Kiểm toán Nhà nước chủ động hội nhập
Để đạt mục tiêu đến năm 2020 trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực, quy trình và phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ; chủ động hội nhập quốc tế, đặc biệt là hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021.
Kiến nghị xử lý tài chính hơn 353 nghìn tỷ đồng
Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả mà KTNN đạt được thời gian qua trong thực hiện mục tiêu tăng cường minh bạch ngân sách nhà nước?
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức. |
KTNN đã cung cấp nhiều thông tin, kiến nghị quan trọng và kịp thời để QH xem xét, phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu, dự án quan trọng quốc gia; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho Chính phủ, cơ quan quản lý sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính công và kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế.
Thông qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện những hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và kiến nghị các đơn vị được kiểm toán có biện pháp khắc phục; đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hàng trăm văn bản có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công không phù hợp với thực tiễn hoặc trái với quy định, tạo lỗ hổng, gây thất thoát nguồn lực công.
Giai đoạn 2011 - 2017, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 669 văn bản. Qua đó, góp phần quan trọng làm minh bạch ngân sách nhà nước, quản lý tài chính công, tài sản công hiệu quả và lành mạnh nền tài chính quốc gia cũng như phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Để có được những kết quả trên, KTNN đã triển khai những hoạt động cụ thể nào, thưa ông?
KTNN luôn chủ động cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua xây dựng và triển khai các đề án, chương trình hành động, kế hoạch công tác kịp thời, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện đặc thù của KTNN.
Đặc biệt là việc lựa chọn đúng chủ đề kiểm toán, những lĩnh vực nhiều lỗ hổng, dễ xảy ra thất thoát được xã hội quan tâm, như: BOT, BT, đất đai, xây dựng cơ bản...
Đồng thời, chú trọng đào tạo chuyên môn, nâng cao đạo đức, bản lĩnh chính trị, văn hóa ứng xử cho đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên; bảo đảm tất cả hoạt động của kiểm toán viên theo hướng Công minh - Chính trực - Nghệ tinh - Tâm sáng.
Trong quá trình kiểm toán, Tổng KTNN đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, đồng thời thường xuyên quán triệt, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc kết quả thực hiện.
Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu lực kiểm toán, nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Ngành cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động kiểm toán và áp dụng công nghệ cao trong kiểm toán một số lĩnh vực như đầu tư xây dựng cơ bản, tài nguyên, khoáng sản...
Bên cạnh đó, lãnh đạo KTNN luôn quan tâm, phát động phong trào đăng ký và bình chọn các cuộc kiểm toán đạt chất lượng vàng để kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASOSAI
KTNN sẽ thực hiện những giải pháp gì để đạt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng KTNN thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa đất nước, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, thưa ông?
Để đạt được các mục tiêu như Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2020 đã đề ra, KTNN luôn bám sát nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào tổ chức và hoạt động của KTNN, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, QH và Chính phủ để KTNN luôn hoạt động đúng định hướng, phục vụ tốt nhất việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
KTNN tiếp tục hoàn thiện đầy đủ khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực, quy trình và phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ cho tổ chức và hoạt động kiểm toán.
Trong đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN 2015, bảo đảm tổ chức và hoạt động của KTNN độc lập, hoạt động hiệu quả, trở thành công cụ quan trọng, hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát tài chính công và tài sản công.
Đồng thời, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mỗi kiểm toán viên là một chuyên gia trong kiểm toán lĩnh vực được giao.
KTNN sẽ tập trung thu hút nhân tài, nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, chuyên gia các lĩnh vực và tăng cường đào tạo thường xuyên, liên tục để nâng cao năng lực cho cán bộ, kiểm toán viên; chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán.
Cùng với đó, ngành sẽ chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KTNN. Trong đó, tăng cường mối quan hệ hợp tác chiến lược với một số cơ quan kiểm toán tối cao có thế mạnh trên một số lĩnh vực; đẩy mạnh trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ nhằm tăng cường năng lực cho KTNN.
Đặc biệt, KTNN sẽ nỗ lực hoàn thành tốt vai trò là Chủ tịch Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018 - 2021, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của quốc gia trên trường quốc tế.
Xin cảm ơn ông!