Kiểm định vàng có “triệt” được gian lận?
Hiệp hội kinh doanh vàng cho biết, khoảng một tháng nữa, công ty kiểm định vàng bạc, đá quý Việt Nam sẽ đi vào hoạt động. Đây là một thông tin vui cho người tiêu dùng khi tình trạng gian lận tuổi vàng, hàm lượng vàng ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, dư luận cũng lo ngại là với chế tài xử phạt còn nhẹ, liệu có “triệt” được gian lận?
Theo Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), vàng trang sức phải đúng tiêu chuẩn, hàm lượng vàng mới được lưu thông trên thị trường. Thế nhưng, lâu nay, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều phớt lờ quy định, còn người tiêu dùng thì vẫn đang “mỏi mắt” chờ sự ra đời của tổ chức công nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm vàng. Kẽ hở này đang khiến tình trạng gian lận ngày càng nở rộ thời gian qua.
Kinh doanh vàng không đủ hàm lượng
Sự việc liên quan đến công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu gian lận hàm lượng vừa qua đang gây xôn xao dư luận, đặc biệt là một số lượng lớn người tiêu dùng đang giữ sản phẩm vàng của thương hiệu này.
Việc mất lòng tin vào sản phẩm vàng không phải bây giờ mới xảy ra. Trước đó, dư luận vô cùng lo lắng khi cơ quan chức năng cảnh báo người tiêu dùng thận trọng bởi thị trường xuất hiện nhiều vàng nữ trang giả, kém chất lượng đang được chào bán tràn lan.
Bộ KH&CN vừa công bố số liệu công tác quản lý thị trường vàng. Theo đó, trong năm 2015, qua các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng tại 51/63 Sở KH&CN các tỉnh, với 1.718 cơ sở kinh doanh vàng, Bộ KH&CN đã tịch thu 170 phương tiện đo không đúng tiêu chuẩn, chiếm 9,7% số vụ vi phạm.
Phát hiện 423 cơ sở (chiếm 25%) vi phạm về quy định đo lường, sử dụng cân vàng không kiểm định, không đạt yêu cầu về đo lường; cân không phù hợp về phạm vi đo và cấp độ chính xác; hàm lượng vàng không đạt theo tiêu chuẩn công bố chủ yếu ở mặt hàng vàng trang sức, mỹ nghệ.
Ngoài ra, cơ quan này cũng tịch thu số hàng hơn 4.000 mẫu, trong đó tạm dừng lưu thông hơn 2.800 mẫu và xử phạt số tiền gần 200 triệu đồng.
Riêng 8 tháng đầu năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&CN, Sở KH&CN các tỉnh đã thanh tra hơn 580 cơ sở kinh doanh vàng, phát hiện hơn 183 cơ sở vi phạm các quy định về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng và nhãn mác vàng theo quy định với số tiền xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng.
Ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam thừa nhận, một tỷ lệ ăn chênh lệch tuổi vàng bất thành văn là 64% – 68% – 75%, tức đơn vị sản xuất vàng 64% nhưng đến doanh nghiệp kinh doanh là 68% và tiệm vàng bán sản phẩm này ra với giá vàng 75%.
Chính những mánh khoé gian lận vàng này là nguyên nhân khiến các cơ sở kinh doanh không công nhận hàm lượng vàng trong sản phẩm của nhau. Chưa kể, mỗi đơn vị lại sử dụng các phương pháp thử vàng khác nhau nên có khi cùng một loại vàng nhưng giám định ở các cửa hàng khác nhau thì cho ra kết quả khác nhau. Điều này khiến người mua bán vàng lúng túng… không biết đâu mà lần.
Sẽ rút giấy phép
Thừa nhận tình trạng sản xuất, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ không được kiểm soát về chất lượng một phần là do sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng, Bộ KH&CN khẳng định, hiện doanh nghiệp, cá nhân được nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ qua cửa khẩu không cần kiểm soát chất lượng và họ chỉ nộp thuế theo quy định của pháp luật là đủ.
Bên cạnh đó, trên thị trường, các cửa hàng kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ cho biết, họ chỉ biết bán vàng trang sức, lấy từ các cơ sở nhập khẩu, sản xuất và chế tác được Ngân hàng Nhà nước cho phép và chất lượng vàng do các cơ sở này quyết định.
Người tiêu dùng bớt lo lắng hơn khi ông Nguyễn Thanh Trúc – Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng – cho biết: “Khoảng một tháng nữa, công ty Kiểm định vàng bạc, đá quý Việt Nam sẽ đi vào hoạt động và sau này cũng sẽ có thêm những công ty kiểm định độc lập khác giúp bảo vệ quyền lợi cho người dân”.
Theo một số chuyên gia ngành vàng, nếu chỉ có công ty kiểm định vàng ra đời thôi vẫn chưa đủ sức để “triệt” được các “chiêu” gian lận trong kinh doanh vàng, mà cần phải có chế tài đủ mạnh trong việc xử phạt khi phát hiện ra doanh nghiệp làm ăn gian dối.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh, cho biết, “Thời gian tới, nếu phát hiện vi phạm chất lượng vàng nữ trang, Sở Khoa học và công nghệ sẽ lập biên bản xử lý và gửi kết quả về cho Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh để nơi này rút giấy phép”.
Về phía Bộ, KH&CN, ông Vinh cho biết, Bộ đang kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP trong đó quy định quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong sản xuất, nhập khẩu.
Bên cạnh đó, ông Vinh còn cho hay: “Hiện Bộ KH&CN đang chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 80 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong đó bổ sung thêm các hành vi vi phạm về lưu thông vàng trang sức và mỹ nghệ”.
Trong khi chờ cơ quan chức năng thiết lập lại thị trường vàng, rất nhiều vấn đề đang được đặt ra với cơ quan quản lý như: Xử lý như thế nào đối với vàng nữ trang đang lưu hành và đang được giữ trong dân, việc chuẩn hóa thiết bị đo hàm lượng vàng thì đơn vị nào chịu trách nhiệm, quy định về việc cấm sử dụng những chất gây hại trong nữ trang là như thế nào?