Kiểm soát chặt chẽ việc thành lập doanh nghiệp có vốn ảo

Theo Liêm Chính/Báo Thời Nay

Mỗi năm, có hàng chục nghìn doanh nghiệp được thành lập mới, tạo thêm việc làm cho hàng trăm nghìn lao động và góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển của mọi lĩnh vực trong nền kinh tế và đời sống xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế đã có những doanh nghiệp “ảo” xuất hiện, gây ảnh hưởng tới sự lành mạnh của nhu cầu phát triển kinh doanh.

Các cơ quan quản lý cần có giải pháp quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp thành lập mới.
Các cơ quan quản lý cần có giải pháp quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp thành lập mới.

Hàng ảo là hàng “khủng”

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan quản lý dường như buông lỏng việc kiểm soát số vốn điều lệ của doanh nghiệp mới thành lập. Chính vì vậy, nhiều chuyện khôi hài về những doanh nghiệp trăm nghìn tỷ đã xảy ra.

Vào tháng 6/2019, CTCP Tập đoàn đầu tư và thương mại Toàn Cầu (đăng ký trụ sở kinh doanh tại số 143 phố Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) đăng ký tăng vốn điều lệ lên 127.902,5 tỷ đồng, tương đương 5,5 tỷ USD. Trong đó, một cổ đông nước ngoài là David Aristole Phan (quốc tịch Mỹ) góp tới 51.161 tỷ đồng (tương đương 2,2 tỷ USD), chiếm 40% vốn điều lệ. Ông Bùi Văn Việt, cổ đông nắm 18% vốn điều lệ và là Tổng Giám đốc công ty được biết đến là một người bình thường, không phải đại gia, bán tạp hóa qua ngày. 

Vào tháng 2/2020, ba cổ đông đăng ký thành lập Công ty USC Interco tại xã Liên Hà (huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) với số vốn 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD), sau đó đề nghị hủy hồ sơ thành lập doanh nghiệp với lý do rất khôi hài là “Uống rượu, rồi ghi nhầm vốn đăng ký doanh nghiệp 6,3 tỷ USD”. 

Ngày 20/5/2021, ba cổ đông thành lập hai công ty: CTCP Tập đoàn kinh doanh tự động Toàn Cầu (vốn điều lệ 25.000 tỷ đồng) và CTCP Tập đoàn đầu tư công nghệ tự động Toàn Cầu (vốn điều lệ lên tới 500.000 tỷ đồng) lớn hơn vốn điều lệ của hầu hết các tập đoàn lớn tại Việt Nam. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, sinh năm 1986, địa chỉ thường trú tại TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) lên mạng livestream khẳng định: “Nói thẳng luôn tôi chẳng có tiền gì hết trơn, nhưng tôi có chất xám”. 

Các công ty nêu trên, cho đến thời điểm này đã quá thời hạn góp vốn điều lệ theo quy định, thế nhưng không hề có thông tin từ phía cơ quan quản lý trong việc xử lý các hành vi vi phạm quy định trong việc thành lập doanh nghiệp.

Lợi dụng việc buông lỏng giám sát góp vốn điều lệ của các cơ quan quản lý để thành lập doanh nghiệp, sau đó thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật là điều có thể xảy ra. Trước đây, CTCP rừng Toàn Cầu được thành lập với số vốn điều lệ khoảng 50.000 tỷ đồng nhưng không có vốn góp thực tế. Sau đó, công ty này liên hệ với một số người dân có đất rừng, đề nghị họ đưa giấy tờ đất cho công ty để đổi lại được sở hữu cổ phần của công ty (mặc dù chỉ là giấy lộn). Công ty sử dụng giấy tờ đất của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo. Nhờ sự cảnh báo từ cơ quan công an và các cấp chính quyền cơ sở đối với người dân nên sự việc được ngăn chặn kịp thời. 

Một thí dụ khác là một số đối tượng thành lập công ty với số vốn điều lệ hàng trăm tỷ đồng, sau đó giả mạo hồ sơ để vay vốn, chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Có trường hợp thành lập công ty với số vốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng sử dụng thủ thuật tài chính để tạo vốn góp ảo. Với một số vốn nhỏ nhưng quay vòng góp vốn nhiều lần để hình thành vốn góp thực tế, sau đó qua mặt các cơ quan quản lý, thuế để lập hồ sơ đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, chứng minh năng lực tài chính, tham gia đầu tư các các dự án... 

Chưa bị xử lý

Theo Luật Doanh nghiệp 2020: “Vốn điều lệ là tổng số vốn do chủ sở hữu, các thành viên hoặc cổ đông đã góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ công ty”. Đối với công ty cổ phần, Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong điều lệ công ty”. 

Luật Doanh nghiệp 2020 cũng đã quy định cụ thể các loại tài sản được sử dụng để góp vốn vào công ty, doanh nghiệp. Theo đó, tài sản góp vốn có thể là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam.

Dù không có quy định yêu cầu các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam phải chứng minh vốn điều lệ khi đăng ký kinh doanh, cũng không kiểm tra tiến độ góp vốn của chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, pháp luật quy định chủ sở hữu/thành viên/cổ đông phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. 

Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ, doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư quy định như sau:... Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký và phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Đã đến lúc các cơ quan quản lý, đặc biệt là cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế cần có những giải pháp quản lý chặt chẽ, hạn chế việc thành lập doanh nghiệp với vốn điều lệ ảo nhằm giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.