Tỉnh Quảng Ngãi:
Kích cầu tiêu dùng cá nhân
Để kích cầu tiêu dùng cá nhân trong những tháng cuối năm, các tổ chức tín dụng triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi. Các công ty tài chính cũng đã kết nối với nhà sản xuất, cửa hàng triển khai cho vay mua hàng trả góp.
Dịch COVID-19 kéo dài đã tác động lớn đến nền kinh tế, thu nhập giảm... dẫn đến nhu cầu tiêu dùng hạn chế. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tính đến cuối tháng 8/2021, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và dư nợ tín dụng qua thẻ tín dụng đạt 8.032 tỷ đồng, chiếm 14,35% so với tổng dư nợ, tăng trưởng âm so với thời điểm cuối năm 2020.
Để hỗ trợ người dân giải quyết những khó khăn trước mắt, đáp ứng các nhu cầu cần thiết, đồng thời hạn chế nạn “tín dụng đen”, Agribank Quảng Ngãi đã triển khai chương trình cho vay tiêu dùng dành cho khách hàng cá nhân khu vực đô thị. Lãi suất cho vay ưu đãi từ 6,5 - 7%/năm, với mức cho vay tối đa dưới 4 tỷ đồng, thời gian áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi là 12 tháng, kể từ ngày giải ngân.
Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Đinh Văn Công cho biết, hiện ngân hàng vẫn đang tiếp tục triển khai chương trình cho vay thấu chi qua thẻ tại khu vực nông nghiệp, nông thôn lên đến 30 triệu đồng, để phục vụ chi tiêu đột xuất của người dân.
Để kích cầu thị trường bất động sản bị đóng băng bởi dịch COVID-19, MB Quảng Ngãi triển khai chương trình cho vay mua bất động sản, với lãi suất chỉ từ 0,6%/tháng, mức cho vay tối đa 3 tỷ đồng, ân hạn trả gốc trong 12 tháng, thời gian vay tối đa 20 năm.
Theo Giám đốc MB Quảng Ngãi Hoàng Thanh Vĩnh, để tạo điều kiện cho những khách hàng cá nhân có nhu cầu thật sự về đất ở, nhà ở, MB đã liên kết với các dự án bất động sản triển khai cho vay; không cho vay đối với các trường hợp "lướt sóng".
Tại LienVietPostBank cũng đang triển khai các gói cho vay tiêu dùng dành cho cán bộ, công nhân viên chức; đặc biệt là cán bộ hưu trí có nhu cầu mua nhà, mua đất, sửa chữa nhà ở... với số tiền vay tối đa 500 triệu đồng, lãi suất 6,8%/năm, thời gian vay tối đa 30 tháng.
Ngoài mức lãi suất ưu đãi, các ngân hàng còn linh hoạt xây dựng các gói sản phẩm riêng dành cho từng đối tượng khách hàng, thủ tục cho vay đơn giản, lãi suất cạnh tranh, kỳ trả nợ linh hoạt, đẩy mạnh cho vay trực tuyến...
Đây là thời điểm cuối năm, nhu cầu tăng trưởng rất cần thiết, nên việc giảm lãi suất kích cầu tiêu dùng mà ngân hàng thực hiện càng có ý nghĩa hơn với doanh nghiệp. Bên cạnh hệ thống ngân hàng, các công ty tài chính cũng đã liên kết với tất cả các doanh nghiệp, cửa hàng triển khai cho vay mua hàng trả góp.
Theo các chuyên gia tài chính, năm 2021 là năm khó khăn với tín dụng và tín dụng tiêu dùng nói riêng, song nhìn về dài hạn, chính sách của ngân hàng cũng như công ty tài chính rất phù hợp, dự đoán tiềm năng tăng trưởng lĩnh vực này rất tốt.
Trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu. Nhu cầu vay vốn của người dân hiện nay vẫn rất lớn, phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ hạn chế "tín dụng đen".
Tuy nhiên, muốn kích cầu tín dụng tiêu dùng thành công thì từ nay đến cuối năm, các ngân hàng vẫn cần xem xét giảm lãi suất cho vay về mức hợp lý nhất, để người tiêu dùng an tâm vay nợ.