Không ai đánh giá đúng tác động tương lai của AI


Thế giới vẫn chưa hoàn toàn nhận thức được trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tác động ở mức độ như thế nào đến mọi mặt của cuộc sống con người.

Ản minh họa. Nguồn: Internet
Ản minh họa. Nguồn: Internet

AI sẽ tác động đến mọi mặt của cuộc sống con người

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, ông Khaldoon Al Mubarak, Giám đốc điều hành của Mubadala - Quỹ đầu tư quốc gia Abu Dhabi trị giá 330 tỷ USD - cho rằng, thế giới vẫn chưa hoàn toàn nhận thức được trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tác động ở mức độ như thế nào đến mọi mặt của cuộc sống con người.

“Về rủi ro, đây là một công nghệ mà hiện tại chưa ai thực sự đánh giá được đúng mức, nhất là mức độ gián đoạn mà nó sẽ gây ra, tác động đến mọi mặt từ đời sống, kinh doanh, nguồn nhân lực, đến việc làm và mọi ngành công nghiệp đều sẽ chịu ảnh hưởng”, ông Khaldoon Al Mubarak nói.

“Tôi nghĩ rằng, mặc dù AI mang tới nhiều cơ hội, công nghệ này cũng sẽ mang đến rất nhiều rủi ro mà hiện tại chưa thể nhận biết rõ ràng bởi nó đang phát triển quá nhanh và tất cả chúng ta đang phải cố gắng để theo kịp nó”.

Ông Khaldoon Al Mubarak cũng chia sẻ về những bước tiến mà Quỹ đầu tư Mubadala đang thực hiện trong lĩnh vực AI và cơ sở hạ tầng hỗ trợ công nghệ AI, bao gồm các trung tâm dữ liệu và sản xuất chip.

Quỹ Mubadala là nhà đầu tư sáng lập của MGX, một quỹ đầu tư AI của Abu Dhabi. Quỹ này đã tham gia vòng huy động vốn gần đây của OpenAI vào tháng 10, huy động được 6,6 tỷ USD. Cùng tháng đó, công ty AI chuyên biệt của quỹ là G42 đã công bố hợp tác với OpenAI để phát triển AI tại UAE và các thị trường trong khu vực.

Năm ngoái, Microsoft đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào G42 thông qua một thỏa thuận mà G42 sẽ sử dụng các dịch vụ đám mây của Microsoft để vận hành các ứng dụng AI của mình. Tháng 12/2024, Mỹ đã phê duyệt việc xuất khẩu các chip AI tiên tiến tới một cơ sở tại UAE do Microsoft quản lý, là một phần của thỏa thuận với G42, thỏa thuận này đã được các nhà lập pháp Mỹ kiểm tra chặt chẽ do lo ngại về vấn đề an ninh.

Ông Khaldoon Al Mubarak bày tỏ sự lạc quan về tương lai của AI và khả năng UAE tận dụng chiến lược đầu tư để khai thác lợi ích từ công nghệ này.

“Nhu cầu ứng dụng công nghệ này sẽ tăng đáng kể”, ông nói. Theo ông, công nghệ và khả năng triển khai hạ tầng AI - bao gồm năng lượng, truyền tải, các loại công nghệ và công nghệ năng lượng - cùng với việc phát triển các trung tâm dữ liệu và sản xuất chip sẽ giúp đáp ứng nhu cầu khổng lồ này. Ông Khaldoon Al Mubarak cho biết, lãnh đạo quỹ đầu tư luôn có tầm nhìn dài hạn - 5, 10 hoặc 20 năm. Ông cho rằng nhu cầu ứng dụng công nghệ AI sẽ tăng rất mạnh và đó chính là cơ hội.

Tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc

Ông Khaldoon Al Mubarak cho biết, Quỹ đầu tư quốc gia Abu Dhabi có kế hoạch tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc bất chấp những thách thức thương mại tiềm ẩn dưới chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump và sự suy giảm kinh tế của quốc gia này.

“Tôi vẫn sẽ nói rằng, chúng tôi cam kết đầu tư vào Trung Quốc”, ông Khaldoon Al Mubarak nói khi được hỏi liệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có còn hấp dẫn đầu tư trong thời kỳ của Tổng thống Donald Trump hay không, đặc biệt khi các mức thuế thương mại được tái áp dụng.

“Hãy nhìn vào những yếu tố cơ bản. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc có dân số 1,4 tỷ người. Tầng lớp thu nhập trung bình đang gia tăng. GDP của Trung Quốc luôn tăng trưởng ổn định. Đây là những yếu tố cơ bản mà chúng tôi dựa vào để đánh giá Trung Quốc”.

Ông cũng chỉ ra những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy thị trường vào cuối năm ngoái, bao gồm việc cắt giảm lãi suất và công bố các kế hoạch kích thích kinh tế.

“Tôi nghĩ rằng, ở khía cạnh tiêu dùng, Trung Quốc có rất nhiều tiềm năng và tôi tin là họ sẽ tiếp tục mang đến những cơ hội tốt”, ông nói. “Thuế quan, thương mại, chiến tranh - bất kỳ từ nào bạn sử dụng, đều là những thách thức không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với cả thế giới. Nhưng tôi thấy rằng, cuối cùng, vẫn có đủ cơ sở để đạt được những giải pháp hợp lý, mang lại kết quả tối ưu cho tất cả các bên”.

Ông Khaldoon Al Mubarak cũng cho rằng, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nên làm nhiều hơn để củng cố nền kinh tế nội địa vốn đã chậm lại trong năm qua do cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản, chi tiêu tiêu dùng trì trệ, dân số già và cạnh tranh địa chính trị.

“Tôi nghĩ rằng, nền kinh tế nội địa rõ ràng rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thương mại toàn cầu đã thay đổi”, ông nói. “Bất cứ điều gì có thể giúp tiếp tục thúc đẩy thị trường tiêu dùng Trung Quốc, theo tôi nghĩ, sẽ là một tín hiệu tích cực cho các thị trường”.

Theo Báo Công Thương