biệt khó khăn nhưng không có cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù riêng cho Khu KTCK; việc áp dụng các cơ chế chính sách như hiện nay đối với Khu KTCK tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư vẫn chưa thật sự hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư.
- Khu KTCK còn hạn chế về vị trí địa lý (cách xa cảng vận chuyển, trung tâm thành phố) dân cư khu vực còn thưa thớt, đời sống kinh tế người dân rất khó khăn; kinh tế biên giới chưa kích thích phát triển, hàng hóa nước ngoài không lưu thông ở cửa khẩu nên thương mại chưa phát triển.
- Do vị trí Khu KTCK là khu vực tiếp giáp giữa biên giới Việt Nam – Campuchia nên các nhà đầu tư ở xa khi tìm hiểu đầu tư thì vẫn còn tâm lý đắn đo, e ngại. Hiện nay, 05 dự án đầu tư đã thực hiện tại các cửa khẩu chủ yếu là dự án nhỏ do các doanh nghiệp địa phương đăng ký đầu tư. Chính vì vậy, nguồn vốn đầu tư các dự án thứ cấp thời gian qua là rất hạn chế chưa phát huy được nguồn lực đã đầu tư hạ tầng.
- Việc kêu gọi các dự án đầu tư thực hiện theo các phân khu chức năng của quy hoạch các cửa khẩu được duyệt. Tuy nhiên, khi các nhà đầu tư đăng ký đầu tư và trong quá trình xin chủ trương đầu tư thì vẫn còn nhiều lô đất chưa được giải phóng mặt bằng, vướng diện tích đất rừng phòng hộ nằm rải rác trong các lô đất theo quy hoạch. Điều này gây ảnh hưởng rất nhiều đến công tác thu hút đầu tư thời gian qua.
- Do vị trí địa lý xa xôi, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội còn hạn chế, thiếu nguồn lao động chất lượng cao, tốn kém nhiều chi phí, thời vận chuyển hàng hóa nên dẫn đến việc thu hút đầu tư ở khu vực biên giới rất khó khăn.
Một số giải pháp đề xuất
Để khơi thông những “điểm nghẽn” trong phát triển khu kinh tế cửa khẩu, các giải pháp cần tập trung thực hiện gồm:
Thứ nhất, về quy hoạch: Rà soát, đánh giá và xây dựng phương án phát triển Khu KTCK Đồng Tháp trong giai đoạn 2021-2030 tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp nhằm tạo động lực phát triển Khu KTCK Đồng Tháp xứng tầm; Đồng thời, rà soát, đề xuất điều chỉnh lại toàn bộ các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các cửa khẩu cho phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch tỉnh Đồng Tháp đáp ứng yêu cầu phát triển và định hướng; Nâng cấp cửa khẩu phụ Mộc Rá lên cửa khẩu chính; nâng cấp cửa khẩu Thường Phước lên cửa khẩu quốc tế đường bộ và đưa vào Hiệp định liên vận đường bộ với Campuchia.
Thứ hai, về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông (đường bộ, đường thủy) kết nối với các vùng lân cận và phía bạn Campuchia để tạo động lực cho cả khu vực biên giới. Xây dựng thành phố Hồng Ngự là đô thị trung tâm khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp, kết nối với thị trấn Sa Rài, thị trấn Thường Thới Tiền, với 02 đô thị cửa khẩu quốc tế Dinh Bà và Thường Phước để tạo động lực phát triển mạnh thương mại - dịch vụ, du lịch.
Cần tranh thủ vốn đầu tư hỗ trợ của Trung ương, bổ sung nguồn lực của địa phương để đầu tư phát triển Khu KTCK. Huy động các nguồn vốn đầu tư xã hội hóa từ các cá nhân, tổ chức kinh tế để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong Khu KTCK.
Bên cạnh đó, cần phân bổ nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh từng cửa khẩu nhằm phát huy khai thác thế mạnh của từng đô thị cửa khẩu; Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích huy động các nguồn lực tại chỗ và thu hút các nguồn vốn đầu tư khác để phát triển kinh tế - xã hội biên giới; Kêu gọi đầu tư xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, thu gom và xử lý chất thải… Đẩy nhanh thực hiện dự án đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu theo quy hoạch; kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm trung chuyển, kho vận, hạ tầng thương mại - dịch vụ và du lịch.
Thứ ba, về cơ chế chính sách, thu hút đầu tư. Cùng với cơ chế chính sách ưu đãi của Trung ương thì địa phương cần nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi đầu tư về kết cấu hạ tầng các khu chức năng trong Khu KTCK nhằm tạo động lực thu hút các dự án đầu tư hạ tầng trong Khu KTCK; Tập trung tổ chức xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư cho Khu KTCK theo chuyên đề, tăng cường giới thiệu, quảng bá, kết nối các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu; Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong Khu KTCK hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.
Thứ tư, hoàn thiện quy chế phối hợp quản lý nhà nước. Xây dựng quy chế phối hợp quản lý nhà nước giữa các lực lượng liên ngành, địa phương trong Khu KTCK để công tác phối hợp quản lý chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu lực, hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021;
- Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Nghị quyết số 296/2019/NQ-HDND ngày 7/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp về quy định chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.