Kinh nghiệm phòng chống tham nhũng của Cộng hòa Phần Lan
(Tài chính) Ngày nay, tham nhũng đã trở thành một vấn nạn của hầu hết các quốc gia trên thế giới, gây ra những tác hại lớn cho đời sống chính trị, kinh tế và xã hội. Phần Lan là một trong những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất trên thế giới, vì vậy Việt Nam có thể tham khảo những kinh nghiệm của quốc gia này để áp dụng vào quá trình đấu tranh phòng và chống tham nhũng.
Cộng hòa Phần Lan là quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu, có dân số khoảng 5,4 triệu người, nhưng có tổng sản phẩm quốc nội vào loại cao trong khu vực: 238,75 tỷ USD (2010). Số liệu thống kê cho thấy, số lượng tội phạm tham nhũng ở Phần Lan tương đối thấp từ năm 1925 đến năm 2007.
Theo thống kê, trong những năm Chiến tranh thế giới thứ II, số vụ án tham nhũng ở Phần Lan tăng đột biến. Một trong những nguyên nhân là do tình trạng khan hiếm lương thực. Đến những năm 80 của thế kỷ XX, một lần nữa, số vụ án tham nhũng bị đem ra xét xử lại tăng nhanh, tương đương với tốc độ phát triển của khu vực công, đặc biệt là số lượng các vụ án tham nhũng liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Tất cả các vụ án tham nhũng (tính đến đầu thế kỷ này) đều là những vụ án trong nước. Tuy nhiên, hiện nay số lượng các vụ án hối lộ hằng năm đã giảm và thuộc vào loại thấp trên thế giới nhưng có một số vụ án tham nhũng có liên quan đến thương mại quốc tế với số tiền rất lớn.
Ở Phần Lan, khi nói đến tham nhũng, thường chỉ nói đến hành vi hối lộ. Tuy nhiên, trên thực tế, cả hành vi lợi dụng chức vụ cũng bị coi là tham nhũng; hằng năm, có khoảng 50 vụ án thuộc loại này bị đưa ra xét xử.
Ở Phần Lan, số lượng các hành vi tham nhũng xảy ra trong khu vực tư rất ít và rất hiếm các vụ án hối lộ trong khu vực tư được đưa ra xét xử. Theo một nghiên cứu trên phạm vi quốc tế của tổ chức Price Waterhouse Coopers, khoảng một nửa số công ty của Phần Lan cho rằng, công ty của họ đã từng là nạn nhận của tình trạng tham nhũng khi tiến hành kinh doanh ở nước ngoài; khoảng 5% số công ty được hỏi đã từng là nạn nhân của các tội phạm có liên quan đến tham nhũng. Những con số này nhỏ hơn rất nhiều so với các quốc gia cùng được nghiên cứu khác. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp lớn ở Phần Lan xây dựng những chính sách và chương trình chống tham nhũng trong nội bộ doanh nghiệp; những chính sách này không chỉ được áp dụng trong hoạt động kinh doanh nội địa, mà còn được áp dụng trong các hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế.
Phần Lan luôn được đánh giá là quốc gia có tình trạng tham nhũng vào loại thấp nhất trên thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Minh bạch quốc tế về thực trạng minh bạch của Phần Lan từ năm 2001 đến năm 2012, Phần Lan xếp hạng nhất trong 7 năm.
Một trong những nguyên tắc cơ bản trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Phần Lan là không được coi tham nhũng là một hiện tượng đơn lẻ, riêng biệt, vì vậy hành vi tham nhũng không thể chỉ được điều chỉnh trong một văn bản pháp luật riêng, chỉ được giám sát bởi một cơ quan chuyên biệt. Thành công này của Phần Lan có được hôm nay là nhờ nước này đã xây dựng một chương trình, chiến lược bao quát và lâu dài với một hệ thống các giải pháp đồng bộ.
Một là, xây dựng một hệ thống pháp luật chống tham nhũng toàn diện, đầy đủ nhằm ngăn ngừa sự lạm quyền.
Trong hệ thống pháp luật Phần Lan không có một định nghĩa cụ thể về tham nhũng, cũng như không có một văn bản duy nhất quy định về việc phòng, chống tham nhũng. Phần Lan có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi tham nhũng nhằm cung cấp những phương tiện để ngăn ngừa tham nhũng và xử lý những hành vi tham nhũng đã xảy ra. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Phần Lan gồm: Hiến pháp Phần Lan; Bộ luật hình sự .
Những điều khoản cơ bản về tham nhũng trong Bộ luật hình sự là những điều khoản về hối lộ trong lĩnh vực công và lĩnh vực tư. Cụ thể, Bộ luật hình sự quy định một số hành vi tham nhũng bị coi là tội phạm gồm: đưa hối lộ (quy định tại Chương 16, Điều 13, 14); nhận hối lộ (quy định tại Chương 40, Điều 1 đến Điều 4); đưa hối lộ trong kinh doanh (quy định tại Chương 30, Điều 7); nhận hối lộ trong kinh doanh (quy định tại Chương 30, Điều 8).
Ngoài ra, một số hành vi tham nhũng khác cũng được Bộ luật hình sự Phần Lan coi là tội phạm như: tội rửa tiền và tội phạm về kế toán. Bộ luật hình sự cũng đã được sửa đổi một số điều khoản để phù hợp với các thỏa thuận của Liên minh châu Âu về phòng, chống tham nhũng. Thí dụ: phạm vi của công chức nước ngoài được quy định trong Bộ luật hình sự Phần Lan đã được mở rộng và tội phạm hối lộ trong lĩnh vực tư được sửa đổi theo hướng thủ tục tố tụng sẽ được tiến hành mà không đòi hỏi phải có yêu cầu của người bị hại.
Không chỉ hình sự hóa hành vi hối lộ được thực hiện bởi công chức nhà nước (bao gồm cả những người được bầu cử vào cơ quan nhà nước, người làm việc trong các tổ chức công quyền và nhân viên các doanh nghiệp nhà nước), mà còn hình sự hóa hành vi hối lộ được thực hiện bởi những người làm việc trong khu vực tư. Hành vi hối lộ trong khu vực tư được quy định trong Chương 30, Điều 7 và Điều 8 của Bộ luật hình sự. Nếu hành vi hối lộ được thực hiện bởi một công ty thì công ty sẽ phải chịu hình phạt tiền đến 850 nghìn EUR (Chương 9 của Bộ luật hình sự). Ngoài ra, công ty đó có thể bị tước quyền hoạt động.
Bộ luật hình sự Phần Lan không chỉ truy cứu trách nhiệm cá nhân, mà còn truy cứu trách nhiệm của các tổ chức tội phạm có tổ chức trong việc thực hiện hành vi tham nhũng.
Về hình phạt, thông thường, hình phạt phổ biến áp dụng đối với người phạm tội tham nhũng là phạt tiền hoặc phạt tù có thời hạn (tuy thời hạn tù tương đối ngắn). Trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng, hình phạt áp dụng đối với người phạm tội tham nhũng lên đến 4 năm tù giam. Nếu người phạm tội là công chức nhà nước thì bên cạnh việc phải chấp hành hình phạt tù có thời hạn, họ còn bị buộc thôi việc.
Hình phạt đối với hành vi tham nhũng còn được ghi trong các luật: Luật Thủ tục hành chính (1982); Luật Công chức tư (1994); Luật Về công khai các hoạt động của chính phủ (1999); Luật Phát hiện và chống rửa tiền (1998); Luật Kế toán (1997); Luật Kiểm toán (1994); Luật Ngân sách nhà nước (1988); Luật Kiểm toán viên tài chính công (1999); Luật về hoạt động của cơ quan kiểm soát kinh tế quốc gia (2000); Luật về mua sắm công (1992); Luật về chuyển nhượng và trợ cấp chính phủ (2001).
Những văn bản pháp lý này quy định cụ thể về hành vi tham nhũng cũng như các biện pháp xử lý tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực và ở tất cả các khu vực, từ khu vực công đến khu vực tư. Những văn bản pháp lý này là những công cụ hữu hiệu để Phần Lan đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Hai là, những biện pháp phòng, chống tham nhũng liên quan đến hệ thống quản lý hành chính nhà nước.
Về tuyển dụng, bồi dưỡng công chức nhà nước. Tiêu chuẩn công chức, thủ tục bổ nhiệm công chức, cũng như quyền và nghĩa vụ của công chức nhà nước đều được quy định trong các đạo luật. Những đạo luật cơ bản quy định điều này là Luật Công chức nhà nước (State Public Official Act) năm 1994 và Luật về những người giữ chức vụ (Municipal Office Holder Act) năm 2003. Ngoài ra còn rất nhiều văn bản pháp luật khác áp dụng đối với chức danh ở những lĩnh vực đặc biệt (thẩm phán, bác sĩ, giáo viên).
Trước đây, những công chức mới được tuyển dụng không phải trải qua các lớp tập huấn tiền công vụ, chỉ cần đáp ứng đủ các tiêu chuẩn được quy định trong luật công chức (như ngành học và kinh nghiệm cần có cho vị trí dự tuyển) và trải qua khóa đào tạo về công việc mà mỗi cơ quan yêu cầu. Nhưng, những năm gần đây, mọi công chức mới làm việc trong các cơ quan nhà nước ở trung ương hay địa phương đều phải trải qua khóa đào tạo tiền công vụ. Nếu những công chức này làm việc trong những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng thì họ sẽ được giới thiệu trước và nhấn mạnh về vấn đề này trong quá trình đào tạo. Bên cạnh đó, những công chức mới còn được cung cấp thông tin về những tình huống điển hình mà hành vi hối lộ có thể xảy ra. Những công chức làm nhiệm vụ quản lý cũng phải trải qua các khóa đào tạo được thiết kế gồm những bài học về tiêu chuẩn và đạo đức nghề nghiệp giống như các khóa đào tạo dành cho nhân viên làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước khác.
Thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của các công chức nhà nước. Cơ chế hoạt động mở của hệ thống quản lý hành chính nhà nước là một trong những nguyên tắc cơ bản của Phần Lan. Những quyết định của các cơ quan nhà nước phải được công bố công khai để được các công chức nhà nước, công chúng và các phương tiện truyền thông nhận xét, đóng góp ý kiến. Sự minh bạch trong việc đưa ra quyết định hành chính công là nhân tố quan trọng để phòng, chống tham nhũng. Để có thể thực hiện sự minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, mọi công dân đều được quyền tiếp cận những tài liệu, hồ sơ công. Điều này giúp cho các cá nhân cũng như tổ chức có thể kiểm soát được hoạt động của các các cơ quan nhà nước và việc chi tiêu tài chính công, tự do đóng góp ý kiến, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan nhà nước và để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Bên cạnh đó, người dân có quyền được cung cấp thông tin về các tài liệu được cơ quan công quyền giữ mà không phải đưa ra lý do, thí dụ thông tin về thống kê thuế của một cá nhân được công khai, người nào muốn biết hàng xóm nhà mình hoặc bất kỳ ai ở Phần Lan phải nộp bao nhiêu tiền thuế chỉ cần yêu cầu là sẽ được cung cấp.
Trong số các nguyên tắc hoạt động của nền hành chính nhà nước còn có nguyên tắc công bằng và nguyên tắc khách quan. Một khía cạnh của nguyên tắc khách quan được thể hiện ở việc một công chức nhà nước có thể không tham gia vào việc đưa ra quyết định đối với một vấn đề nào đó, nếu nó có liên quan, ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân, của người thân hoặc của những người có quan hệ với mình.
Giám sát việc đưa ra quyết định hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước. Để đảm bảo những quyết định hành chính được xem xét ở cấp cao hơn, tính hợp pháp của những quyết định hành chính được giám sát bởi Đại pháp quan tư pháp (Chancellor of Justice) và Thanh tra của Nghị viện (Parliamentary Ombudsman). Hoạt động và thẩm quyền của hai cơ quan này được quy định trong Hiến pháp. Đây là hai cơ quan hoạt động độc lập, có nhiệm vụ bảo đảm tòa án, các cơ quan công quyền, công chức nhà nước và những người thực hiện những nhiệm vụ công phải chấp hành đúng pháp luật và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Khi thực hiện nhiệm vụ của mình, Đại pháp quan tư pháp và Thanh tra của Nghị viện có thể giám sát việc thực thi các quyền con người và các quyền cơ bản của công dân.
Hai cơ quan này có nhiệm vụ kiểm tra báo cáo hàng năm về hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan tư pháp. Họ cũng có thể tiến hành những cuộc điều tra đặc biệt của riêng mình khi nhận được khiếu nại của công dân hoặc khi công chúng lên tiếng phản ánh. Không những thế, hai cơ quan này còn có thể tiến hành điều tra cả hoạt động của những quan chức cấp cao làm việc trong Nghị viện, Chính phủ, Tòa án. Họ có quyền khiển trách những cơ quan công quyền bị phát hiện có hành vi vi phạm; với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, họ có thể đưa vụ việc ra tòa án.
Bên cạnh đó, để giám sát việc đưa ra những quyết định liên quan đến tài chính, Phần Lan đã thành lập Cơ quan kiểm toán quốc gia (State Audit Office). Đây là cơ quan có nhiệm vụ giám sát quốc gia đối với các hoạt động chi tiêu của nhà nước và quản lý tài sản quốc gia. Cơ quan kiểm toán quốc gia đảm bảo ngân sách quốc gia được sử dụng vào những mục đích được Nghị viện quyết định. Phần Lan coi hiệu quả của những cơ quan giám sát này là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tham nhũng ở Phần Lan được xếp vào loại thấp nhất thế giới.
Ba là, phát huy vai trò của phụ nữ trong việc đưa ra các quyết định chính trị.
Theo rất nhiều nghiên cứu được thực hiện bởi Ngân hàng thế giới, số lượng phụ nữ là nghị sĩ trong Nghị viện và số lượng công chức là nữ có mối liên hệ với tỷ lệ tham nhũng thấp. Mối tương quan này làm nổi bật tầm quan trọng của bình đẳng giới trong việc phòng, chống tham nhũng. Vai trò của người phụ nữ trong hệ thống quản lý hành chính công của Phần Lan ngày càng rõ rệt và đó là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ tham nhũng ở quốc gia này luôn vào loại thấp nhất thế giới.
Phần Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới quy định và bảo đảm quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ. Trong cuộc bầu cử nghị sĩ đầu tiên của Phần Lan năm 1907, 19 nữ nghị sĩ được bầu và cũng là những nữ nghị sĩ đầu tiên trên thế giới. Sau đó, Phần Lan tiếp tục giữ vị trí là quốc gia có số lượng nghị nữ là phụ nữ vào loại cao nhất trên thế giới. Khoảng hơn một phần ba thành viên của Nghị viện Phần Lan và Hội đồng thành phố là phụ nữ. Cũng có khoảng gần một nửa số thành viên của Chính phủ Phần Lan hiện tại là phụ nữ.