Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bến Tre năm 2024 đạt mốc ấn tượng


Năm 2024, trong bối cảnh tình hình chiến sự ở một số nước trên thế giới đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của tỉnh Bến Tre bị thu hẹp, chi phí logistics tăng cao do phải đi vòng, giá dừa trong năm thấp. Đến cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,75 tỷ USD.

Sản xuất nước dừa đóng hộp tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Khu công nghiệp An Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Ảnh: Thạch Thảo
Sản xuất nước dừa đóng hộp tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Khu công nghiệp An Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Ảnh: Thạch Thảo

Ngành dừa chiếm ưu thế

Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của tỉnh đạt 1.750 triệu USD, tăng 20,27% so với năm 2023 và đạt 100% kế hoạch năm. Trong đó, các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.240 triệu USD, tăng 17,39%. Các DN trong nước đạt 510 triệu USD, tăng 27,91%.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh đều tăng so với chỉ tiêu. Cụ thể, thủy hải sản xuất khẩu đạt 107% kế hoạch năm (kế hoạch 36 ngàn tấn, thực hiện 38,6 ngàn tấn). Các sản phẩm xuất khẩu như: cơm dừa nạo sấy, nước cốt dừa, nước dừa đóng lon, than hoạt tính đều tăng so với năm 2023. Dệt may, da giày xuất khẩu đạt 680 triệu USD; túi xách xuất khẩu đạt 154 triệu USD; điện tử - linh kiện 207 triệu USD.

Thị trường xuất khẩu, gồm: Các nước châu Á chiếm tỷ trọng 49,16%, tương đương 860,38 triệu USD và tăng 16,54% so với cùng kỳ năm trước. Các nước khu vực châu Mỹ (chủ yếu Mỹ, Canada) chiếm 31,69%, tương đương 554,61 triệu USD và tăng 24,1%. Các nước EU chiếm tỷ trọng 13,15%, tương đương 230,16 triệu USD và tăng 14,82%.

Đóng góp cho tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bến Tre năm 2024 phải kể đến các mặt hàng chế biến từ dừa. Ông Cù Văn Thành - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, cho hay: “Năm 2024, tình hình xuất khẩu của tỉnh khá tốt về doanh thu, đúng như những gì tỉnh ghi nhận. Trong đó, có sự đóng góp của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Năm 2024, xuất khẩu của công ty tăng trưởng tốt, vượt chỉ tiêu so với năm 2023 đến 76% doanh thu xuất khẩu. Mặt hàng xuất khẩu nổi trội là nước cốt dừa, nước dừa, sữa dừa đóng hộp”.

Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh Bến Tre Cù Văn Thành lý giải nguyên nhân doanh thu xuất khẩu tăng là do sau dịch Covid-19, vấn đề lạm phát xảy ra khiến thị trường tiêu thụ chậm. Đến nay, thị trường đã khởi sắc, do đó các DN đã tăng cường sản xuất, dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu. Vì thế, cuối năm 2024 và đầu năm 2025, giá dừa nguyên liệu tại tỉnh tăng cao.

Có thể nói là tăng cao nhất trong lịch sử của ngành hàng dừa. Giá dừa năm 2024 và hiện tại tăng cao vì sản lượng dừa sụt giảm do biến đổi khí hậu. Tất cả các nhà máy chế biến dừa trong nước và ngoài nước đồng loạt thu mua do nhu cầu thế giới tăng, đơn hàng tăng. Hiện tại, giá dừa hữu cơ (tùy độ lớn - nhỏ của dừa) dao động từ 130 - 180 ngàn đồng/chục (12 trái), không còn giá vài chục ngàn đồng/chục như trước nữa.

Kim ngạch xuất khẩu tăng

Những tín hiệu xuất khẩu các mặt hàng dừa đang rất khả quan. Tuy nhiên, vấn đề thiếu nguyên liệu cũng khiến DN xuất khẩu dừa lo lắng. Dù biết giá nguyên liệu tăng cao, sản xuất tốt, có thể DN sẽ không có lời, nhưng các DN vẫn đón nhận các đơn hàng.

“Lịch sử cây dừa ở Bến Tre từng chịu nhiều thăng trầm, nhưng khi hội nhập càng sâu, thì công nghệ chế biến được các DN đầu tư để chế biến sâu và đa dạng thị trường. Trong đó, có các thị trường mới từ hiệp định của Chính phủ ký kết với các nước như châu Âu và các nước có hiệp định thương mại song phương và đa phương với Việt Nam. Nhờ đó, thuế quan được dở bỏ, lợi thế về xuất khẩu cho nông sản cũng được ưu ái. Thị trường xuất khẩu của tỉnh được rộng mở. Kéo theo là đòi hỏi phải sản xuất chất lượng cao. Vì thế, dừa phải được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Do đó, người dân muốn ra biển lớn, muốn làm ăn dài hơi là phải tham gia chuỗi liên kết để “mua có bạn, bán có phường”. Hiện giá dừa đang tăng cao nhưng chúng tôi vẫn sản xuất và tiếp nhận các đơn hàng, vì mình làm thì phải làm tới thôi... ”, ông Cù Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới cho biết thêm.

Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, kim ngạch nhập khẩu năm 2024 ước đạt 480 triệu USD, tăng 15,94% so với cùng kỳ và đạt 96% so với kế hoạch năm. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là các nguyên phụ liệu cho sản xuất tại tỉnh như: nguyên liệu sản xuất dây điện, nguyên phụ liệu may, nguyên liệu dược, dược phẩm...

Hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp so với kế hoạch năm 2024, có 3 sản phẩm công nghiệp chủ yếu thực hiện vượt kế hoạch: nước dừa đóng lon vượt 96,87%; nước cốt dừa vượt 19,6%, túi xách da vượt 10,77%. Sản phẩm chủ yếu thực hiện kế hoạch đạt thấp: chỉ xơ dừa 24,31%; bộ dây điện ô tô 59,94%.

Ngày 14/1/2025, tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 của Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam phát biểu: “Đến cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,75 tỷ USD, một con số “ấn tượng”. Bởi trước đây, tỉnh từng mơ ước là làm sao xuất khẩu được 1 tỷ USD, nhưng hiện tại đã vượt con số mơ ước đến 750 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đang đứng thứ 3 của đồng bằng sông Cửu Long, chỉ sau Long An và Tiền Giang. Phải khẳng định đây là con số rất ấn tượng trong phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2024”. 

 

Bến Tre ghi nhận hoạt động xuất khẩu ở nhóm hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 1.469,7 triệu USD, tăng 19,31% so với cùng kỳ. Nhóm hàng rau quả đạt 180 triệu USD, tăng 26,85%. Hàng thủy hải sản chế biến, với 100,26 triệu USD, tăng 23,44%. Đa số các sản phẩm xuất khẩu có tăng khá so với cùng kỳ năm trước như thủy sản các loại tăng 11,41%; nước cốt dừa tăng 10,3%; dệt may tăng 7,88%; túi xách tăng 12,7%; bộ dây điện tăng 17,93%…

Theo Thạch Thảo/ Báo Đồng Khởi