Tăng trưởng tín dụng khiêm tốn: Nên nới không?
Tăng trưởng tín dụng năm 2018 dự báo sẽ ở mức thấp đáng kể so với mục tiêu 17% được Ngân hàng Nhà nước đặt ra.
Song nhiều ý kiến cho rằng không nên nới hạn mức (room) tín dụng cho các ngân hàng thương mại, bởi điều này có thể đẩy thêm dòng tín dụng vào các lĩnh vực nhạy cảm, đồng thời gây khó cho nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Biểu hiện thắt chặt tín dụng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/9/2018, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9,52%, thấp hơn hẳn mức tăng 11,02% của cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do Vụ Dự báo - Thống kê tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước tiến hành vào tháng 9/2018 cho thấy, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,52% trong quý IV/2018 và tăng 15,22% trong năm 2018 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được các tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng tiếp tục duy trì ổn định trong quý IV/2018 và cả năm 2018.
Đánh giá về xu hướng tăng trưởng tín dụng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, việc tăng trưởng tín dụng thấp hơn mục tiêu đặt ra từ đầu năm là một biểu hiện của chính sách thắt chặt tiền tệ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với sức hấp thụ của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng GDP và kiểm soát dòng vốn vào các lĩnh vực nhạy cảm. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã đặt các hạn mức tín dụng khác nhau cho từng ngân hàng thương mại, có ngân hàng hạn mức tín dụng cả năm ở mức chỉ 10 - 11% và có ngân hàng lên đến 20%.
Mức tăng trưởng tín dụng dưới 10% trong 9 tháng đầu năm, theo ông Hiếu, là khá hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt và lạm phát được giữ ổn định. “Năm nay, với mục tiêu lạm phát không quá 4% và tăng trưởng GDP đã gần 7%, việc siết tín dụng để ổn định nền kinh tế là thỏa đáng. Do đó, dự báo tăng trưởng tín dụng trên 15% cho cả năm nay là phù hợp với cách điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước”, ông Hiếu nói.
Đáng chú ý, vị chuyên gia này cho biết: “Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng đổ tín dụng vào bất động sản. Nếu cộng tất cả tín dụng liên quan đến bất động sản, tổng dư nợ tín dụng của lĩnh vực này có lẽ là khá cao, và việc Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng nói chung hoặc siết tín dụng bất động sản nói riêng là biện pháp khống chế rủi ro nên làm”.
Chính sách tiền tệ nên thận trọng và linh hoạt
Từ góc độ kiểm soát dòng vốn vay ngân hàng, tăng trưởng tín dụng 17% được coi là mức trần để khống chế cung tiền cho nền kinh tế. “Tăng trưởng tín dụng khoảng 10%/năm là mức bình thường với nhiều nền kinh tế đang phát triển. Do đó, mức dự báo 15,22% đã là tương đối cao. Việc điều hành hạn mức tín dụng nên linh hoạt theo các chỉ báo của nền kinh tế. Khi tăng trưởng đã tốt và lạm phát sát giới hạn thì siết là phù hợp. 17% là giới hạn không vượt qua chứ không phải là mục tiêu”, ông Hiếu bình luận.
Tương đồng quan điểm trên, PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) nói: “Việc phê duyệt trần tín dụng là để đảm bảo mỗi ngân hàng thương mại có dư địa tín dụng linh hoạt. Tín dụng mới tăng trưởng có hơn 9% mà lạm phát đã gần đến 4%, vậy nếu tín dụng đi đến hết room thì không hình dung được lạm phát sẽ lên đến mức bao nhiêu”.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nhà nước nên nhất quán mục tiêu điều hành theo hướng linh hoạt mục tiêu tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Hơn nữa, tăng trưởng tín dụng không chỉ quan trọng ở con số mà còn cần chú trọng đến chất lượng tín dụng.
Bàn về khả năng nới room tín dụng cho một số ngân hàng, ông Hiếu cho rằng, thực tế có một số ngân hàng vẫn cần tiếp tục cấp vốn vay cho những dự án có tính ưu đãi, hoặc một số dự án thuộc danh mục khuyến khích đầu tư như các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, việc cấp thêm hạn mức tín dụng cho các lĩnh vực này cần xem xét và kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng “rò rỉ” tín dụng vào bất động sản hoặc các lĩnh vực nhạy cảm.
Thêm vào đó, các ngân hàng cần có kế hoạch phân bổ tín dụng hợp lý theo hạn mức đã được Ngân hàng Nhà nước cấp từ đầu năm. “Có thể nhiều ngân hàng hết room tín dụng do đã đổ quá nhiều vốn cho lĩnh vực bất động sản mà không cân đối vốn cho các lĩnh vực khác ngay từ đầu năm. Đó là do họ lập kế hoạch không chuẩn”, ông Hiếu chỉ rõ.
Trở lại với góc độ kinh tế vĩ mô, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhấn mạnh: “Cần hiểu là kinh tế Việt Nam năm 2018 có nhiều diễn biến phức tạp và đang rất nhạy cảm với biến động của lãi suất và tỷ giá. Do đó, một chính sách tiền tệ thận trọng và nhạy cảm với các tín hiệu của thị trường là cần thiết trong bối cảnh hiện nay”.