Kinh nghiệm quốc tế về huy động vốn đầu tư phát triển du lịch và hàm ý đối với Nghệ An

ThS. Nguyễn Thanh Huyền Trường Kinh tế, Đại học Vinh

Kinh nghiệm về huy động vốn đầu tư cho phát triển du lịch tại một số quốc gia là rất cần thiết và bổ ích đối với Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng.

Ngành Du lịch Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng đang hướng tới hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh.
Ngành Du lịch Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng đang hướng tới hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh.

Mục tiêu của du lịch tỉnh Nghệ An đến năm 2030 là cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để đạt được điều này thì vấn đề huy động vốn đầu tư cho phát triển du lịch vô cùng quan trọng. Trong khu vực, một số quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản có nền du lịch phát triển, thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công trong phát triển du lịch tại các nước này là huy động vốn đầu tư. Kinh nghiệm về huy động vốn đầu tư cho phát triển du lịch tại một số quốc gia là rất cần thiết và bổ ích đối với Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng.

Kinh nghiệm về huy động vốn đầu tư phát triển du lịch tại các nước

Thái Lan

Thái Lan là quốc gia ở khu vực Đông Nam Á có nền du lịch phát triển mạnh mẽ. Trong những năm qua, ngành Du lịch đóng góp hàng ngàn tỷ baht cho nền kinh tế Thái Lan, chiếm 15-18% GDP của cả nước. Hiện nay, du lịch là ngành đầu tàu của nền kinh tế Thái Lan. Thái Lan là một quốc gia đầu tư ngân sách cho du lịch rất lớn, đồng thời thu hút được nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển ngành Du lịch. Thời gian qua, Thái Lan đã có những chính sách huy động vốn đầu tư phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Cụ thể:

Thứ nhất, coi trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo cho phát triển du lịch, đặc biệt là xây dựng đường giao thông hiện đại. Từ rất sớm, Thái Lan đã tận dụng tốt lợi thế với vịtrílà cửa ngõ vào khu vực sông Mê Kông để phát triển giao thông, như sân bay, bến cảng, đường thủy… Giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch chiếm hơn 30% trong tổng chi NSNN của Thái Lan. Hệ thống giao thông đồng bộ đã thu hút lượng lớn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào du lịch Thái Lan.

Thứ hai, dành sự quan tâm lớn đến nguồn nhân lực du lịch. Thái Lan chú trọng dành nguồn lực đầu tư cho đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch một cách bài bản, toàn diện. Đối với các hướng dẫn viên du lịch ở Thái Lan, yêu cầu đầu tiên là phải biết 3 ngoại ngữ, phục vụ tốt du khách quốc tế đến từ các nước khác nhau... Đội ngũ nhân viên du lịch Thái Lan gây ấn tượng rất lớn tới các khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Thứ ba, tăng cường nguồn vốn cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nước nhà. Thái Lan đặc biệt coi trọng hoạt động xúc tiến, quảng bá thông qua hàng loạt chiến dịch với nguồn kinh phí trung bình hàng năm từ 80 triệu đến 150 triệu USD. Hiện nay, với 36 văn phòng đại diện trong nước và 21 văn phòng đại diện ở nước ngoài, Tổng cục Du lịch Thái Lan luôn tích cực xúc tiến, quảng bá du lịch đất nước ở cả trong và ngoài nước. Nhờ coi trọng đầu tư cho chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch, kêu gọi đầu tư nên Thái Lan đã rất thành công trong việc thu hút khách quốc tế, các dự án đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng cao.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch. Thái Lan đã đầu tư vốn để phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, kêu gọi đầu tư và thu hút khách du lịch đặc biệt là du khách quốc tế. Hiện nay, Thái Lan phát triển đa dạng các loại hình du lịch để du khách được trải nghiệm như: Du lịch tham quan thắng cảnh, du lịch tôn giáo – chùa chiền, du lịch lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch ẩm thực, du lịch thể thao, du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh, du lịch mua sắm để đáp ứng nhu cầu khác nhau của du khách.

Thứ năm, tích cực ứng dụng khoa học công nghệcho phát triển du lịch. Với những tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Du lịch Thái Lan không thể đứng ngoài cuộc và buộc phải nâng cao năng lực để đáp ứng. Thái Lan đã tận dụng nhiều công nghệ mới để thu hút được lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Thị trường du lịch Thái Lan đang thay đổi mạnh mẽ do sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng nhanh của du lịch trực tuyến. Lượng vốn đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ giai đoạn 2015-2020 của Thái Lan chiếm 3-4% trong tổng vốn đầu tư cho phát triển du lịch.

Trung Quốc

Kế hoạch phát triển du lịch Trung Quốc nhấn mạnh, sẽ tạo ra cú hích cho ngành Du lịch thông qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với hệ thống thông tin du lịch. Thời gian qua, ngành Du lịch Trung Quốc nỗ lực đưa ra những chính sách và giải pháp huy động vốn đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực du lịch.

Thứ nhất, Chính phủ đóng vai trò trụ cột trong dẫn dắt phát triển du lịch bao gồm các chính sách huy động vốn đầu tư cho phát triển du lịch. Trung Quốc luôn tạo điều kiện tài chính cho đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, kỹ thuật nhằm hiện đại hóa ngành du lịch, đảm bảo những điều kiện vật chất nhất định nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách, đồng thời tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút đầu tư. Hàng tỷ NDT từ nguồn NSNN được chính phủ Trung Quốc chi ra đã giúp cho cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch ngày càng hiện đại, thu hút lượng lớn khách du lịch nội địa cũng như khách quốc tế.

Thứ hai, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Trung Quốc đã thiết lập được mạng lưới các cơ sở đào tạo du lịch rộng khắp cả nước, chương trình đào tạo đa dạng, phương pháp giảng dạy hiện đại kết hợp với nền tảng cơ sở hạ tầng chất lượng, phù hợp với thực tế. Nguồn nhân lực được đào tạo bài bản đã đóng vai trò chủ chốt trong thiết kế, thực hiện các chương trình xúc tiến du lịch hiệu quả.

Nhật Bản

Nhật Bản đã ban hành một chiến lược phát triển du lịch mới nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Chiến lược đặt mục tiêu: “Ngành công nghiệp du lịch đẳng cấp thế giới” và Nhật Bản sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế trên toàn quốc gia. Trong những năm qua, ngành du lịch Nhật Bản đã gặt hái được nhiều thành tựu, thu hút được lượng lớn khách du lịch. Có được kết quả đó, Nhật Bản đã có nhiều chính sách huy động vốn đầu tư phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Cụ thể:

Thứ nhất, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Nhật Bản đã đầu tư lớn vào nâng cấp toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng để khách du lịch có thể hưởng thụ môi trường cơ sở lưu trú tốt nhất trên thế giới; hoàn thành việc xây dựng “hành lang khôi phục cấp vùng” để khách du lịch có thể di chuyển một cách thoải mái tới tất cả các điểm đến trên nước Nhật Bản. Khách du lịch quốc tế được mua Thẻ đi tàu toàn quốc khi tới Nhật Bản, nâng cấp các tuyến tàu cao tốc Shinkansen, xây mới các sân bay nội địa…

Thứ hai, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch. Nguồn vốn được đầu tư để các sản phẩm đu lịch được đa dạng, thu hút khách du lịch. Các điểm di sản nổi bật về giá trị lịch sử và truyền thống của Chính phủ được mở cửa cho tất cả các đối tượng du khách như: Nhà khách Chính phủ ở Kyoto, Nhà khách Chính phủ ở Akasaka.

Thứ ba, đầu tư vốn cải thiện nguồn nhân lực trong ngành quản lý du lịch. Vốn đầu tư được chi ra và những chính sách về nguồn nhân lực được Nhật Bản đưa ra rất cụ thể: Thiết lập chương trình đào tạo cấp quản lý. Tăng cường phát triển nguồn nhân lực cho các vị trí quan trọng bằng cách cải thiện chương trình của khoa du lịch ở cấp đại học. Phát triển nguồn nhân lực tại các tổ chức giáo dục đại học mới để cung cấp giáo dục nghề nghiệp thực tế. Tăng cường phát triển nguồn nhân lực bằng cách sử dụng các trường dạy nghề địa phương chuyên về du lịch.

Thứ tư, tăng cường đầu tư vốn cho quảng bá xúc tiến du lịch. Nhật Bản có những chiến dịch lớn để quảng bá tới du khách nước ngoài với quy mô toàn cầu để thể hiện sự đa dạng và truyền cảm hứng cho du khách.

Thứ năm, đầu tư vốn cho ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển du lịch. Để đảm bảo tất cả du khách đặc biệt là du khách quốc tế tận hưởng trải nghiệm tham quan thoả mãn, thoải mái và không căng thẳng, Nhật Bản rất chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cho du lịch.

Cổng nhập cảnh được Nhật Bản sử dụng công nghệ tiên tiến nhất. Biocarts được sử dụng để có thông tin nhận dạng cá nhân của du khách nước ngoài khi họ xếp hàng ở khu vực thủ tục ra vào. Nhật Bản cũng hướng tới hiện thực hoá một môi trường không tiền mặt; Cải thiện viễn thông để mọi người có thể di chuyển độc lập; Thúc đẩy phổ biến thông tin đa ngôn ngữ; Cải thiện môi trường an ninh đảm bảo du khách nước ngoài có thể trải nghiệm an ninh công cộng cấp cao.

Nhật Bản ứng dụng khoa học công nghệđể đổi mới trong giao thông công cộng; Cho phép đăng ký giữ chỗ cho phương tiện công cộng trên mạng; Giới thiệu hệ thống tìm kiếm lộ trình bao gồm cả hệ thống phương tiện công cộng. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đã khai thác triệt để yếu tố công nghệ thông tin - mạng internet để trong quá trình giới thiệu văn hóa ẩm thực, cung cấp thông tin thu hút khách du lịch.

Là một đất nước có nền khoa học công nghệ phát triển, lượng vốn đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ giai đoạn 2015-2020 của Nhật Bản chiếm hơn 5% trong tổng vốn đầu tư cho phát triển du lịch. Đây là tỷ lệ khá cao so với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Kinh nghiệm huy động vốn đầu tư phát triển du lịch tỉnh Nghệ An

Qua kinh nghiệm huy động vốn đầu tư cho phát triển du lịch tại một số quốc gia, có thể rút ra một số kinh nghiệm cho ngành Du lịch Việt Nam trong đó có tỉnh Nghệ An như sau:

Thứ nhất, huy động vốn đầu tư đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Từ kinh nghiệm các nước cho thấy, cơ sở hạ tầng hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút khách du lịch. Vì vậy, cần ưu tiên tỷ trọng lớn chi NSNN để đầu tư xây dựng đường xá để thu hút khách du lịch... Cùng sự phát triển của hệ thống giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, đảm bảo khả năng tiếp cận với khách du lịch quốc tế một cách dễ dàng.

Thứ hai, huy động vốn đầu tư cho phát triển sản phẩm du lịch.

Đa dạng hoá các sản phẩm du lịch sẽ hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt khách du lịch quốc tế. Đa số khách quốc tế ưa thích du lịch khám phá và mạo hiểm, tăng trải nghiệm cho khách du lịch. Khi địa phương khai thác được sản phẩm du lịch này sẽ thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước.

Thứ ba, huy động vốn đầu tư đối với khoa học công nghệ.

Hiện nay, tất cả các ngành nghề của nền kinh tế đều đứng trước yêu cầu phải thực hiện quá trình chuyển đổi số. Ngành Du lịch Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng đang hướng tới hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh. Hệ thống dữ liệu thông minh này sẽ thống nhất khối dữ liệu du lịch khổng lồ đang tản mát hiện nay, được tất cả các thành phần trong ngành Du lịch cùng xây dựng và khai thác, qua đó tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ du lịch nhờ khả năng cá nhân hóa được xu hướng và nhu cầu của các du khách.

Thứ tư, huy động vốn đầu tư đối với nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực có chất lượng góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Qua kinh nghiệm các nước, Nghệ An cần đưa ra mức đãi ngộ có tính hấp dẫn để khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch có khả năng ngoại ngữ, yêu thích ngành nghề du lịch; Kết hợp với các trường đại học, doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch sẽ vừa đảm bảo được kiến thức lý thuyết gắn với thực tiễn.

Thứ năm, huy động vốn đầu tư cho quảng bá, xúc tiến đầu tư. Để tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư tỉnh Nghệ An cần có những hỗ trợ để tăng sức cạnh tranh cho các điểm du lịch như: hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường… Đây là điều kiện cần thiết để khách du lịch trong và ngoài nước biết tới du lịch Nghệ An.

Tài liệu tham khảo:

  1. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/2578-kinh-nghiem-phat-trien-du-lich-cua-mot-so-nuoc-trong-khu-vuc-va-goi-y-cho-viet-nam.html;
  2. Second National Tourism Development Plan 2017 -2021, Ministry of Tourism and Sport Thailand;
  3. Tourism Plan 2018, H.E. Mrs. Kobkarn Wattanavrangkul;
  4. https://www.japantimes.co.jp/opinion/2018/01/16/editorials/increasing-inbound-tourism/#.W1BA_dUzbIU;
  5. https://www.tourism.jp/en/tourism-database/stats/inbound/;
  6. https://www.japantimes.co.jp/opinion/2018/01/16/editorials/increasing-inbound-tourism/#.W1BA_dUzbIU.
Bài đăng từ Tạp chí Tài chính in số kỳ 1 tháng 12/2022