Kinh nghiệm quốc tế về hoàn thiện thể chế huy động vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhân tố vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, tuy nhiên sự phát triển của loại hình doanh nghiệp này thường xuyên gặp khó khăn, vướng mắc trong huy động vốn do những rào cản thể chế. Bài viết này tập trung làm rõ kinh nghiệm hoàn thiện thể chế huy động vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Trung Quốc, Malaysia, từ đó, rút ra kinh nghiệm cho Việt Nam.
Hoàn thiện thể chế huy động vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Trung Quốc
Cùng với sự hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Trung Quốc đã từng bước phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Hiện nay, DNNVV chiếm khoảng 99,6% tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động ở Trung Quốc, là bộ phận quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, có đóng góp lên đến hơn 60% GDP và 50% thuế cho quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển của DNNVV vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó có những khó khăn về huy động vốn do những rào cản thể chế gây ra, nhất là trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Trung Quốc nỗ lực thực hiện các biện pháp hoàn thiện thể chế huy động vốn nhằm tạo thuận lợi cho DNNVV, tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, giảm bớt gánh nặng thuế, hỗ trợ đổi mới công nghệ... cụ thể như sau:
Cải thiện môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nhận thức vai trò quan trọng của môi trường kinh doanh đối với thu hút, huy động vốn của DNNVV và đặc thù phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, Chính phủ Trung Quốc đã tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến DNNVV thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, rà soát và sửa đổi, hoàn thiện, được thực hiện hàng năm bởi các cơ quan quản lý Trung ương dựa vào kết quả tiếp nhận và đánh giá phản ánh của địa phương. Việc triển khai thực hiện những quy định tại Điều 12, 27 và 31 Luật Xúc tiến DNNVV năm 2002 của Trung Quốc đã tạo thuận lợi cho DNNVV về thủ tục và chi phí đăng ký, thành lập doanh nghiệp. Tính riêng nửa đầu năm 2019, theo ghi nhận 21 địa phương của Trung Quốc tuân thủ thực hiện chính sách “không tính phí” của Chính phủ, các DNNVV tiết kiệm được hơn 40 tỷ Nhân dân tệ (NDT).
Trong cuộc họp Two Sessions 2019, Trung Quốc đã tiếp tục thảo luận đưa ra các biện pháp cải tiến đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, chú trọng phát triển dịch vụ số và thiết lập hệ thống đánh giá, tiếp nhận các ý kiến góp ý từ những chủ thể đã sử dụng dịch vụ. Những thành công bước đầu đó đã tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện thể chế cho huy động vốn của DNNVV thông qua việc tiếp tục điều chỉnh 41 phí hành chính ở cấp Trung ương.
Chính sách tạo thuận lợi tiếp cận tài chính
Nhằm hỗ trợ DNNVV tăng khả năng tiếp cận tài chính, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện thể chế, chính sách. Theo đó, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã thực hiện chính sách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tài chính trong nước, qua đó, tạo thuận lợi cho DNNVV nhanh chóng tiếp cận tín dụng. Có 2 nhóm chính sách cơ bản hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn dễ dàng hơn:
Thứ nhất, DNNVV bổ sung vốn với nhiều kênh khác nhau, trong đó kênh huy động vốn truyền thống mà DNNVV được khuyến khích là vay tín dụng ngân hàng; vốn cũng có thể huy động từ các quỹ như quỹ hỗ trợ phát triển, quỹ đầu tư; từ các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc ưu đãi thuế của Chính phủ.
Thứ hai, chính sách liên quan đến tài sản thế chấp vay. DNNVV cần tăng lượng tài sản để tạo điều kiện vay vốn nhanh chóng hơn, hình thức vay linh hoạt hơn.
Hàng loạt các chính sách đã được Trung Quốc ban hành nhằm nâng cao dịch vụ về tài chính cho DNNVV với mục tiêu lớn nhất là cải thiện dịch vụ tài chính, đổi mới và đa dạng sản phẩm tài chính cho các DNNVV. Cùng với đó, các ngân hàng Trung Quốc xem xét nới lỏng thủ tục vay vốn của DNNVV theo chỉ thị của Chính phủ.
Đối với những hồ sơ tín dụng tốt, thường thanh toán đúng hạn khoản vay, ngân hàng xem xét mức lãi suất ưu đãi cho các DNNVV. Nhờ đó, DNNVV giảm bớt gánh nặng tài chính trong quá trình huy động vốn. Hơn nữa, dịch vụ cung cấp tài chính cho DNNVV cũng cải thiện đáng kể, trong đó chi phí giao dịch, chi phí tài chính giảm đã góp phần giúp DNNVV nhanh chóng thích ứng với các mới của các kênh cho vay và sự đa dạng của các sản phẩm cung cấp từ các tổ chức tín dụng. DNNVV Trung Quốc ngày càng tiếp cận tín dụng vay dễ dàng hơn.
Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, Trung Quốc còn thiết lập hệ thống tổ chức bảo lãnh tín dụng cho DNNVV với hơn 4.000 tổ chức dựa trên nguồn vốn từ ngân sách và xã hội hóa góp phần hỗ trợ DNNVV trong huy động vốn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc cũng khá phát triển, hàng loạt cải cách chính sách đã hỗ trợ DNNVV tiếp cận thị trường vốn thuận lợi hơn. DNNVV được phép kết nối với một ngân hàng hay một doanh nghiệp uy tín đứng ra bảo lãnh phát hành trái phiếu. Chính sách cho DNNVV vay trực tiếp từ Chính phủ cũng được áp dụng góp phần tháo gỡ khó khăn cho DNNVV trong bối cảnh nền kinh tế đầy biến động.
Trong ứng phó với đại dịch COVID-19, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã kịp thời đề xuất hàng loạt chính sách khẩn cấp để hỗ trợ tài chính cho các DNNVV bao gồm giảm tỷ lệ dự trữ tiền gửi, sắp xếp các quỹ tái cấp vốn đặc biệt, cho phép các DNNVV trì hoãn việc trả các khoản vay ngân hàng quá hạn của họ.
Nhằm tăng cường chính sách hỗ trợ DNNVV trong khởi nghiệp và đầu tư trực tiếp vào một số dự án chất lượng cao, năm 2020, Trung Quốc đã thành lập Công ty TNHH Quỹ bảo lãnh tài chính quốc gia về phát triển DNNVV với số vốn đăng ký 35,75 tỷ NDT. Tính riêng trong năm 2020, Quỹ đã cung cấp các dịch vụ tái bảo lãnh trị giá khoảng 70,91 tỷ NDT cho khoảng 45,6 triệu DNNVV, nhờ đó góp phần tích cực vào nâng cao năng lực của DNNVV Trung Quốc trong việc ứng phó kịp thời với tác động của COVID-19.
Chính sách thuế
Nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho DNNVV, Chính phủ đã áp dụng các chính sách miễn và giảm thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng, góp phần thúc đẩy việc làm, khuyến khích phát triển công nghệ cao và ngành dịch vụ.
Theo đó, có khoảng 95% DNNVV được hưởng lợi từ chính sách thuế ưu đãi của Chính phủ, góp phần giải quyết vấn đề tài chính cho Chính phủ và hỗ trợ tài chính cho DNNVV. Ngoài ra, Chính phủ mở rộng chính sách giảm thuế hướng tới đối tượng các công ty đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các DNNVV khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách thuế hỗ trợ DNNVV trong lĩnh vực xuất khẩu, hoàn thuế giá trị gia tăng khuyến khích xuất khẩu.
Chính sách ưu đãi về thuế đóng vai trò quan trọng đối với DNNVV Trung Quốc. Việc giảm, miễn thuế hoặc chính sách ưu đãi về thuế suất giúp DNNVV tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể cho DNNVV trong quá trình sản xuất và kinh doanh, đồng thời tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập cho người lao động, thúc đẩy tiêu dùng, nới lỏng dần chi tiêu trong giới hạn nhất định sao cho phù hợp với bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc.
Chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại sự thay đổi lớn cho Trung Quốc khi áp dụng công nghệ vào các lĩnh vực như kinh tế, tài chính... Trong những năm qua, đột phá về khoa học và công nghệ góp phần thổi làn gió mới hỗ trợ DNNVV phát triển sản xuất, nâng cao năng lực tài chính và giải quyết nhu cầu tín dụng.
Theo Bảng xếp hạng toàn cầu, Trung Quốc đã vươn lên nhóm dẫn đầu về Chỉ số đổi mới của Bloomberg hay Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO). Trung Quốc luôn lọt top cao liên quan đến công trình nghiên cứu và nắm giữ số lượng lớn bằng sáng chế. Nhằm tạo thuận lợi cho DNNVV trong huy động vốn để đổi mới công nghệ, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành các văn bản khuyến khích DNNVV nâng cao công nghệ và vận dụng linh hoạt.
Thông qua nhiều biện pháp, các công ty công nghệ thông tin hỗ trợ nguồn lực cho các DNNVV khởi nghiệp và phát triển. Trung Quốc đã hình thành và áp dụng mô hình cho vay trực tuyến – công nghệ tài chính Fintech, nền tảng cho vay CreditTech, mô hình cho vay ngang hàng (P2P), Ngân hàng kỹ thuật số WeBank lớn nhất Trung Quốc cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp thu nhập thấp... Đột phá Fintech đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong hoạt động tín dụng, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận vốn đa dạng hơn cho DNNVV mà trước đó bị thống trị bởi các ngân hàng thương mại.
Hoàn thiện thể chế huy động vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Malaysia
Trong nền kinh tế Malaysia, DNNVV chiếm tới 98,5% tổng số doanh nghiệp, trong đó có khoảng 76,5% là DN siêu nhỏ, có vai trò rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội. Tính riêng trong ngành chế tạo, DNNVV đã đóng góp khoảng 19% GDP, giải quyết hơn 30% tổng số việc làm cho ngành. Tuy nhiên, phát triển DNNVV ở Malaysia cũng phải đối mặt với những khó khăn về vốn nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Để giúp DNNVV Malaysia khắc phục khó khăn, Chính phủ Malaysia đã nỗ lực hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế hỗ trợ DNNVV huy động vốn. Những chính sách góp phần hoàn thiện thể chế hỗ trợ DNNVV trong huy động vốn bao gồm: bảo lãnh tín dụng, miễn và giảm thuế thu nhập, trợ cấp thuế cho đầu tư, tái đầu tư. Thiết kế các phương án, kế hoạch phát triển sản phẩm, cải tiến chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
Tại Malaysia, hệ thống bảo lãnh tín dụng cho DNNVV được hình thành sớm nhằm bảo đảm nguồn vốn và giảm rủi ro cho tổ chức tín dụng trong quá trình cho DNNVV vay vốn. Đây là một trong những chính sách đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Malaysia nói chung và cộng đồng DNNVV nói riêng. Hệ thống bảo lãnh tín dụng thực hiện theo 3 mô hình: Bảo lãnh tín dụng của Chính phủ, của các hiệp hội, và khu vực tư nhân và được sắp xếp thống nhất theo các cấp độ từ Trung ương đến địa phương. Bốn quỹ bảo lãnh tín dụng hỗ trợ DNNVV Malaysia có thể tiếp cận vốn vay là:
Thứ nhất, Tập đoàn bảo lãnh tín dụng Malaysia (Credit Guarantee Corporation - CGC) thành lập vào năm 1972, là cầu nối giữa các DNNVV với các ngân hàng thương mại. Số vốn được đóng góp bởi các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính của Chính phủ, nhiệm vụ chính là cung cấp chương trình bảo lãnh theo doanh mục và chương trình bảo lãnh theo nhóm, đảm bảo tín dụng cần thiết cho DNNVV. Với hơn 453.800 DNNVV Malaysia, CGC đã bảo lãnh 67,1 tỷ RM. Theo khảo sát, CGC bảo lãnh tín dụng lên đến 90%, phí bảo lãnh từ 0,5% -1% giá trị bảo lãnh, trở thành hệ thống bảo lãnh cao nhất trong 4 quỹ.
Thứ hai, hệ thống bảo lãnh cho vay đặc biệt (Special Loan Scheme - SGS) được thành lập từ năm 1981 nhằm tài trợ các dự án đặc biệt cho DNNVV. Với cơ chế này, các DNNVV có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay cơ bản 1%.
Thứ ba, hệ thống bảo lãnh tín dụng cơ bản (Principal Guarantee Scheme - PGS) được thành lập vào năm 1989, theo đó, dựa trên hướng dẫn của ngân hàng Trung ương, các ngân hàng thương mại đánh giá từng hồ sơ vay, giám sát việc huy động vốn của DNNVV.
Thứ tư, hệ thống bảo lãnh tín dụng chủ yếu - mới (new Principal Guarantee Scheme) được Ngân hàng Trung ương Malaysia thành lập từ năm 1994 với sự tham gia của nhiều tổ chức tài chính khác như Tổ chức tài chính Phát triển, Ngân hàng Phát triển Malaysia... với mục đích khuyến khích sự phát triển của DNNVV khởi nghiệp bằng mức lãi suất ưu đãi từ 4%-6%/năm. Kể từ khi thành lập, quỹ đã hỗ trợ cho khoảng 77.000 DNNVV với số tiền là 7,4 tỷ RM và cho vay quay vòng xấp xỉ 30 tỷ RM.
Nhằm tạo thuận lợi cho tài trợ các hoạt động kinh doanh sáng tạo mới của DNNVV, Ủy ban Chứng khoán Malaysia (SC) đã xây dựng và hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển các nền tảng tài chính thay thế kết nối các tổ chức phát hành với nhóm nhà đầu tư truyền thống chưa được khai thác thông qua các kênh phân phối rẻ hơn, nhanh hơn và thuận tiện hơn.
Có nhiều mảng tài chính thay thế từ các phi ngân hàng như đầu tư mạo hiểm (VC), huy động vốn từ cộng đồng (ECF) và P2P. Quỹ đầu tư mạo hiểm được thành lập nhằm hỗ trợ vốn cho DNNVV khởi nghiệp. 60% nguồn vốn của quỹ được đóng góp bởi tổ chức chính phủ và quỹ đầu tư quốc gia. Các quỹ đầu tư mạo hiểm đã đầu tư vào các DN mới khởi nghiệp chiếm 33%, DNNVV ổn định và phát triển hơn quỹ tiếp tục hỗ trợ 34% nguồn vốn, chủ yếu trong lĩnh vực khoa học đời sống và sản xuất.
Bên cạnh đó, để thuận lợi cho DNNVV trong huy động vốn, Chính phủ Malaysia đã ban hành các chương trình hỗ trợ tài chính như: Chương trình Mobilepreneur hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp; chương trình tài chính Ikhtiar với mục tiêu giảm hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân; chương trình “Kế hoạch giải quyết nợ cho các doanh nghiệp nhỏ” (Small Dept Resolution Scheme) tháo gỡ nghĩa vụ nợ cho DNNVV, hỗ trợ họ có thể tái cơ cấu nợ. Các chương trình hỗ trợ tài chính cho DNNVV đa dạng và linh hoạt, giúp cho các DNNVV nâng cao sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị ngày càng cao.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Từ nghiên cứu thực tiễn hoàn thiện thể chế huy động vốn cho DNNVV của Trung Quốc và Malaysia, có thể rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:
Một là, cần nhận thức rõ vai trò của DNNVV đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đồng thời quan tâm chú trọng nắm bắt những thách thức mà DNNVV phải đối mặt về huy động vốn trong nền kinh tế thị trường, từ đó nỗ lực hoàn thiện thể chế tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo thuận lợi cho DNNVV trong huy động vốn đầu tư, kinh doanh.
Hai là, chú trọng tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho DNNVV thông qua hệ thống thể chế, chính sách tạo thuận lợi và giảm thiểu chi phí cho DNNVV trong đăng ký kinh doanh, kiên quyết loại bỏ những quy định lỗi thời, cải cách và đổi mới cách thức thực hiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính; cập nhật xu hướng công nghệ số, tạo điều kiện để DNNVV thuận lợi và nhanh chóng tiếp cận các nguồn thông tin, tăng cường hoạt động tư vấn và hướng dẫn về thể chế nói chung và thể chế huy động vốn nói riêng cho DNNVV.
Ba là, hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ DNNVV huy động vốn hiệu quả. Việc cải thiện khung khổ pháp lý, cơ chế và điều chỉnh các thể chế, chính sách phải được thực hiện thông qua hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đặc biệt quan trọng là Luật Hỗ trợ DNNVV và những văn bản quy phậm pháp luật hướng dẫn thực hiện.
Bốn là, phát triển hệ thống tài chính thông qua đa dạng các kênh huy động vốn cho DNNVV. Để DNNVV có thể tiếp cận vốn thuận lợi hơn, Chính phủ cần phát triển hệ thống tài chính thông qua đa dạng các kênh huy động vốn cho DNNVV, đồng thời, nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng được bảo lãnh; các dịch vụ và sản phẩm tài chính, từng bước cải thiện chất lượng và mở rộng quy mô các khoản vay; xem xét nới lỏng điều kiện vay vốn cho DNNVV, nghiên cứu phương pháp thay thế thích hợp, đặc biệt là điều kiện về tài sản thế chấp.
Năm là, để tăng cường hiệu quả hoàn thiện thể chế huy động vốn cho DNNVV cần tổ chức thường xuyên các buổi tọa đàm, hội nghị và hội thảo có chuyên môn, chuyên ngành để DNNVV có cơ hội được giao lưu và tương tác trực tiếp với các cơ quan, tổ chức thuộc các lĩnh vực có liên quan; nâng cao hiệu quả của dịch vụ tư vấn và hỗ trợ DNNVV trong việc huy động vốn từ các nhà đầu tư hoặc bên cho vay tiềm năng để DNNVV có thể tiếp cận nguồn vốn phù hợp với chi phí tốt nhất...
Tài liệu tham khảo:
- Đặng Thái Bình, Nguyễn Thị Hiên (2020), “Chính sách phát triển DNNVV của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam”, Khoa học xã hội Việt Nam, (8), tr. 25-33;
- Thái Bình (2023), Trung Quốc tăng trưởng kinh tế thấp trong năm 2022, https://vtv.vn/kinh-te/trung-quoc-tang-truong-kinh-te-thap-trong-nam-2022-20230117131048483.htm;
- Phạm Minh Chính (2012), Kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ở một số quốc gia trên thế giới, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/17717/kinh-nghiem-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cua-doanh-nghiep-o-mot-so-quoc-gia-tren-the-gioi.aspx;
- Hoàng Mạnh Hùng (2019), Kinh nghiệm quốc tế về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và bài học cho Việt Nam, https://tapchinganhang.gov.vn/kinh-nghiem-quoc-te-ve-chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-va-bai-hoc-cho-viet-nam.htm;
- Du Lam (2022), Cuộc cách mạng fintech tại Trung Quốc, https://vietnamnet.vn/cuoc-cach-mang-fintech-tai-trung-quoc-i420048.html.