Khuyến nông không chỉ lợi nông
(Taichinh) - Hiện, tiềm lực sản xuất của người nông sân còn thấp, để tạo sức bật cho họ, đương nhiên phải có sự đầu tư ban đầu của Nhà nước và các tổ chức xã hội, đó cũng là mục tiếu nhắm đến của Chính sách khuyến nông hiện nay.
Khuyến nông lợi nông
Thực hiện chính sách khuyến nông mang lại lợi ích thấy rõ:
- Vốn Nhà nước hỗ trợ (qua cho vay lãi suất thấp, qua các chương trình tài trợ giống và vốn trực tiếp cho nông dân, ngư dân, lâm nghiệp, diêm nghiệp tăng vốn để đóng tàu, đánh bắt, chăn nuôi, trồng trọt… đã giúp người dân có thể lựa chọn phương án mang lại lợi nhuận cao, đồng thời, có nguồn lực để mở rộng sản xuất theo hướng làm ăn lớn, hiện đại…;
- Nhà nước giúp người dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất có thể cải tạo giống cây, con cho năng suất và chất lượng cao… đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tăng thu nhập cho người dân và thu nhập quốc gia; Hơn nữa, công nghệ cao áp dụng vào khâu thu hoạch, bảo quản cũng góp phần làm tăng sản lượng và giá trị hàng hóa trước khi tiêu thụ;
- Ngoài ra, các chính sách như đào tạo nhân lực có tay nghề cao trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp là một yếu tố quan trọng để đưa nông nghiệp thành một ngành sản xuất lớn; thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; hợp lý hóa sản xuất; triển khai mô hình hợp tác xã cánh đồng mẫu lớn, áp dụng chính sách dồn điền đổi thửa, giúp giảm hao phí đất đai, tăng diện tích trồng trọt và chăn nuôi… được Nhà nước quan tâm triển khai… đang mang lại lợi ích thiết thực trước mắt và lâu dài cho ngành nông nghiệp, người nông dân và nông thôn.
Theo số liệu thống kê, thu nhập thực tế bình quân tăng của người nông dân đều tăng năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt, nhiều hộ nông dân được xếp vào hàng có thu nhập cao so với mặt bằng cả xã hội. Hộ xếp vào diện nghèo có thu nhập dưới 4,8 triệu đồng/năm (giai đoạn 2011-2015) cao hơn so với với 3,6 triệu đồng/năm (giai đoạn 2006-2010).
Hướng sản xuất nông nghiệp giai đoạn tới
Theo tác giả, ngoài các vấn đề Chính phủ tác động như giá cả, lãi suất cho vay vốn, quy hoạch vùng sản xuất, đào tạo nghề, đầu tư công nghệ vốn liếng… thì một vấn đề có tính chất vĩ mô, phải tính đến, đó là xem lại mô hình sản xuất. Như mô hình sản xuất của các nước tư bản, theo phương thức làm ăn lớn và sở hữu tư nhân, đối với Việt Nam chúng ta, có thể áp dụng phương thức sản xuất và tư duy sản xuất, nhưng cần cân nhắc vấn đề sở hữu. Từ khi Nhà nước không chủ trương đưa người nông dân vào hợp tác xã sản xuất tập thể nữa, có nhiều đổi mới trong cách làm ăn, cách nghĩ của người nông dân, nông nghiệp phát triển theo hướng thị trường, đời sống người nông dân được cải thiện nhiều… tuy nhiên, phần đông vẫn chưa có tư duy năng động, vẫn chưa tạo được thu nhập cho mình, đồng ruộng vẫn phân tán, sản xuất manh mún, chưa có quy hoạch chưa có tầm nhìn xa, chưa phát huy thế mạnh vùng miền, người nông dân vẫn loay hoay tìm hướng đi. Do vậy, định hướng sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, xây dựng lại mô hình hợp tác xã, thực hiện hình thức sản xuất theo hợp đồng… là một hướng đi đúng đắn, hợp lý, giúp người nông dân yên tâm sản xuất khi có người lo đầu vào, đầu ra… Trách nhiệm đó là của nhà nước, đặc trong mối “liên kết bốn nhà”. Giải quyết thị trường tiêu thụ, tạo dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ mới, huy động tăng vốn đầu tư… là yêu cầu quan trọng hiện nay. Để giải quyết vấn đề này, chỉ có một con đường, đó là xây dựng mối liên kết bốn nhà trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Vì thế, mối liên kết này là tất yếu và được thiết lập ở các nước phát triển từ hàng trăm năm nay bằng một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện và sự tự nguyện giữa các bên trên cơ sở lợi ích toàn xã hội, lợi ích cộng đồng và lợi ích mỗi gia đình nông dân. Đã 13 năm qua, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng, chúng ta nhận định, tuy chủ trương đúng, nhưng chưa có cơ chế phù hợp, nên đã không thực hiện được. Đã đến lúc phải đánh lại việc thực hiện Quyết định này và thiết lập khung pháp lý mới cho giao dịch nông sản, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm – khâu cốt yếu trong sản xuất hiện nay.
Khuyến nông không chỉ lợi nông
Nước ta là nước nông nghiệp, một số mặt hàng xuất khẩu có số lượng đứng nhất, nhì thế giới tính đến hiện tại, nhưng giá cả lại thấp hơn nhiều so với các nước xuất khẩu mặt hàng tương tự do chất lượng hàng hóa không cao. Đến nay, sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn theo hướng truyền thống, chưa thực sự phát triển theo định hướng thị trường, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Người nông dân vẫn phải tự dò tìm thị trường, tự tìm phương hướng sản xuất (như nhiều người ví von là nông dân đang làm ăn theo kiều “bịt mắt ném tiêu”) và tự làm giàu, kiếm sống bằng mọi cách, kể cả bất hợp pháp, kể cả nhắm mắt làm liều trước các tác động ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng…
Để nhà nông sống được bằng nghề nông Nhà nước đã nghiên cứu và thực hiện rất nhiều chính sách vĩ mô và vi mô, giúp phát triển sản xuất và tạo thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ nông nghiệp không chỉ nhà nông có lợi. Đánh giá trên bình diện chung của nền kinh tế và xã hội, có thể thấy rõ, khi người nông dân có trình độ, có môi trường sản xuất tốt, có thu nhập, có mặt bằng đời sống ổn định ngang bằng với các lao động khác trong xã hội thì họ hoàn toàn có thể chuyên tâm với nghề, có thể cung cấp cho xã hội sản phẩm ngày càng phong phú, có chất lượng và giá cả hợp lý, tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Điều này mang lại lợi ích to lớn cho toàn xã hội, làm tăng chất lượng cuộc sống của cả cộng đồng, giảm thiểu tiêu cực tác hại đến sức khỏe, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và các chi phí liên quan của toàn xã hội, đặc biệt, giảm đáng kể chi phí hỗ trợ cho nông dân, nông thôn (các chi phí hỗ trợ người nghèo, cứu trợ giáp hạt, cứu trợ thất bát do thiên tai, dịch bệnh…), dành thêm vốn để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, phát triển thương hiệu hàng hóa. Nông sản đa dạng và có chất lượng không chỉ mang lại lợi ích cho nhà nông mà cho cả nhà doanh nghiệp chế biến - tiêu thụ nông sản, các doanh nghiệp sẽ phải phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu nông sản nữa, từ đó, tăng nguồn dự trữ ngoại tệ cho Nhà nước và xã hội.
Tóm lại, thực hiện chính sách khuyến nông là mang lại lợi ích to lớn cho toàn xã hội chứ không chỉ riêng cho người nông dân.