Khu di tích Nha Ngân khố quốc gia – Niềm tự hào của cán bộ công chức Kho bạc Nhà nước
(Tài chính) Vào những ngày cuối tháng 4 năm 2014, có dịp được cùng đoàn báo chí ngành Tài chính về thăm Khu di tích Nha Ngân khố Quốc gia, chúng tôi được “về nguồn” trở lại những ngày tháng lịch sử hào hùng của dân tộc.
.
Những năm tháng lịch sử
Ngay sau khi được thành lập, Nha Ngân khố Quốc gia chủ yếu thực hiện nhiệm vụ: Tập trung các khoản thu về thuế, đảm bảo hoạt động quốc phòng; thu tiền công phiếu kháng chiến; quản lý cấp phát các khoản chi, xác nhận thanh toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách, làm thủ tục quyết toán với cơ quan tài chính; tổ chức phát hành giấy bạc Việt Nam (tiền tài chính trong toàn quốc); thu hẹp và loại bỏ dần phạm vi lưu hành của tiền Đông Dương và các loại tiền khác của địch; thực hiện các nguyên tắc cơ bản về thể lệ thu, chi và kế toán đại cương nhằm tăng cường công tác quản lý Tài chính ngay trong điều kiện đất nước đang có chiến tranh.
Đặc biệt các năm 1946, 1948, 1950 đã thực hiện phát hành công trái và công phiếu kháng chiến ghi thu bằng tiền và bằng thóc phục vụ đắc lực kịp thời nhu cầu sản xuất và chiến đấu. Trong thời kỳ này, Nha ngân Khố cũng đã trải qua thời kỳ khó khăn nhất của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đã hoàn thành các trọng trách được Chính phủ giao phó, đã có công lớn trong việc xây dựng chế độ tiền tệ độc lập tự chủ, hạn chế sự chi phối tiền tệ của thực dân đế quốc, góp phần đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta.
Nhân dịp này, đồng chí Trương Trọng Dũng – Phó Giám đốc KBNN Tuyên Quang đã đưa chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Kiên. Ông là nhân chứng gắn với quá trình hình thành và hoạt động của Nha Ngân khố. Đến nay, tuy sức khỏe đã giảm sút nhiều nhưng khi gặp chúng tôi, những kỷ niệm ngày xưa như ùa về, ông kể lại cho chúng tôi nghe những câu chuyện xung quanh Nha Ngân khố thời kỳ đó.
Ông cho biết: “Thời kỳ này, nhân dân sống quanh đây phải giữ bí mật cho hoạt động của Nha Ngân khố. Lúc này đường xá đi lại rất vất vả chứ không như bây giờ, muốn vào được Nha Ngân khố các cán bộ và nhân dân phải đi lên cầu 16 rồi rẽ vào và phải lội qua một đoạn suối, sau đó lên một cái đồi và xuống cánh đồng thì mới đến được Nha Ngân khố”. Lúc bấy giờ, Nha Ngân khố có khoảng 60 -70 người làm việc, trong đó có 2 người nước ngoài. Câu chuyện về cán bộ người Nhật được Bác Hồ đặt tên là Hồ Việt Thắng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông.
Tiếp nối truyền thống
Sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc chống thực dân Pháp. Nơi đây đã trở thành di tích lịch sử. Để vun đắp và tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, KBNN đã giao cho
KBNN Tuyên Quang xây dựng và quản lý Khu di tích. Với tổng mức vốn đầu tư 4,654 tỷ đồng bằng nguồn kinh phí phát triển ngành và sự đóng góp của CBCC trong hệ thống KBNN, toàn bộ các hạng mục trên diện tích 7.650 m2 bao gồm: Khu bia lưu niệm, khu nhà sàn, đường cấp 5 từ quốc lộ 2 vào khu di tích dài 1,5 km đã được khánh thành vào ngày 13/8/2006.
Khi được thăm quan Khu di tích và đứng trước bia lưu niệm có gắn logo của KBNN, thế hệ chúng tôi – Những CBCC trẻ của KBNN cảm thấy vô cùng tự hào. Từ khi được khánh thành, Khu di tích Nha Ngân khố Quốc gia đã đón tiếp hàng trăm đoàn khách tham quan, với hàng nghìn lượt CBCC trong và ngoài ngành của cả nước. Khu di tích Nha Ngân khố Quốc gia giờ đây là nơi để các thế hệ CBCC KBNN trong toàn hệ thống về đây tri ân những đồng chí, đồng nghiệp đã cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp Tài chính nói chung và KBNN nói riêng.
Tại khu Nhà sàn, đoàn chúng tôi cũng đã được đồng chí Trương Trọng Dũng – Phó giám đốc KBNN Tuyên Quang kể một vài kỷ niệm về khu di tích. Nhưng điều mà đoàn chúng tôi cảm nhận sâu sắc nhất là khi lật từng trang cuốn sổ lưu niệm ghi cảm tưởng của các đoàn đại biểu đến thăm khu di tích, đối với chúng tôi những dòng lưu niệm của đồng chí Phạm Sỹ Danh – Thứ trưởng Bộ Tài chính, nguyên Tổng giám đốc KBNN ghi lại khi đến thăm Khu di tích Nha Ngân khố Quốc gia vào ngày 01/4/2007 chứa đựng nhiều tình cảm và mang ý nghĩa sâu sắc đối với thế hệ chúng tôi…
Bia lưu niệm Nha Ngân khố Quốc gia một biểu tượng thể hiện quyết tâm sắt đá vượt khó đi lên, một biểu tượng mang ý nghĩa chính trị, lịch sử sâu sắc của hệ thống KBNN, còn là nơi hội tụ ôn lại truyền thống của các thế hệ KBNN.
Hôm nay về đây chúng tôi xin được nghiêng mình tỏ lòng biết ơn những đồng chí, đồng nghiệp của Nha Ngân khố Quốc gia đã cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp Tài chính và KBNN ngay từ những ngày đầu Cách mạng giải phóng dân tộc. Chúng tôi nguyện đoàn kết, học tập, công tác và thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” xây dựng và phát triển hệ thống KBNN ngày càng vững mạnh về mọi mặt, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì sự nghiệp phát triển dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.
Mong rằng mỗi cán bộ công chức, viên chức KBNN sau mỗi lần về thăm khu lưu niệm Nha Ngân khố Quốc gia sẽ thêm yêu ngành, tự hào về truyền thống của ngành, tăng cường đoàn kết, thống nhất ý chí hành động, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để xây dựng ngành KBNN ngày càng phát triển”.
Chia tay Khu di tích Nha Ngân khố quốc gia, đoàn chúng tôi đã không quên ghi lại những khoảnh khắc bên những tấm hình lưu niệm tại Khu di tích. Đây được coi là kỷ niệm đáng nhớ đối với chúng tôi sau một ngày được “về nguồn”, ôn lại những truyền thống lịch sử của thế hệ đi trước đồng thời nhắc nhở mình hãy nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng ngành KBNN ngày càng phát triển
Bài đăng trên Tạp chí Quản lý Ngân quỹ số 5 - 2014