Không còn áp lực bơm vốn vào nền kinh tế
Nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế năm nay vượt xa chỉ tiêu 6,5-6,7% Quốc hội đặt ra, không còn chịu áp lực phải bơm tiền ra để kích thích nền kinh tế nên Ngân hàng Nhà nước sẽ không cấp thêm room tín dụng cho những ngân hàng đã hết chỉ tiêu.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tín dụng hiện nay tăng trưởng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. Cơ cấu tín dụng đã hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên.
Tín dụng đi đúng hướng
Trong quý III, Thống đốc NHNN đã ra Chỉ thị số 04/CT-NHNN 2018 với định hướng kiểm soát chặt tín dụng trong các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, BOT, BT giao thông và tập trung vào lĩnh vực sản xuất.
Động thái siết chặt này khiến cho tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến 20/9 chỉ đạt 9,52%, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,74% so với cuối năm 2017.
Các con số trên thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, khiến cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% của năm 2018 khó khả thi. Tuy nhiên, đổi lại dòng vốn được tập trung chủ yếu vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Còn những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro đã được kìm hãm sự tăng trưởng như bất động sản, BOT, BT giao thông…, qua đó đã kiểm soát được lạm phát.
Theo phân tích của giới chuyên gia, mức tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 6,89%, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay; dự báo cả năm có thể đạt mức 6,84%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra. Do vậy, nếu đẩy quá nhiều tiền ra nền kinh tế thì sẽ đẩy lạm phát tăng cao.
Năm nay, NHNN không đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cứng cho nền kinh tế, mà chỉ đưa ra mức khoảng 17%. Vì thế, việc cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng ngay từ đầu năm cũng ở mức thấp, thậm chí có ngân hàng chỉ được giao khoảng 10 – 11%.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), cho rằng việc NHNN giao chỉ tiêu chặt chẽ là hợp lý. Nếu "rộng tay" cấp room tín dụng, đặc biệt là ngân hàng yếu kém, quản lý rủi ro tín dụng không chặt chẽ sẽ làm cho chính ngân hàng đó bị rủi ro. Ngoài ra, NHNN siết room tín dụng để nền kinh tế không gặp rủi ro về cung tiền về lạm phát.
Hiện nay, một số ngân hàng đã hết room tăng trưởng tín dụng và đang xin NHNN cấp thêm room. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng điều đó khó xảy ra bởi 3 tháng cuối năm, nền kinh tế không còn chịu áp lực tăng trưởng, nên NHNN không còn chịu áp lực phải bơm tiền ra để kích thích nền kinh tế.
Tính đến cuối tháng 9, tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng thương mại đạt 9,15%, thấp hơn so với cùng kỳ hai năm trước.
Chênh lệch lãi suất huy động và tín dụng là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng thanh khoản hệ thống eo hẹp trong quý III. Ngoài ra, việc NHNN bán ra ngoại tệ để bình ổn tỷ giá cũng làm cho tổng phương tiện thanh toán tăng chậm hơn, dẫn tới thanh khoản eo hẹp.
Lãi suất tăng cao
Một hệ quả tất yếu là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bị đẩy lên cao, đặc biệt trong khoảng thời gian từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9. Lãi suất kỳ hạn qua đêm và 1 tuần nhiều thời điểm đã tiệm cận mức 4,7%, cao hơn khá nhiều cả dịp cận Tết Nguyên đán năm trước.
Sự eo hẹp của thanh khoản hệ thống dẫn tới nhiều ngân hàng thương mại đã có động thái tăng lãi suất huy động trên thị trường 1. Kết thúc quý III, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm và 1 tuần ở mức 2,89% và 2,95%.
Theo số liệu cập nhật thị trường tiền tệ tuần đầu tháng 10 (1-5/10), NHNN đã bơm mới 217 tỷ đồng qua kênh thị trường mở (OMO), trong khi lượng vốn đáo hạn qua kênh này đạt 456 tỷ đồng, tức là đã hút ròng 239 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, qua kênh tín phiếu, NHNN đã phát hành 5.340 tỷ đồng tín phiếu mới trong khi lượng vốn đáo hạn đạt 29.980 tỷ đồng. Tổng hợp hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN đã bơm ròng 24.401 tỷ đồng vào thị trường.
Lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,64%, đạt mức 2,94%/ năm; lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần tăng 0,36%, đạt mức 2,9%/năm; lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần tăng 0,45%, đạt mức 3,31%/năm.
Hiện, lãi suất liên ngân hàng vẫn neo cao, nhưng mức lãi suất cho vay ở thị trường 2 (giữa ngân hàng và thị trường) được duy trì ổn định thời gian dài vừa qua. Lãi suất cho vay bằng VND hiện phổ biến khoảng 6%-9%/ năm đối với ngắn hạn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn; đối với khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn 4%-5%/năm.
Một chuyên gia nhận xét: "Rõ ràng giữ lạm phát bình quân trong 3 năm trở lại đây luôn ở mức dưới 4%, đặc biệt sau 9 tháng năm 2018, lạm phát cơ bản mới tăng 1,41% không chỉ tạo dư địa rất tốt cho những điều chỉnh chính sách khi cần thiết mà còn thể hiện hiệu lực chính sách tiền tệ trong ổn định kinh tế vĩ mô đang ngày càng nâng cao".
Theo các chuyên gia, ổn định kinh tế vĩ mô là tiền đề quan trọng cho những cải cách, củng cố lòng tin cho nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.