Không nộp chứng từ C/O áp dụng chính sách thuế chống bán phá giá thế nào?
Nhằm tháo gỡ vướng mắc của Cục Hải quan Bình Dương về áp dụng thuế chống bán phá giá trong trường hợp người khai hải quan không nộp chứng từ Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), Tổng cục Hải quan vừa có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Trong quá trình triển khai hoạt động nghiệp vụ, Cục Hải quan Bình Dương gặp vướng mắc khi áp dụng thuế chống bán phá giá trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tại chỗ.
Tháo gỡ vướng mắc về vấn đề này, Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan Bình Dương đối chiếu khoản 3 Điều 2 và khoản 5 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; khoản 7 Điều 39 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Bên cạnh việc đối chiếu, áp dụng các chính sách trên, Quyết định số 2080/QĐ-BCT ngày 31/8/2021 của Bộ Công Thương quy định, sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Ấn Độ, Cộng hòa Indonesia và Malaysia nhập khẩu vào Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng thuế chống bán phá giá.
Cũng theo Quyết định số 2080/QĐ-BCT, thủ tục, hồ sơ, kiểm tra và áp dụng thuế chống bán phá giá, trong đó, quy định rõ cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra chứng từ C/O để áp thuế chống bán phá giá. Trường hợp người khai hải quan không nộp chứng từ C/O thì sẽ áp dụng chính sách thuế chống bán phá giá với mức thuế 54,9% theo quy định tại Quyết định số 2080/QĐ-BCT của Bộ Công Thương.
Trên cơ sở các quy định trên, Tổng cục Hải quan cho rằng, trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ mặt hàng sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Ấn Độ, Cộng hòa Indonesia và Malaysia thì áp dụng thuế chống bán phá giá theo Quyết định số 2080/QĐ-BCT và cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra chứng từ C/O để xác định đối tượng và áp dụng mức thuế chống bán phá giá theo quy định.