Không nên quá lo lắng về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Taichinh) - Chúng ta không phải cổ phần hóa bằng mọi giá, nên không cần quá lo lắng vấn đề này. Tuy nhiêncũng phải đề phòng thất thoát tiêu cực trong quá trình cổ phần hóa. Quyết tâm phải làm, nhưng phương án phải quyết liệt, cụ thể.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Nguồn: internet
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Nguồn: internet

Đây là ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi trả lời chất vấn của ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) trong phiên chất vấn ngày 13/6.

Quyết tâm, nhưng không nên quá lo lắng

ĐB Trần Du Lịch cho biết, tới thời điểm này chúng ta còn 6 tháng 17 ngày là kết thúc kế hoạch 5 năm (2011 - 2015). Trong kế hoạch này, một trong những nhiệm vụ ưu tiên tái cấu trúc là doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn, tổng công ty. “Chúng tôi ghi nhận Chính phủ rất nhiều nỗ lực trong thực hiện cổ phần hóa. Nhưng tới thời điểm này chúng ta còn 289 doanh nghiệp Nhà nước toàn là “xương xẩu”, chưa thể cổ phần hóa được. Như vậy liệu chúng ta hoàn thành không? Hậu cổ phần hóa, mục tiêu chúng ta nâng doanh nghiệp lên và sử dụng phần thoái vốn nhà nước như thế nào?”, ĐB nêu câu hỏi.

Trả lờiĐB Trần Du Lịch,Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Nghị quyết Trung ương 3, Khóa XI, đã nêu kết luận về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nướcvà Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt vấn đề này, cơ bản thực hiện đúng mục tiêu.

Phó Thủ tướng phân tích thêm, trong báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng cũng có chỉ đạo phấn đấu để cổ phần hóa 289 doanh nghiệp. Nhưng vấn đề này cũng phụ thuộc vào thị trường chứng khoán, vào sự phát triển đi lên của nền kinh tế mới có thể cổ phần hóa được. Cho nên nếu bán cho doanh nghiệp, bán cho SCIC hay cho cán bộ công nhân viên thì dễ, nhưng bán cổ phần đại chúng thành côngthì phải theo thị trường và sự sôi động của thị trường.

“Nhưng chúng tôi đang cố gắng làm hết sức mình để thực hiện chủ trương 289 doanh nghiệp này trong thời gian tới. Chúng ta cũng phải nói rằng 'Không quá lo lắng vấn đề này', chúng ta không phải cổ phần hóa bằng mọi giá. Chúng ta cũng phải đề phòng thất thoát tiêu cực trong quá trình cổ phần hóa. Quyết tâm phải làm, nhưng phương án phải quyết liệt, phải vẫn cụ thể”, Phó Thủ tướng nói.

Tiền thu về từ cổ phần hóa làm gì?

Cũng liên quan tới vấn đề được ĐB Trần Du Lịch chất vấn là "sử dụng phần vốn nhà nước hậu cổ phần hóa thế nào?", Phó Thủ tướng cho biết, theo Nghị quyết Trung ương 3, khóa IX, trước hết là giải quyết chế độ cho công nhân viên là rất quan trọng. Thứ hai là hỗ trợ cho doanh nghiệp khó khăn về tài chính để phục vụ tái cơ cấu. Thứ ba là dùng vào lĩnh vực đầu tư phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Ba việc này sẽ được triển khai trong quá trình sử dụng tiền cổ phần hóa một cách đúng mục đích, đúng quy định của Đảng, Nhà nước.

Về tỷ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước sau cổ phần hóa, Phó Thủ tướng thẳng thắnchorằng: việc nắm giữ 5% vốn thì Nhà nước không muốn nắm giữ, nhưng một là bán không được, hoặc bán không có lợi, nên Nhà nước phải tham gia.

“Tôi xin nói lại là có thể bán không được hoặc đang rà soát lại. Chúng tôi cam kết đôn đốc bàn giao SCIC để thoái vốn cần thiết. Ý này tôi cho là ý góp phần vào chủ trương rất lớn trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng khẳng định lại.

“Bây giờ tôi nói ví dụ như xung quanh việc cổ phần hóa, có đồng chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ở đây, 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn có cần cổ phần hóa để tư nhân chi phối không? Nếu tư nhân chi phối chúng ta điều hành chính sách tiền tệ bằng công cụ gì? Cho nên Nhà nước có vai trò rất quan trọng. Nhưng, chúng tôi đồng ý tỷ lệ thấp còn lại như vậy, Nhà nước sẵn sàng bán lô lớn để nhà đầu tư tham gia điều hành doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng phân tích thêm.