Không tạo rào cản vô hình cho doanh nghiệp
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Bộ Giao thông - Vận tải cần tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, không nên tạo những rào cản vô hình cho doanh nghiệp. Đây là ý kiến của Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc làm việc với Bộ này về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tỷ lệ phát hiện sai phạm chỉ 0,06%
Số lượng 160 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành của Bộ Giao thông - Vận tải so với các bộ khác không phải là nhiều. Kiểm tra chuyên ngành của Bộ được triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố và biên giới. Cùng với việc đưa 125 mặt hàng trong tổng số 160 mặt hàng thuộc phạm vi quản lý chuyển sang hậu kiểm, Bộ Giao thông - Vận tải đã rà soát, cắt giảm 46% các điều kiện kinh doanh không phù hợp.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, nhân lực để đáp ứng ngay các yêu cầu của khách hàng là rất khó khăn do điều kiện trang thiết bị, con người còn hạn chế. Việc kiểm tra chuyên ngành hàng hóa tại nguồn nước ngoài tuy giúp rút ngắn thời gian chứng nhận nhưng rất tốn kém, đắt đỏ cho doanh nghiệp, vì vậy, ít doanh nghiệp thực hiện được. Đáng chú ý là còn có sự chồng chéo giữa các bộ, ngành liên quan đến đối tượng kiểm tra chuyên ngành.
Không thể phủ nhận kiểm tra chuyên ngành là cần thiết nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, với sự tồn tại của nhiều thủ tục kiểm tra, thậm chí có những thủ tục chồng chéo giữa các bộ, ngành đã gây khó khăn, tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Đánh giá về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, một năm chúng ta bỏ ra tới 30 triệu ngày công, 15.000 nghìn tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành với 100.000 mặt hàng xuất nhập khẩu.
Đây là chi phí lớn mà doanh nghiệp phải “gánh vác”, nhưng tỷ lệ phát hiện sai phạm khi kiểm tra chuyên ngành lại rất thấp, chỉ chiếm 0,06%. Bên cạnh đó, hiện nhiều cơ quan không ban hành được tiêu chuẩn, quy chuẩn mà kiểm tra bằng cảm quan, thủ công, tức là làm thủ tục để thu tiền, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu thực trạng của công tác kiểm tra chuyên ngành nói chung.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận xét: Trong công tác kiểm tra chuyên ngành, Bộ Giao thông - Vận tải cũng có những “căn bệnh” giống như nhiều bộ, ngành khác. Chẳng hạn, vẫn còn tình trạng kiểm tra toàn bộ các lô hàng, chủ yếu vẫn thực hiện tiền kiểm, thủ tục hồ sơ kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều bất hợp lý. Đáng chú ý là, một loại hàng hóa cùng một lúc phải chịu nhiều quy trình quản lý chuyên ngành.
Đơn cử, Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Công thương cùng kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng cần cẩu tự hành, cần trục, cẩu trục, xe nâng. Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Khoa học - Công nghệ cùng kiểm tra chuyên ngành đối với hàng xe xi téc. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng độc quyền trong kiểm tra đánh giá sự phù hợp, việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan kiểm tra chuyên ngành và cơ quan hải quan còn yếu.
Cắt giảm thủ tục không có nghĩa là “mở toang”
Thực tế cho thấy, thời gian kiểm tra chuyên ngành của các bộ chiếm tỷ lệ khá cao, 78%, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ Giao thông - Vận tải được đánh giá là đi đầu trong việc minh bạch hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành và “hơn hẳn các bộ khác” (nhận xét của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng) khi ban hành được 82 quy chuẩn và 27 tiêu chuẩn. Vậy nhưng, với mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì việc tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành rất cần thiết, mặt khác vẫn phải bảo đảm kiểm tra được chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, không vì lý do bảo hộ hàng hóa trong nước, hàng rào kỹ thuật, hay an ninh quốc phòng để chúng ta tạo các rào cản vô hình. Việc rà soát, cắt giảm các thủ tục chuyên ngành thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu không có nghĩa là “mở toang” cho tất cả hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam.
Việc kiểm tra vẫn phải tiến hành nhưng thay đổi hình thức chuyển từ kiểm tra tiền kiểm sang hậu kiểm, tiếp tục áp dụng phương thức quản lý rủi ro để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện thông quan, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, kiểm tra chuyên ngành không đặt trước hải quan mà phải đặt sau hải quan. Chỉ nên kiểm tra trước thông quan đối với kiểm dịch và an toàn thực phẩm, nhóm hàng hóa còn lại nên kiểm tra sau thông quan. Có như vậy, mới giải phóng hàng hóa giúp thông quan nhanh, không gây khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp.