Khu Nam Sài Gòn quá tải hạ tầng

Theo Duy Khánh/doanhnhansaigon.vn

Với hàng chục khu đô thị mới hình thành trong khi các trục đường kết nối vào khu trung tâm hầu như không có khả năng mở rộng, dẫn đến tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng tại khu Nam Sài Gòn. Vì thế, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã có kế hoạch dài hơi trong việc giải quyết sự quá tải hạ tầng cho khu vực này.

Với hàng chục khu đô thị mới hình thành trong khi các trục đường kết nối vào khu trung tâm hầu như không có khả năng mở rộng, dẫn đến tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng tại khu Nam Sài Gòn. Nguồn: internet
Với hàng chục khu đô thị mới hình thành trong khi các trục đường kết nối vào khu trung tâm hầu như không có khả năng mở rộng, dẫn đến tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng tại khu Nam Sài Gòn. Nguồn: internet

Thêm nhiều cầu đường 

Theo Sở Giao thông - Vận tải, nhiều dự án hạ tầng thuộc khu Nam đang trong lộ trình phê duyệt đầu tư từ nay đến năm 2020, như cầu Thủ Thiêm 3, 4, nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, cầu Nguyễn Khoái từ quận 7 qua quận 4, mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, đường trục Bắc - Nam kết nối khu vực trung tâm với các quận 4, 7 và huyện Nhà Bè.  

Một công trình hạ tầng lớn được người dân khu Nam chờ đợi là cầu đường Bình Tiên (nối quận 6 với quận 8). Để đẩy nhanh tiến độ dự án này, Sở Giao thông - Vận tải đang dự thảo văn bản để trình UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ cho chỉ định nhà đầu theo Nghị định 63/2018 và thanh toán quỹ đất BT theo Nghị quyết 160 của Chính phủ. Cầu đường Bình Tiên được xây dựng mở đầu hình thành tuyến đường vành đai trong kết nối khu vực Nam Sài Gòn với khu vực Tây và Tây Nam Thành phố.

UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao một số đơn vị liên quan nhanh chóng xúc tiến phương án đầu tư xây dựng hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng một làn đường song hành với quốc lộ 50 bổ sung vào quy hoạch giao thông TP. Hồ Chí Minh. Theo quy hoạch, điểm đầu của tuyến đường mới sẽ kết nối với đường Phạm Hùng hiện hữu với cầu kênh Cây Khô (khoảng 800m), tại xã Phước Lộc - huyện Nhà Bè ( TP. Hồ Chí Minh) điểm cuối kết nối với quốc lộ 50 tại km12+600 (ngã tư Tân Kim, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).

Khu Nam cũng có sự phát triển đồng bộ nhiều tuyến đường để kết nối thuận tiện với khu trung tâm. Đó là tuyến đường Huỳnh Tấn Phát sẽ được mở rộng 30m kết nối với trục đường Nguyễn Văn Linh. Ngoài việc ưu tiên giải quyết các điểm ùn tắc, trước mắt Thành phố lên phương án mở rộng lộ giới đường Lê Văn Lương lên hơn 40m - tuyến đường huyết mạch kết nối khu Nam TP. Hồ Chí Minh đi qua khu đô thị cảng Hiệp Phước và kết nối trực tiếp với huyện Đức Hòa, Cần Giuộc của tỉnh Long An.

Hấp dẫn nhà đầu tư

Chia sẻ về lý do lựa chọn khu Nam để tiếp tục phát triển bất động sản, ông Trương Quốc Hưng - Phó tổng giám đốc Công ty Phát triển Phú Mỹ Hưng, cho biết: "Chúng tôi nghiên cứu rất kỹ các hướng phát triển của Thành phố trước khi quyết định chọn Nam Sài Gòn. Mục tiêu của chúng tôi là phát triển khu công nghiệp và khu đô thị lớn. Theo đó, hướng Bắc có điều kiện đất đai và hạ tầng rất tốt, tuy nhiên, nếu phát triển khu đô thị với quy mô lớn ở đây thì về lâu dài có thể ảnh hưởng không tốt đến môi trường, đặc biệt là nguồn nước của TP. Hồ Chí Minh".

Hiện khu Nam có nhiều "con đường tỷ đô" như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Văn Lương, bởi thời gian qua nhiều nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài nước đã chọn nơi đây để xây dựng các công trình với quy mô hàng chục hecta đất. Điển hình như một dự án lớn thứ hai ở khu Nam có diện tích gần 350ha (sau khu đô thị Phú Mỹ Hưng có diện tích 750ha) do Công ty TNHH MTV Phát triển GS Nhà Bè (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư đang chuẩn bị khởi công trở lại sau nhiều năm "bất động". Khu đô thị này bao gồm nhiều loại hình nhà ở như biệt thự, khu căn hộ chung cư thấp tầng, khu căn hộ chung cư cao tầng, khu nhà ở phức hợp.

Thị trường khu Nam Sài Gòn vừa xuất hiện khu đô thị Eco Green Saigon có quy mô 14,36ha, sở hữu vị trí mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh (phường Tân Thuận, quận 7), có công viên nội khu Eco Green Central Park rộng hơn 3,5ha và nằm liền kề công viên Hương Tràm 22ha. Hay như khu nhà Oakwood Residence Saigon nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, gồm 237 căn hộ dịch vụ vừa được tung ra thị trường, do Công ty Đầu tư Mapletree thuộc Tập đoàn Mapletree (Singapore) làm chủ đầu tư. Mapletree đã giới thiệu thiết kế mô hình tòa tháp đôi văn phòng V - Plaza Towers với diện tích sàn hơn 66.000m2, khi hoàn thành vào năm 2023 sẽ là khu phức hợp văn phòng đạt chuẩn quốc tế có quy mô lớn tại quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Mới đây Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước công bố ra mắt giai đoạn 1 khu nhà Senturia Nam Sai Gòn, tại đường Nguyễn Văn Linh.