Kiểm soát sự tùy tiện trong đấu thầu qua mạng
Ngày 1/3/2018, Thông tư 04/2017/TT-BKH (TT04) quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chính thức có hiệu lực.
Trước lo ngại của nhiều bên mời thầu về sự tùy tiện của nhà thầu (về việc yêu cầu làm rõ hồ sơ mời thầu, khai báo năng lực, kinh nghiệm)… trong quá trình tham gia dự thầu qua mạng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, TT04 đã có một số chế tài, Hệ thống có một số tính năng giúp kiểm soát sự tùy tiện này của nhà thầu.
Nhà thầu tự khai báo năng lực, kinh nghiệm
Ông Nguyễn Bảo Long thuộc Cục Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng cho biết, khi TT04 có hiệu lực, các gói thầu thực hiện theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ đã có thể thực hiện được đối với đấu thầu qua mạng (ĐTQM). Tính trung thực của hồ sơ dự thầu (HSDT) qua mạng lúc này do chính các nhà thầu (NT) tự khai báo theo mẫu webform. Ở đây dẫn tới trường hợp, NT khai báo năng lực, kinh nghiệm thì chắc chắn 100% là đạt yêu cầu của HSMT. Khi đó, ông Long lo ngại, nếu việc đánh giá chỉ dựa vào khai báo thì NT nào cũng đạt về năng lực, kinh nghiệm nhưng đến khi kiểm tra, đánh giá các tài liệu đối chiếu thì lại không đạt yêu cầu. “Do đó, cần thiết phải nghiên cứu cơ chế để đánh giá sự khai báo về năng lực, kinh nghiệm cũng như các tài liệu chứng minh của NT” – ông Long đề xuất.
Đồng thuận với quan điểm trên, ông Trần Xuân Thọ, chuyên gia đấu thầu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhấn mạnh về các tài liệu chứng minh năng lực, kinh nghiệm của NT là rất cần thiết trong giai đoạn chuẩn bị HSDT. Thực tế, nhiều NT đưa ra các hợp đồng tương tự giả mạo sẽ gây khó khăn cho việc lựa chọn đúng NT đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm. Chuyên gia này cho rằng, phải yêu cầu NT cung cấp tài liệu chứng minh năng lực, kinh nghiệm ngay trong giai đoạn dự thầu.
Chia sẻ về vấn đề hợp đồng tương tự, ông Phan Doãn Khánh thuộc Ban Quản lý đấu thầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin, tại EVN có phần mềm theo dõi dữ liệu NT thông qua việc các đơn vị thành viên ký kết hợp đồng và đánh giá các hợp đồng đó hàng năm. Trên cơ sở đó, EVN biết được NT nào, đối tác nào thực hiện hợp đồng với EVN có uy tín.
Với kinh nghiệm đó, cán bộ của EVN đề nghị, song song với thông tin có trên mạng, dữ liệu NT trên mạng (tên NT, thông tin NT), Hệ thống cần có dữ liệu thông tin về năng lực NT thông qua các hợp đồng mà NT đã ký kết. Điều này sẽ giúp các chủ đầu tư/bên mời thầu (CĐT/BMT) tham khảo, biết được năng lực thực tế của các NT trên mạng.
Nhiều chế tài để kiểm soát
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, ưu điểm của ĐTQM là thủ tục nhanh gọn và vì nhanh gọn nên ban đầu chỉ chấm thầu về năng lực, kinh nghiệm dựa trên các kê khai của NT. Sau đó, khi NT được xếp hạng thứ nhất về năng lực, kinh nghiệm bước vào thương thảo hợp đồng thì sẽ được tổ chuyên gia chấm thầu/BMT yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh. “TT04 không cấm các CĐT/BMT yêu cầu NT cung cấp các tài liệu chứng minh trong quá trình đánh giá HSDT. Việc quy định xuất trình những tài liệu đối với NT xếp thứ nhất để cho quá trình chấm thầu được nhanh gọn hơn” – bà Hằng khẳng định.
Song, để đảm bảo tính chặt chẽ của pháp luật, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết, các NT phải có trách nhiệm với việc kê khai năng lực, kinh nghiệm của mình. Trường hợp phát hiện gian lận sẽ bị xử lý rất nặng, tới mức cấm tham gia đấu thầu. “Đối với NT thì việc bị cấm tham gia đấu thầu là tối kỵ. Cho nên khi tham dự thầu, trước những chế tài mạnh mẽ này thì NT sẽ không thể tùy tiện thích kê khai gì thì kê khai”.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết thêm, việc có được dữ liệu, thông tin về lịch sử các hợp đồng đã thực hiện trước đây của NT là việc mà Hệ thống muốn hướng tới. Học hỏi kinh nghiệm ở Mỹ, họ có hệ thống tập hợp những thông tin chính của hợp đồng mà các NT đã từng thực hiện. Khi đó, có thể tra cứu NT đã từng trúng thầu ở đâu, CĐT/BMT đánh giá như thế nào về NT này. Thậm chí, ngoài việc CĐT/BMT đánh giá về NT thực hiện tốt hay không tốt thì NT cũng có quyền phản hồi lại các ý kiến đánh giá này của CĐT/BMT. Hiện, Bộ KH&ĐT đang được một số tổ chức tài trợ để xây dựng hệ thống dữ liệu về hợp đồng công khai. Hy vọng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sẽ sớm có tính năng này trong tương lai.
Ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm ĐTQM quốc gia cho biết, Hệ thống sắp tới sẽ có những chức năng rất “kín” trong việc NT gửi yêu cầu làm rõ HSMT đối với ĐTQM. Hiện nay, khi NT muốn BMT làm rõ HSMT thì có thư, văn bản ký đóng dấu gửi trực tiếp tới BMT. Tuy nhiên, trên thực tế, người đại diện pháp luật của NT có thể giao chứng thư số của NT cho một cán bộ phụ trách. Khi tham gia ĐTQM, cán bộ này có thể gửi các yêu cầu làm rõ qua Hệ thống (như gửi email) thì có thể phát sinh sự tùy tiện, gây bất lợi cho CĐT/BMT. Do đó, Hệ thống sẽ thiết kế tính năng mỗi khi NT gửi câu hỏi làm rõ HSMT thì nội dung đó cũng được Hệ thống tự động email cho người đại diện pháp luật của NT đó.