Phát triển kiểm toán môi trường: Hướng đi phù hợp với thông lệ quốc tế

Theo Thành Nam/daibieunhandan.vn

Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường, suy giảm sinh học và biến đổi khí hậu. Điều đó đòi hỏi sự hợp tác, các giải pháp chung trong khu vực và trên toàn thế giới. Với nhận thức trên, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để kiểm toán môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng về kiểm toán môi trường

Môi trường và phát triển bền vững hiện không chỉ là vấn đề riêng của mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn đề toàn cầu, đang được hầu hết các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm. Ở Việt Nam, vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, mặc dù có phần đi sau so với cộng đồng thế giới nhưng được quan tâm sâu sắc.

Hàng năm, ngân sách nhà nước và các nguồn lực lớn của nhân dân và các tổ chức đã đầu tư cho việc bảo vệ môi trường. Vấn đề đặt ra cấp thiết hiện nay là làm sao giám sát, kiểm soát việc quản lý và sử sụng các nguồn lực đó cho hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường.

Bước vào năm 2008, KTNN quyết định thành lập nhóm công tác về kiểm toán môi trường, đưa nội dung về kiểm toán môi trường vào kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2022. Có thể nói, đây là một bước phát triển quan trọng trong hoạt động của KTNN với cách tiếp cận phát triển các loại hình, lĩnh vực kiểm toán mới phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế.

Cho đến nay, KTNN đã thực hiện một số các cuộc kiểm toán có nội dung liên quan đến môi trường như: Kiểm toán Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng; Dự án xử lý nước thải, chất thải rắn và bảo vệ môi trường TP. Hội An; các vấn đề về nước sông Mê Kông... bước đầu đã có kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, các cuộc kiểm toán nói trên vẫn chủ yếu được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ nhưng chưa có cuộc kiểm toán môi trường theo đúng nghĩa; chưa có một tổ chức bộ máy cơ sở pháp lý, quy trình, hướng dẫn đầy đủ cho hoạt động kiểm toán môi trường ở KTNN.

Trong khi nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống con người và làm hủy hoại đến môi trường, ô nhiễm ngày càng trở nên bức xúc với lợi ích cộng đồng, xã hội như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí...

Xác định trách nhiệm và vai trò

Trước những thách thức đó, KTNN đã xác định trách nhiệm và vai trò của mình trong việc bảo vệ môi trường nói riêng và thúc đẩy phát triển bền vững nói chung.

Sau khi trở thành thành viên Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của ASOSAI, KTNN đã nghiên cứu, thiết lập bộ máy và triển khai thí điểm các cuộc kiểm toán về môi trường.

Đây là các cuộc kiểm toán nhằm đánh giá công tác quản lý môi trường đối với các khu công nghiệp của địa phương; việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi nilon thông thường tại TP. Hồ Chí Minh… Qua kiểm toán bước đầu phát hiện và kiến nghị một số bất cập trong quản lý của cơ quan nhà nước đối với các hoạt động tiềm ẩn rủi ro tác động xấu tới môi trường.

Đây là tiền đề để KTNN tổ chức đúc kết kinh nghiệm, nghiên cứu ưu, nhược điểm của các phương pháp tổ chức kiểm toán môi trường hiện nay, từ đó có giải pháp hoàn thiện và tổ chức hiệu quả hoạt động của lĩnh vực này.

Đồng thời, KTNN thực hiện đánh giá tác động môi trường thông qua việc lồng ghép trong các cuộc kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ.

Trong đó, thực hiện đánh giá tác động của các vấn đề môi trường đến báo cáo tài chính; việc tuân thủ các quy định về quản lý môi trường của các dự án, đơn vị được kiểm toán; đánh giá rủi ro về môi trường trong hệ thống kiểm soát nội bộ và hệ thống kiểm soát môi trường của đơn vị được kiểm toán.

Việc đánh giá tác động môi trường trong kiểm toán tuân thủ và kiểm toán tài chính đã góp phần hỗ trợ kiểm toán viên đạt được các mục tiêu kiểm toán đề ra, mặt khác cũng là cơ sở để kiểm toán viên đưa ra các kết luận, kiến nghị và giải pháp về các vấn đề môi trường nói riêng và phát triển bền vững nói chung. Đây cũng là cơ sở để KTNN tiếp tục nghiên cứu vận dụng mở rộng lồng ghép đánh giá tác động môi trường trong các cuộc kiểm toán thời gian tới.

KTNN cho rằng, cần phải tăng cường hợp tác quốc tế về kiểm toán môi trường, vì đây là lĩnh vực mới, liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới.

KTNN đã triển khai nhiều giải pháp về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán môi trường để vừa học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm vừa phối hợp thực hiện các mục tiêu kiểm toán chung, trong đó phải kể đến các nỗ lực về tổ chức kiểm toán phối hợp với Lào, Campuchia đối với cuộc kiểm toán các vấn đề nước sông Mê Kông; tham gia hội thảo và chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia trong khu vực về kiểm toán môi trường.

Đặc biệt, KTNN Việt Nam đã đề xuất và được cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á chấp thuận chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” cho Đại hội ASOSAI 14 tại Việt Nam.

Đây cũng là cơ hội để KTNN tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực kiểm toán môi trường, đồng thời thể hiện nỗ lực, đóng góp thiết thực của KTNN Việt Nam đối với công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của thế giới nói chung và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu nói riêng.