Kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp
Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp tổng quan tài liệu thứ cấp dựa trên các dữ liệu thông qua Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Trung tâm Cạnh tranh kỹ thuật số châu Âu và các công trình bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế về ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Dữ liệu tổng hợp cho thấy, các nước đã đưa nhiều công nghệ hiện đại như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo… vào sản xuất nông nghiệp. Tại Việt Nam, các ứng dụng số vào sản xuất nông nghiệp đã và đang dần trở thành một phần quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của nền nông nghiệp. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để đưa ra những hàm ý chính sách cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Là nền tảng cơ bản của tăng trưởng kinh tế, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sinh kế, việc làm và lương thực trên khắp thế giới và đặc biệt là Việt Nam. Tuy nhiên, nông nghiệp đã mang lại những thách thức mới cho tất cả các bên liên quan trong ngành cùng với các cơ hội mới để thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp những năm gần đây.
Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam và thế giới hiện nay đang thiếu các công nghệ hiện đại và các công cụ hỗ trợ ra quyết định cần thiết để duy trì và cải thiện sản lượng trong một môi trường khó khăn hơn. Các tác nhân trong chuỗi giá trị nông nghiệp bao gồm các nhà cung cấp đầu vào, nhà phân phối và người tiêu dùng cũng phải đối mặt với những thách thức đáng kể, đặc biệt là các thông tin minh bạch giữa các bên liên quan. Một giải pháp được nhắc đến rất nhiều vào những năm gần đây để giải quyết những vấn đề của nền nông nghiệp truyền thống là “Nông nghiệp số”. Tại Việt Nam, “Nông nghiệp số” còn là cụm từ khoá khá mới lạ với các hộ nông dân. Tuy nhiên, tại các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp đã được đưa vào ứng dụng và trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Chuyển đổi số ngành nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững, khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”. Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nâng cao chất lượng nông sản, với chi phí thấp và đạt lợi nhuận cao. Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, nông nghiệp là một trong số 8 lĩnh vực vực được ưu tiên hàng đầu cho chuyển đổi số. Trong giai đoạn 2016-2023, khoa học công nghệ trong nông nghiệp nông thôn có bước phát triển khá, là giải pháp đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời tạo 3 trục sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, sách, nông nghiệp thông minh.
Cơ sở lý thuyết
Chuyển đổi số
Chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ nhằm xây dựng mô hình kinh doanh, quy trình, phần mềm và hệ thống mới nhằm tạo ra nhiều lợi nhuận, lợi thế cạnh tranh hơn và hiệu quả hơn (Schwertner, 2017). Theo định nghĩa của Siebel (2019), chuyển đổi số là sự hội tụ của 4 công nghệ đột phá bao gồm: Công nghệ điện toán đám mây (cloud computing), Dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật (IoT) và Trí tuệ nhân tạo (AI). Sự hội tụ này khiến cho phạm vị hoạt động và ảnh hưởng của chuyển đổi số hết sức rộng lớn, do đó có nhiều cách nhìn và tiếp cận chuyển đổi số khác nhau. Chuyển đổi số thực chất có tên gọi khác của Cách mạng công nghiệp 4.0 như Ustundag và Cevikcan (2018) đã chỉ ra: “Kỷ nguyên chuyển đổi số mà chúng ta đang sống khác các thời đại khác là không chỉ mang đến sự thay đổi quá trình kinh doanh cơ bản mà còn làm nổi bật quan niệm sản phẩm tương tác thông minh thể hiện qua các mô hình kinh doanh theo hướng dịch vụ”.
Nông nghiệp số
Nông nghiệp số được định nghĩa rộng rãi là ứng dụng dữ liệu lớn và hệ thống công nghệ chính xác trong nông nghiệp (Rotz và cộng sự, 2019), bao gồm một loạt các hoạt động báo trước sự chuyển đổi chung trong các hệ thống nông nghiệp – lương thực.
Mỗi lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh khác nhau lại tập trung vào các công nghệ số khác nhau để cải thiện hoạt động kinh doanh và tạo ra giá trị mới. Chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp chủ yếu dựa trên công nghệ về robot tự động hoá, công nghệ thực tế ảo và phân tích dữ liệu sản xuất kết nối với thông tin thị trường. Ở lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, Ngân hàng Thế giới cho rằng tương lai số của ngành này sẽ tập trung vào việc phân phối dữ liệu, thông tin một cách công bằng cho nông dân, nâng cao năng suất, cắt giảm thất thu và lãng phí trong sản xuất, và giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận được nguồn thực phẩm tốt hơn cho sức khoẻ, dễ dàng hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm. Công nghệ chính được tập trung ứng dụng của ngành này là các công nghệ thu thập và phân tích thông tin, dữ liệu lớn.
Nhiều nhà khoa học cũng đồng ý rằng chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ mang lại một buớc thay đổi về hiệu quả, năng suất và tính bền vững ở cấp trang trại và trên toàn chuỗi giá trị (Aubert và cộng sự, 2012; Wolfert và cộng sự, 2017). Hệ thống cảm biến và phân tích liên quan cũng có thể cung cấp cho các nhà sản xuất thông tin tốt hơn để đưa ra các quyết định kịp thời hơn với kết quả dễ dự đoán hơn, đồng thời tự đông hoá các tác vụ bằng công nghệ cảm biến và máy móc có thể tăng độ tin cậy. Sự phát triển nhanh chóng của Internet vạn vật (IOT), điện toán đám mây, robot và Trí tuệ nhân tạo đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số vào nông nghiệp. Các phương pháp canh tác thông minh cuối cùng sẽ nâng cao kiến thức về một doanh nghiệp riêng lẻ hoặc thông qua chia sẻ và học hỏi dữ liệu từ nhiều doanh nghiệp (Robertson và cộng sự, 2018).
Hiện nay, quá trình ra quyết định đưa công nghệ số vào trong quá trình sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng, duy trì, phân tích và chia sẻ dữ liệu đối với các nhà sản xuất và phân phối (Weersink và cộng sự, 2018). Các nghiên cứu cũng cho thấy, nông dân học hỏi được nhiều hơn từ việc sử dụng các công cụ nông nghiệp kỹ thuật số và nhu cầu đầu tư vào vốn con người (Van Es và Woodard, 2017; Easwood và cộng sự, 2019). Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum, 2020) đã thống kê Top 10 quốc gia hàng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, bố trí công việc linh hoạt, kỹ năng số và khung pháp lý số như Bảng 1.
Báo cáo cạnh tranh Kỹ thuật số Châu Âu (2021) cũng đã phân tích khả năng cạnh tranh kỹ thuật số của 140 quốc gia và đưa ra bảng xếp hạng toàn cầu để so sánh các quốc gia đó trong khu vực của họ. Bên cạnh đó, một bảng xếp hạng đã được tổng hợp cho các quốc gia thuộc nhóm G20 cho thấy động lực mạnh mẽ của Trung Quốc được thể hiện trong đồ thị (Hình 1).
Bảng 1: 10 quốc gia hàng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, bố trí công việc linh hoạt, kỹ năng số và khung pháp lý số năm 2020 |
||||||||
STT |
Áp dụng công nghệ thông tin |
Sắp xếp công việc linh hoạt |
Kỹ năng số |
Khung pháp lý kỹ thuật số |
||||
1 |
Hàn Quốc |
93,7 |
Hà Lan |
82,7 |
Phần Lan |
84,3 |
Hoa Kỳ |
78,0 |
2 |
Ả Rập |
92,3 |
Tây Ban Nha |
77,7 |
Thuỵ Điển |
79,5 |
Lúc Xăm Bua |
77,4 |
3 |
Hồng Kong |
90,2 |
Thuỵ Sỹ |
75,8 |
Estonia |
77,9 |
Singapore |
76,5 |
4 |
Thuỵ Điển |
89,7 |
Estonia |
75,0 |
Ai Len |
77,6 |
Ả Rập |
72,5 |
5 |
Nhật Bản |
88,3 |
Hoa Kỳ |
74,2 |
Hà Lan |
77,3 |
Malaysia |
70,0 |
6 |
Singapore |
88,1 |
Lúc Xăm Bua |
73,6 |
Singapore |
77,3 |
Estonia |
69,3 |
7 |
Ai Len |
87,8 |
Trung Quốc |
73,6 |
Israel |
76,5 |
Thuỵ Điển |
67,9 |
8 |
Na Uy |
84,7 |
Châu Úc |
72,9 |
Đan Mạch |
74,7 |
Phần Lan |
67,7 |
9 |
Quarta |
83,9 |
Phần Lan |
72,5 |
Ả Rập |
74,1 |
Đức |
67,3 |
10 |
Lithuania |
83,8 |
Đan Mạch |
72,4 |
Hàn Quốc |
73,0 |
Hà Lan |
66,5 |
Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Liên minh Viễn Thông Quốc tế (ITU), cơ sở dữ liệu WTDS |

Nguồn: Trung tâm cạnh tranh Kỹ thuật số Châu Âu (2021)
Nguồn dữ liệu và phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu này sử dụng phương pháp tổng quan tài liệu thứ cấp dựa trên dữ liệu thông qua Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum, 2020), Trung tâm cạnh tranh Kỹ thuật số châu Âu (European Center for Digital Competitiveness, 2021), Tổng cục Thống kê (2022) và các công trình bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế có liên quan đến chủ đề nghiên cứu.
Các thông tin trong nghiên cứu nhằm mục đích phản ánh thực trạng và kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển và phát triển.
Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Kinh nghiệm thế giới về chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp
Trung Quốc
Chuyển giao công nghệ trong Công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn ở Trung Quốc được thể hiển bởi chương trình “Đốm lửa”. Mục đích của Chương trình này là nhằm chuyển giao công nghệ và khoa học ứng dụng tiên tiến tới những vùng nông thôn rộng lớn, kết hợp khoa học với kỹ thuật và kinh tế để tận dụng và huy động các nguồn lực tại chỗ ở nông thôn. Chương trình này là một phần trong kế hoạch ứng dụng khoa học kỹ thuật để chấn hưng nông thôn, tạo nên các “đốm lửa” để dẫn đường cho nông dân Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển các xí nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn (Mai Thị Thanh Xuân, 2002). Chính phủ Trung Quốc đã triển khai hàng loạt các dự án lớn liên quan đến đánh giá các quy trình số hoá trong lĩnh vực nông nghiệp (FAO, 2021). Đi kèm với đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một người nông dân nhỏ có thể sở hữu một trang trại quy mô lớn hơn thông qua việc thành lập các hợp tác xã; họ cũng gián tiếp tham gia vào nông nghiệp số thông qua gia công phần mềm nông nghiệp (Lin Xie và cộng sự, 2021; Regina Birner và cộng sự, 2020; Qi Jiang và cộng sự, 2022).
Trong 40 năm qua, giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế của Trung Quốc tăng khoảng 5,3%, cao gấp đôi so với giai đoạn những năm 1952-1978 (Yu Sheng và cộng sự, 2019). Sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc đặc trưng chủ yếu áp dụng hệ thống trách nhiệm hợp đồng hộ gia đình. Các trang trại chủ yếu là nhỏ và phân tán. Đất đai và lao động gia đình vẫn là những yếu tố đầu vào chính. Ngoài ra, Trung Quốc có một lãnh thổ rộng lớn với vĩ độ xấp xỉ 50 độ từ Bắc xuống Nam. Có sự khác biệt rõ ràng về khí hậu, đất đai và thậm chí cả các hệ thống ở các vùng khác nhau (Jikun Huang và cộng sự, 2012).
Hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin được coi là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và năng suất (Sotiris và Sophia, 2007; Matti Pohjola, 2001). Nông dân ở Trung Quốc và các nước đang phát triển khác đang ngày càng tiếp cận dễ dàng hơn với thông tin và cơ sở vật chất hiện đại để phát triển sản xuất. Tỷ lệ người dùng internet Trung Quốc thông qua điện thoại lên tới 99,6% (Qianyu Zhu và cộng sự, 2022). Điều này cho thấy sự phát triển của công nghệ thông tin đã mang lại cho các nhà sản xuất, người nông dân nhiều cơ hội hơn. Nông dân có thể học và áp dụng các công nghệ, thiết bị mới một cách nhanh nhất vào sản xuất. Bên cạnh đó, để giảm rủi ro, Trung Quốc đã triển khai các hợp đồng bảo hiểm cho phép giảm việc sử dụng các chất hoá học và phân bón vào sản xuất (Jing Liu và cộng sự, 2021; Ling Cao và cộng sự, 2007). Đây là một bước ngoặt lớn trong việc giảm lãng phí nguồn lực, bảo vệ môi trường và tăng hiệu quả sản xuất (Le Fang và cộng sự, 2021).
Vương Quốc Anh
Vương Quốc Anh là một trong những quốc gia đầu tiên của châu Âu tiên phong trong việc chuyển đổi số. Tại Anh, ngành Nông nghiệp chiếm hơn 69% diện tích của đất nước, sử dụng 1,5% lực lượng lao động (470.000 người) và đóng góp 0,62% tổng giá trị gia tăng (9,9 tỷ bảng Anh). Nông nghiệp cung cấp khoảng 60% nhu cầu lương thực của Vương quốc Anh cho dù chỉ sử dụng 1,5% lực lượng lao động. Quốc gia này hiện có tổng số 212.000 nông trại, diện tích từ 20ha đến trên 100ha (Alexander và cộng sự, 2015; Henri de Ruiter và cộng sự, 2016). Trong vòng 30 năm qua, ngành Nông nghiệp của Anh đã thay đổi rất nhiều (Hilary và Catherine, 2012; Sung., và cộng sự, 2013). Từ một nền nông nghiệp vận hành bởi rất nhiều con người, ngày nay, với máy móc, công nghệ thì một vài người có thể điều hành một trang trại lớn hàng nghìn ha.
Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp của Vương quốc Anh cũng đang chịu áp lực phải thay đổi vào lúc này (Nick Evans, 2009). Nông dân đang bị áp lực phải áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường hơn như canh tác hữu cơ. Nông nghiệp hữu cơ sử dụng các hóa chất nhân tạo có thể gây hại cho môi trường và sức khỏe con người. Sự phổ biến của nông nghiệp hữu cơ đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây. Do vậy, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp tại Anh đã diễn ra trước các nước ở khu vực châu Âu (Riaz Bhunnoo và Guy M. Poppy, 2020; Alessia Correani và cộng sự, 2020). Hoạt động sản xuất được vận hành và điều phối bởi hầu hết máy móc hiện đại. Người nông dân sẽ không phải mang hàng hoá đến cá chợ hay cửa hàng. Một mạng lưới thông tin sẽ được hình thành, kết nối người mua và người sản xuất một cách xuyên suốt.
Thái Lan
Nông nghiệp thu hút khoảng 40% lực lượng lao động và đóng góp gần 10% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Thái Lan. Kể từ năm 2015 đến nay, diện tích đất nông nghiệp của Thái Lan có xu hướng giảm do hệ thống thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất không đủ đáp ứng (Phạm Thị Thanh Bình, 2022). Đi kèm với đó, Thái Lan cũng đang phải đối diện với khó khăn về việc thiếu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp trầm trọng (Gafin, 2023).
Bắt đầu từ năm 2017, chính quyền Thái Lan nhanh chóng bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số với một kế hoạch đầy tham vọng mang tên “Digital Thailand”: chuyển đổi số cho toàn bộ hệ thống công quyền và lĩnh vực nông nghiệp không ngoại trừ. Cơ cấu kinh tế của Thái Lan đã thay đổi từ nông nghiệp thâm canh sang sản xuất. Chính phủ Thái Lan đang chạy đua hướng tới nền kinh tế số và dịch vụ dựa trên công nghệ số làm cơ chế cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhằm nâng cao GDP tối thiểu lên 5% mỗi năm, đưa Thái Lan khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Thái Lan đặt ra mục tiêu chuyển đổi các doanh nghiệp nông nghiệp để thiết lập nền kinh tế số, đặc biệt là thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp (Nguyễn Phương Nhung, 2022). Công viên số True Digital Park (TDPK) đã được thành lập, trở thành một trong những trung tâm đổi mới kỹ thuật số có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, cung cấp cho các doanh nghiệp, phát triển các giải pháp công nghệ số (Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp chuyển đổi số, 2022). Năm 2023, Uỷ ban xã hội và Kinh tế số quốc gia Thái Lan cũng đã công bố 8 đề án quốc gia để sẵn sàng đưa Thái Lan bước vào gian đoạn tiếp theo của quá trình chuyển đổi số (Đông Hùng, 2023).
Kết luận
Chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn bộ các lĩnh vực nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng để có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội. Kết quả tìm hiểu và phân tích về kinh nghiệm chuyển đổi số trong về lĩnh vực nông nghiệp ở các quốc gia trên thế giới cho thấy rằng “chuyển đổi số” không còn là cụm từ mới lạ đối với các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Nhiều công nghệ hiện đại như ứng dụng Dữ liệu lớn và Điện toán đám mây đang rất phổ biến, tiếp theo là ứng dụng Internet vạn vật (IoT), và công nghệ sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI), rô bốt – tự động hoá và chuỗi khối (Blockchain). Mặc dù đã ứng dụng nhiều công nghệ vào hoạt động sản xuất nông nghiệp nhưng các quốc gia vẫn còn nhiều khó khăn do thách thức về nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản để có thể đáp ứng được yêu cầu ứng dụng và quản lý công nghệ số.
Đối với Việt Nam, chuyển đổi số mang một ý nghĩa quan trọng đối với ngành Nông nghiệp. Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách và thời tiết, khí hậu để phát triển nhưng quá trình chuyển đổi số vẫn còn gặp những khó khăn và thách thức như: trình độ cơ giới hoá còn thấp, các công nghệ hỗ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm…) chưa tương xứng; diện tích canh tác nhỏ; dự báo sản lượng các sản phẩm chủ yếu bằng kinh nghiệm. Chính vì vậy, từ kinh nghiệm chuyển đổi số của các quốc gia trên thế giới cho thấy, để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp, thời gian tới cần thực hiện các giải pháp đồng bộ cả về cơ chế chính sách, phát triển công nghệ số và cơ sở hạ tầng số đáp ứng được yêu cầu cơ bản của chuyển đổi số.
Tài liệu tham khảo:
- Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp chuyển đổi số (2022), Kinh nghiệm chuyển đổi số của một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Cục Phát triển doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư. https://business.gov.vn/cms/tin-tuc-su-kien/chi-tiet/1279/kinh-nghiem-chuyen-doi-so-cua-mot-so-nuoc-trong-khu-vuc-dong-nam-a;
- Đông Hùng (2023), Kinh nghiệm chuyển đổi số của Thái Lan. The Network Readiness Index-2022. Báo điện tử Kinh tế và Đô thị;
- Mai Thị Thanh Xuân (2002), Một số kinh nghiệm của các nước châu Á về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Tạp chí Khoa học Đại học quốc gia Hà Nội. 4, 55-63;
- Nguyễn Phương Nhung (2022), Kế hoạch tổng thể thúc đẩy kinh tế số Thái Lan. Cục Chuyển đổi số Quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông. Đăng ngày 07/09/2022 tại https://aita.gov.vn/ke-hoach-tong-the-thuc-day-kinh-te-so-thai-lan;
- Phạm Thị Thanh Bình (2022), Chính sách phát triển nông nghiệp Thái Lan và một số gợi ý tham chiếu cho Việt Nam. Tạp chí Cộng sản. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/825406/chinh-sach-phat-trien-nong-nghiep-thai-lan-va-mot-so-goi-y-tham-chieu-cho-viet-nam.aspx;
- FAO (2021), Rural E-Commerce Development: Experience from China. Food and Agriculture Organization of the United Nations;
- Alessia Correani, Alfredo De Massis, Federico Frattini, Antonio Messeni Petruzzelli, và Angelo Natalicchio (2020), Implementing a digital strategy: Learning from the experience of three DigitaL transformation projects. California Management Review, 62(4), 37-56;
- Alexander, P; Rounsevell, MDA; Dislich, C; Dodson, JR; Engstrom, K; Moran, D (2015), Drivers for global agricultural land use change: the nexus of diet, population, yield and bioenergy. Global Environmental Change, 35, 138-147;
- Aubert, B. A., Schroeder, A., and Grimaudo, J. (2012), IT as enabler of sustainable farming: an empirical analysis of farmers’ adoption decision of precision agriculture technology. Decis. Support Syst. 54, 510–520;
- Gafin (2023), Ngành nông nghiệp Thái Lan đối mặt với thiếu lao động trầm trọng. Tin tức nông nghiệp. https://www.tintucnongnghiep.com/2014/09/nganh-nong-nghiep-thai-lan-oi-mat-voi.html;
- Henri de Ruiter , Jennie I. Macdiarmid , Robin B. Matthews , Thomas Kastner và Pete Smith (2016), Global cropland and greenhouse gas impacts of UK food supply are increasingly located overseas. The Royal Society Publishing;
- Hilary. G., Catherine. L (2012), On climate change and cultural geography: Farming on the Lizard Peninsula, Cornwall, UK. Climate Change. 113, 55-66;
- Lin Xie, Billiang Luo, Wenjing Zhong (2021), How Are Smallholder Farmers Involved in Digital Agriculture in Developing Countries: A Case Study from China. Land. MDPI. 10 (3), 245;
- Ling Cao, Weimin Wang, Yi Yang, Chengtai Yang, Zonghui Yuan, Shanbo Xiong, James Diana (2007), Environmental impact of aquaculture and countermeasures to aquaculture pollution in China. Environmental Science and Pollution Research. 14 (7), 452-462;
- Qi Jiang, Jizhi Li, Hongyun, Yangyue Su (2022), The Impact of the Digital Economy on Agricultural Green Development: Evidence from China. Agriculture. MDPI. 12, 1107;
- Riaz Bhunnoo và Guy M. Poppy (2020), A national approach for transformation of the UK food system. Nature Food, 1, 6-8;
- Robertson, M., Moore, A., Henry, D., and Barry, S. (2018), Digital agriculture: what’s all the fuss about? Available online at: https://blog.csiro.au/digital-agriculture-whats-all-the-fuss-about/;
- Rotz, S., Duncan, E., Small, M., Botschner, J., Dara, R., Mosby, I., Reed, M., Fraser, E.D., (2019), The politics of digital agricultural technologies: a preliminary review. Sociol. Rural. 59, 203–229;
- Van Es, H., and Woodard, J. (2017), Innovation in agriculture and food systems in the digital age. The Global Innovation Index 2017: Innovation Feeding the World (Ithaca, NY; Fontainebleau; Geneva). 97–104;
- Wolfert, S., Ge, L., Verdouw, C., and Bogaardt, M.-J. (2017), Big data in smart farming–a review. Agric. Syst. 153, 69-80.