Lợi ích lớn, hiệu quả thiết thực từ chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Thu Lan - Nguyễn Minh

Thời gian qua, ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã đạt được các kết quả tích cực trong chuyển đổi số, mang lại lợi ích lớn, hiệu quả thiết thực không chỉ đối với người dân, doanh nghiệp mà còn cả với các cơ quan quản lý Nhà nước ở lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Những kết quả đó được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, người dân, doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.

“Chấm điểm” chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam

Đánh giá về việc triển khai Đề án 06 của ngành BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong toàn Ngành.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn Ngành đã đạt được các kết quả tích cực trong chuyển đổi số, mang lại lợi ích lớn, hiệu quả thiết thực không chỉ đối với người dân, doanh nghiệp mà còn cả với các cơ quan quản lý Nhà nước ở lĩnh vực BHXH, BHYT. Những kết quả đó được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, người dân, doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Ngành BHXH Việt Nam đã xây dựng, phát triển được Cơ sở dữ liệu lớn, cơ bản hoàn thiện, bao phủ hầu hết người dân, doanh nghiệp. Cơ sở dữ liệu được đồng bộ, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tiền đề quan trọng để cải cách thủ tục hành chính (TTHC).

Theo đó, công tác cải cách TTHC của Ngành được triển khai mạnh mẽ, ngày càng thuận tiện, nhanh chóng, đơn cử như việc sử dụng căn cước công dân trong khám chữa bệnh BHYT, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân.

Việc chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương ngày càng kịp thời, cởi mở tạo nên cơ sở dữ liệu dùng chung, mang lại những tiện ích ngày càng lớn cho người dân, doanh nghiệp. 100% quy trình nghiệp vụ, quản lý của Ngành cũng được thực hiện trên môi trường số, giúp nâng cao năng suất lao động, minh bạch thông tin…

Theo báo cáo, trong công tác chuyển đổi số, BHXH Việt Nam tiếp tục làm tốt việc phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; cung cấp dịch vụ công trên môi trường số.

Hiện nay, các TTHC của BHXH Việt Nam đủ điều kiện đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên nhiều nền tảng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý hơn 6,8 triệu hồ sơ giao dịch điện tử.

Triển khai Đề án 06 của Chính phủ, BHXH Việt Nam tiếp tục kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VneID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám, chữa bệnh BHYT.

Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip (đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân), với hơn 104,2 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân thành công phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.

BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc có khoảng 74% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị (tăng khoảng 10% so với năm 2023).

BHXH Việt Nam cũng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai: Sổ sức khỏe điện tử; liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử; tích hợp thông tin sổ BHXH trên ứng dụng VneID; tích hợp tài khoản VneID với VssID; triển khai Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ cho biết, BHXH Việt Nam không chỉ là đơn vị tiên phong đi đầu trong chuyển đổi số mà còn có được những sản phẩm thật; người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật.

Trong những kết qủa tích cực của Ngành, nổi bật là việc thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân đã đạt tỷ lệ cao; cung cấp nhiều tiện ích trên Cổng Dịch vụ công quốc gia với số lượt người dân sử dụng rất lớn.

Dù còn những khó khăn nhưng BHXH Việt Nam đã quan tâm xây dựng, phát triển tốt hạ tầng số, dữ liệu số, đồng thời chia sẻ mạnh mẽ với các bộ, ngành, địa phương mang lại những lợi ích thiết thực, phục vụ người dân.

Cùng chung quan điểm, ông Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho rằng, các kết quả BHXH Việt Nam đạt được trong triển khai Đề án 06 là rất tích cực.

“Việc 100% cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh điện tử mức độ 2 là một nỗ lực lớn của ngành BHXH Việt Nam và Công an các địa phương trong việc chia sẻ, đồng bộ dữ liệu. Việc chi trả các chế độ BHXH qua tài khoản cá nhân cũng là kết quả ấn tượng, vượt qua rất nhiều khó khăn ban đầu khi thực hiện”, ông Vũ Văn Tấn nói.

Quyết tâm hoàn thành 100% nhiệm vụ trong thời gian sớm nhất

Phát huy kết quả đạt được, triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch đã được phê duyệt trong triển khai công tác chuyển đổi số và Đề án 06, quyết tâm hoàn thành 100% nhiệm vụ trong thời gian sớm nhất.

Ngành BHXH Việt Nam đã xây dựng, phát triển được Cơ sở dữ liệu lớn, cơ bản hoàn thiện, bao phủ hầu hết người dân, doanh nghiệp.
Ngành BHXH Việt Nam đã xây dựng, phát triển được Cơ sở dữ liệu lớn, cơ bản hoàn thiện, bao phủ hầu hết người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai, đảm bảo 5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thời gian; nâng cao nhận thức của cán bộ viên chức, người lao động về chuyển đổi số, triển khai Đề án 06, phải coi đây là nhiệm vụ song hành cùng các nhiệm vụ chuyên môn.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng, làm giàu Cơ sở dữ liệu của Ngành, sẵn sàng chia sẻ, đồng bộ, liên thông với các bộ, ngành, địa phương, từ đó tiếp tục cắt giảm các TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý, xây dựng và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ trên môi trường số.

Ngoài nhiệm vụ trên, người đứng đầu ngành BHXH Việt Nam lưu ý, cơ quan BHXH các cấp tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về chuyển đổi số, giới thiệu, nhân rộng những thành tựu, kết quả chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đến toàn xã hội, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, các ngành, các cấp trong thực hiện nhiệm vụ...