Kiểm soát rủi ro tín dụng theo Basel II tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Những năm gần đây, sau khi phải đối mặt với những rủi ro lớn gây tổn thất cho ngân hàng, đặc biệt là rủi ro tín dụng xảy ra với tần suất khá cao, giá trị lớn, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã chú trọng nhiều hơn đến hoạt động quản trị rủi ro tín dụng trong kinh doanh và dần tiếp cận tới các chuẩn mực quản trị rủi ro theo Hiệp ước quốc tế Basel II vào hoạt động quản trị rủi ro của mình.
Basel là “sản phẩm” của Ủy ban Basel về Giám sát các ngân hàng với mục tiêu chuẩn hóa các quy định về an toàn vốn trong hoạt động ngân hàng. Basel được xây dựng trên nguyên tắc cơ bản đảm bảo các ngân hàng duy trì đủ nguồn vốn bù đắp cho các khoản lỗ có thể phát sinh từ những rủi ro mà ngân hàng đang nắm giữ. Việc triển khai Basel giúp chuẩn hóa, cải thiện và lành mạnh hóa lĩnh vực ngân hàng thông qua việc áp dụng các chuẩn mực toàn cầu.
Kết quả bước đầu triển khai tại Việt Nam
Tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam, việc áp dụng Hiệp ước Basel II trong quản trị rủi ro tín dụng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện ở khía cạnh sau:
- Nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR):
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là một trong những tiêu chí đánh giá của Basel II về khả năng quản trị rủi ro tín dụng của ngân hàng. Trong những năm qua, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của nhiều NHTM đã cao hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đáng chú ý là NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã vượt tiêu chuẩn quy định của Basel II, trong giai đoạn 2011-2015 tỷ lệ an toàn vốn của Vietcombank vượt xa mức 8% quy định của Basel II và 9% quy định của NHNN.
Đây là kết quả đáng mừng trong công tác quản trị rủi ro của Vietcombank. Tỷ lệ an toàn vốn cao thể hiện năng lực tài chính của Vietcombank tương đối mạnh và ổn định, phù hợp với tiêu chuẩn quy định của Basel II.
Một là, tăng cường chỉ tiêu đo lường khả năng thanh khoản:
Nhiều NHTM Việt Nam đã tăng cường khả năng kiểm soát tình trạng nợ quá hạn ở mức độ cho phép. Đáng chú ý có những ngân hàng như Vietcombank đã vượt kế hoạch đặt ra. Đây là một trong những điểm mạnh trong công tác quản trị rủi ro tín dụng của Vietcombank. Tình hình nợ xấu của Vietcombank là ở mức thấp nhất so với các NHTM khác.
Việc tăng cường chỉ tiêu đo lường khả năng thanh khoản, kiểm soát chặt chẽ tình hình nợ xấu góp phần quan trọng để Vietcombank nói riêng và nhiều NHTM Việt Nam nói chung định lượng được rủi ro cho mọi giao dịch đã và đang phát sinh; góp phần tích cực vào lượng hóa rủi ro, từ đó giúp cho ngân hàng lượng hóa được vốn cần thiết cho mỗi giao dịch.
Hai là, mức dự phòng rủi ro và tổn thất rủi ro:
Theo tiêu chuẩn của Basel II, công tác phân loại, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro là việc làm cần thiết đối với các ngân hàng nhằm chủ động được các rủi ro có thể xảy ra. Hiện tại nhiều NHTM Việt Nam đã thực hiện tốt công tác phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro. Đây là điều rất cần thiết cho các nhà quản trị ngân hàng tại Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh những kết quả quan trọng bước đầu đạt được, việc áp dụng Hiệp ước Basel II trong quản trị rủi ro tín dụng tại một số NHTM Việt Nam hiện đang nổi lên một số hạn chế sau:
Ba là, quy trình cấp tín dụng còn bất cập:
Thực tế cho thấy, tại một số ngân hàng, Phòng khách hàng thực hiện đủ 3 chức năng và chịu trách nhiệm đối với mọi khâu chuẩn bị cho một khoản vay, do đó nhiều công việc tập trung hết một nơi, thiếu sự chuyên sâu dẫn đến chất lượng công tác chưa cao. Việc bộ phận tín dụng vừa là người đi tìm kiếm, tiếp xúc khách hàng, vừa phân tích khách hàng để trình duyệt dẫn đến làm ảnh hưởng đến tính khách quan và có thể tạo ra tiềm ẩn rủi ro cho ngân hàng.
Mặt khác, do hạn chế về tính minh bạch của thông tin khách hàng và năng lực thẩm định của cán bộ tín dụng nên để đảm bảo an toàn cho ngân hàng, quy trình cấp tín dụng ở một số ngân hàng vẫn còn cồng kềnh, phức tạp, quy trình cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như cá nhân hầu như vẫn giống quy trình cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn. Hạn chế nói trên gây lãng phí về nhân lực, tài lực của ngân hàng khi xử lý các khoản tín dụng.
Bốn là, hệ thống đo lường rủi ro tín dụng chưa đồng bộ:
Nghiên cứu cho thấy, hệ thống hỗ trợ đo lường tại một số ngân hàng, phân tích rủi ro tín dụng vẫn còn chưa đồng bộ. Trong quá trình thực hiện xếp hạng tín dụng nội bộ, khả năng phân tích ngành nghề còn hạn chế, chưa có các bộ tiêu chuẩn về từng ngành, chưa đưa ra được các cảnh báo và định hướng cho hoạt động tín dụng, để hạn chế đầu tư vào những ngành, thành phần kinh tế làm ăn kém hiệu quả.
Phương pháp xếp hạng nhiều khi còn mang tính chủ quan, định tính, dựa trên sự đánh giá của cán bộ tín dụng trực tiếp quản lý. Xuất phát từ việc thiếu hệ thống đo lường trên mà chiến lược hoạt động, chính sách, thủ tục, quyết định tín dụng cũng như xác định lãi suất cho vay nhiều khi chung chung, chưa có căn cứ định lượng cụ thể nên tính khoa học, chính xác chưa cao.
Căn nguyên của những hạn chế
Những hạn chế của việc áp dụng Hiệp ước Basel II trong quản trị rủi ro tín dụng tại một số NHTM cổ phần hiện nay chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Những nguyên nhân khách quan
Nội dung Basel II quá phức tạp: Một trong những trở ngại lớn nhất với việc tiếp cận các quy tắc trong hiệp ước Basel là sự khác biệt về ngôn ngữ. Ngôn ngữ được thể hiện trong hiệp ước Basel là tiếng Anh, hoàn toàn chưa có một tài liệu nghiên cứu hoặc dịch thuật chính thức nào bằng tiếng Việt. Mỗi văn bản ban hành từ Ủy ban Basel, kể cả văn bản chính thức lẫn văn bản bổ sung, hướng dẫn đều có độ dài từ 400 đến hơn 500 trang, phần lớn là thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu, là những từ mới và khó.
Ngoài ra, một khối lượng đồ sộ các văn bản của Basel với nhiều công thức phức tạp, chưa gần gũi với thực tế hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng là lý do để các chuyên gia tập trung thời gian tìm hiểu và nghiên cứu.
Chi phí thực hiện ứng dụng Basel II lớn: Đối với các ngân hàng quốc tế lớn, họ đã áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro gần tương thích với Basel II và có thể tiết kiệm chi phí qua quy mô hoạt động. Đối với các nước đang phát triển, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn hơn vì chuyển sang áp dụng kỹ thuật Basel II rất tốn kém, các ngân hàng cỡ nhỏ khó có thể chịu được chi phí cố định liên quan đến việc nâng cấp ngân hàng.
Theo ước tính, nếu thực hiện, các NHTM cỡ nhỏ phải tốn xấp xỉ 10 triệu USD, tương đương với 160 tỷ đồng Việt Nam, khoảng 15% vốn điều lệ của các NHTM cổ phần. Trong khi đó, nếu là ngân hàng lớn, chi phí vận hành hệ thống Basel có thể lên đến 200 triệu USD, tương đương với 3.200 tỷ đồng Việt Nam, cao hơn mức vốn pháp định của các NHTM Nhà nước theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP của Chính phủ về ban hành danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng.
Yêu cầu của Basel II về vốn cao: Mặc dù tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu trong Basel II vẫn giữ mức 8% nhưng trên thực tế, các ngân hàng phải duy trì mức vốn cao hơn so với mức quy định ở Basle I bởi phải bổ sung thêm vốn để dự phòng các rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Điều này rất bất lợi cho các NHTM Việt Nam vì rủi ro hoạt động cũng như rủi ro thị trường thấp hơn các ngân hàng quốc tế lớn, phạm vi hoạt động của các ngân hàng tương đối hẹp.
Những nguyên nhân chủ quan
Chưa có văn bản hướng dẫn về việc thực hiện Basel II: Theo quy định trong hiệp ước Basel II, các NHTM được lựa chọn 1 trong 3 phương pháp đánh giá rủi ro tín dụng và tính toán tỷ lệ an toàn vốn theo từng phương pháp với sự đồng ý của cơ quan giám sát, phù hợp với năng lực hiện tại của từng ngân hàng. Hiện nay, ở Việt Nam chưa có văn bản hướng dẫn về việc thực hiện một trong 3 phương pháp này đối với các NHTM hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu: Theo các điều khoản và điều kiện về việc ứng dụng phương pháp tiếp cận dựa trên dánh giá nội bộ (IRB), Ủy ban Basel yêu cầu duy trì và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về các khách hàng vay của mình theo đặc điểm, các xếp hạng, quy trình quản lý, hạng mức tín nhiệm… Đạt được những tiêu chuẩn khắt khe này là không dễ với các NHTM Việt Nam.
Đặc biệt, khi muốn sử dụng được phương pháp IRB thì phải duy trì thông tin về xếp hạng tín nhiệm trong lịch sử của khách hàng bao gồm điểm số, ngày xếp hạng phương pháp xếp hạng và các thông tin quan trọng được sử dụng cho việc xếp hạng, người chịu trách nhiệm xếp hạng.
Một số giải pháp
Nhằm tăng cường hoạt động quản trị rủi ro tín dụng trong kinh doanh và dần áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo Hiệp ước quốc tế Basel II tại các NHTM Việt Nam, cần quan tâm đến một số giải pháp như sau:
Một là, tăng cường hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong quản trị rủi ro tín dụng. Nâng cao trách nhiệm và vai trò kiểm tra, kiểm soát nội bộ là biện pháp để ngăn ngừa những rủi ro tiềm tàng có thể xảy ra. Thông qua hoạt động kiểm soát có thể phát hiện, ngăn ngừa và chấn chỉnh những sai sót trong quá trình thực hiện nghiệp vụ tín dụng. Bên cạnh đó, cần chú trọng tăng cường hoạt động kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn những rủi ro đạo đức do cán bộ tín dụng gây ra.
Hai là, tăng cường năng lực tài chính. Để gia tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản (ETA), tăng quy mô vốn điều lệ, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn mực quốc tế, quy định của NHNN và tiêu chuẩn của Basel II, các NHTM Việt Nam cần xác định một tỷ lệ thích hợp lợi nhuận ròng được giữ lại hàng năm, để tăng vốn điều lệ và hình thành nên một ngân hàng có năng lực tài chính lớn hơn. Việc gia tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu cần có lộ trình và phương pháp phù hợp với tình hình cụ thể của từng ngân hàng, tránh gây áp lực trong việc duy trì suất sinh lời cho chủ đầu tư.
Các NHTM cần chú trọng đến việc mở rộng quy mô hoạt động, cải tiến công nghệ và nâng cao hiệu quả hoạt động của quy trình quản trị rủi ro giúp ngân hàng phát triển ổn định, bền vững, tận dụng lợi thế nhờ quy mô nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Để mở rộng quy mô, các NHTM cần xác định rõ hướng đi và hoạt động kinh doanh chính để tập trung các nguồn lực hiện có phục vụ cho mục tiêu ưu tiên này.
Cần tránh phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh doanh khác như bất động sản, bảo hiểm và cho thuê tài chính quá nhiều... từ đó có thể phân bổ lại các nguồn lực đầu vào như quy mô tài sản cố định, quy mô tổng tiền gửi khách hàng để sử dụng có hiệu quả nhất.
Ba là, xử lý các tồn đọng về tài chính. Xử lý các tồn đọng về tài chính bao gồm xử lý nợ xấu và thoái vốn tại các tổ chức tín dụng do sở hữu chéo. Để đáp ứng các yêu cầu, các NHTM Việt Nam cần đánh giá chính xác thực trạng nợ quá hạn và nợ xấu tại ngân hàng mình, xác định đúng bản chất để xử lý nợ xấu bằng việc chủ động thu hồi nợ, giảm dần nợ quá hạn (nhóm 2) và nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5).
Cần phân loại chi tiết nợ xấu theo các tiêu chí nợ xấu do tác động khách quan, do chủ quan; phân loại theo mức độ rủi ro; phân loại nợ xấu theo các lĩnh vực nợ xấu để có các biện pháp xử lý phù hợp theo từng tiêu chí. Xây dựng kế hoạch, có lộ trình chi tiết để triển khai đảm bảo thoái vốn đúng quy định, góp phần tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động ngân hàng, hạn chế rủi ro do sự chi phối qua sở hữu chéo, giúp ngân hàng hoạt động an toàn hơn.
Bốn là, cải tiến quy trình quản trị rủi ro tín dụng. Quy trình quản trị rủi ro phải được thực hiện đối với riêng từng rủi ro và đối với toàn bộ danh mục rủi ro.
Theo ước tính, nếu vận hành hệ thống Basel, các ngân hàng thương mại cỡ nhỏ phải tốn xấp xỉ 10 triệu USD, tương đương với 160 tỷ đồng Việt Nam, khoảng 15% vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần. Trong khi đó, nếu là ngân hàng lớn, chi phí vận hành hệ thống Basel có thể lên đến 200 triệu USD, tương đương với 3.200 tỷ đồng Việt Nam.
Nâng cao chất lượng phân tích tình hình tài chính và phát triển hệ thống cảnh báo sớm những tiềm ẩn trong hoạt động của ngân hàng mình, gồm phân tích báo cáo tài chính và xác định các “điểm” nhạy cảm; Phát triển và thống nhất cách thức giám sát ngân hàng trên cơ sở lý luận và thực tiễn; Xây dựng cách tiếp cận tới công việc đánh giá chất lượng quản lý rủi ro trong nội bộ ngân hàng; Nâng cao kỹ thuật trong trích lập dự phòng rủi ro; Xây dựng hệ thống và các biện pháp kiểm soát luồng vốn quốc tế và nợ nước ngoài.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam”;
2. Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 của NHNN; Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của NHNN.