TP. Cần Thơ:

Kiện toàn nhân lực, kết nối giữ vững chuỗi cung ứng giai đoạn bình thường mới

Theo Minh Huyền/Báo Cần Thơ

Ngày 22/9/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1579/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cảng biển Cần Thơ trong đó có khu bến Cái Cui và khu bến Hoàng Diệu (Bình Thủy) trực thuộc Công ty Cổ phần (CTCP) Cảng Cần Thơ thuộc nhóm cảng biển số 5 và là cảng biển loại một với khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 20.000 tấn.

Bốc xếp thiết bị điện gió thuộc nhóm hàng siêu trường, siêu trọng nhập khẩu từ nước ngoài về bến cảng Cái Cui.
Bốc xếp thiết bị điện gió thuộc nhóm hàng siêu trường, siêu trọng nhập khẩu từ nước ngoài về bến cảng Cái Cui.

Là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực khai thác cảng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Cảng Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực trong việc khẳng định vai trò là cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối tiếp nhận các luồng tàu xuất nhập khẩu và kết nối nội địa của nhóm cảng biển số 5 theo quy hoạch của Chính phủ. 

Với vị trí chiến lược nằm ở TP. Cần Thơ, trung tâm vùng ĐBSCL, được kết nối thuận lợi với hạ tầng đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ và nằm cách Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ khoảng 1,5km, Cảng Cần Thơ phục vụ vùng kinh tế rộng lớn với các trung tâm sản xuất nông, thủy, hải sản lớn nhất nước và cũng là thị trường tiêu dùng lớn với hơn 18 triệu dân.

Theo ông Lâm Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Cảng Cần Thơ, trong bối cảnh các tỉnh, thành khu vực phía Nam đang quyết tâm khôi phục dần các hoạt động sản xuất, kết nối lại chuỗi cung ứng hàng hóa nội địa lẫn xuất khẩu sau thời gian chịu tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư, Cảng Cần Thơ đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức để khẳng định vai trò cảng biển chiến lược quốc gia tại vùng ĐBSCL.

Để phục vụ khách hàng hiệu quả, cung cấp dịch vụ  chủ động, kịp thời, nhanh chóng trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Cảng Cần Thơ khẳng định phương châm tập trung khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng hiện hữu gắn với xây dựng, kiện toàn đội ngũ nhân công chuyên làm nhiệm vụ bốc xếp hàng hóa tại cảng.

CTCP Cảng Cần Thơ đang lên kế hoạch sắp xếp, kiện toàn mọi hoạt động của 2 cảng trực thuộc, hướng đến sự đồng bộ, thông suốt và chuyên nghiệp khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Là cảng biển tổng hợp, Khu bến Hoàng Diệu và khu bến Cái Cui tập trung các loại hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu gồm hàng rời, hàng đóng container, hàng đóng bao như gạo, thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng… Vào các giai đoạn cao điểm, tại mỗi bến cảng có thể tập trung trên 100 công nhân bốc xếp hàng hóa.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giãn cách xã hội kéo dài các tỉnh, thành khu vực phía Nam, hoạt động lưu thông hàng hóa qua cảng sụt giảm đáng kể. Lực lượng nhân công bốc xếp cũng giảm khoảng 80%, một bộ phận nhân công do về quê tránh dịch, nay chưa thể quay lại làm việc ngay. Nay TP. Cần Thơ và các địa phương trong vùng ĐBSCL đang mở cửa, khôi phục sản xuất kinh doanh, triển khai các dự án đầu tư công, dự báo lượng hàng hóa qua cảng Cần Thơ sẽ tăng trong quý IV và nhu cầu về nhân công bốc xếp hàng hóa sẽ tăng đáng kể.

Ông Lâm Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Cảng Cần Thơ, cho biết: giãn cách xã hội kéo dài ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của người lao động tại Cảng, nhất là lực lượng bốc xếp. Vì vậy, CTCP Cảng Cần Thơ đang tập trung vào giải pháp ổn định lực lượng lao động thông qua việc thành lập thành Đội bốc xếp chuyên nghiệp trực thuộc Công ty thay vì thuê từ các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân bên ngoài cảng.

Đội ngũ này được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản sẽ đáp ứng đầy đủ các quy trình bốc xếp hàng hóa tại cảng đảm bảo cho việc xếp dỡ hàng hóa được thực hiện an toàn, nhanh chóng, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giao nhận hàng hóa tại cảng, giúp dòng lưu chuyển hàng hóa thông suốt, thuận lợi, đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng chống dịch.

Cảng Cần Thơ với năng lực xếp dỡ đạt 10.000 tấn/ngày. Hệ thống cầu cảng gồm 4 cầu cảng biển, tổng chiều dài 667m có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 DWT; 1 cầu cảng sông 200m, có khả năng tiếp nhận sà lan 1.000DWT và 2 bến phao có khả năng tiếp nhận tàu biển 15.000DWT. Hệ thống kho gồm 15 kho với diện tích từ 450m2 đến 3.024m2. Tổng diện tích kho lên đến 36.049,8m2 có khả năng lưu trữ 85.500 tấn hàng hóa/ngày. Hệ thống bãi chứa hàng diện tích bãi bê tông 104.087m2, diện tích bãi mềm 162.000m2 cùng lúc có thể tiếp nhận 207.870 tấn hàng hóa các loại.