Kinh nghiệm quốc tế về phát hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương và hàm ý chính sách cho việt nam

Nguyễn Danh Nam, Lê Thu Hằng, Nguyễn Thị Nguyệt

Trong thời đại bùng nổ công nghệ số, mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội đều có sự thay đổi. Lĩnh vực tiền tệ cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Một số quốc gia đi đầu bắt đầu quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào sử dụng một hình thái tiền tệ mới. Hiện nay, số lượng ngân hàng trung ương trên khắp thế giới nghiên cứu về tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC - Central Bank Digital Currency) đang ngày càng tăng. Sự ra đời của tiền kỹ thuật số là một sự tiến hóa tự nhiên, phù hợp với nhiều khía cạnh khác của cuộc sống khi chuyển sang lĩnh vực kỹ thuật số.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tổng quan về tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương

Một số khái niệm liên quan đến tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương

CBDC (Central Bank Digital Currency) tạm dịch là tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (NHTW) là một loại tiền tệ kỹ thuật số được phát hành, kiểm soát và đảm bảo bởi NHTW của một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có chủ quyền. Về mặt lý thuyết, CBDC tạo ra một cơ chế kỹ thuật số mới để giải quyết thời gian chuyển tiền thực giữa 2 bên và giúp giao dịch xuyên biên giới một cách dễ dàng, loại bỏ sự trung gian thanh toán của các ngân hàng thương mại (NHTM) như hiện tại. Không giống như tiền giấy, CBDC sẽ là tiền điện tử và không giống như dự trữ, CBDC sẽ có sẵn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Do đó, CBDC sẽ cho phép các hộ gia đình và doanh nghiệp trực tiếp thực hiện thanh toán và lưu trữ giá trị bằng hình thức tiền điện tử của NHTW. Vì lý do này, CBDC đôi khi được coi là tương đương với một tờ tiền kỹ thuật số, mặc dù trên thực tế, nó có thể có các tính năng khác tùy thuộc vào thiết kế cuối cùng của nó.

Tính chất tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương

Đặc điểm tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương BIS đã đưa ra so sánh các đặc điểm chính của tiền truyền thống và CBDC dưới một số góc độ khác nhau. Một số loại CBDC đã được thử nghiệm trên thế giới trong thời gian qua như sau:

- Fedcoin là một ví dụ về CDBC bán lẻ (general purpose hoặc retail), đây là một khái niệm liên quan đến tiền mật mã (cryptocurrency) của NHTW được đưa ra bởi Koning (2014) và chưa được Hệ thống dự trữ liên bang của Mỹ thừa nhận. Loại tiền này có thể có thể được chuyển đổi ngang giá với đồng USD và được quản lý bởi FED. Thay vì xác định số lượng cung ứng trước, như trường hợp Bitcoin, thì lượng

cung Fedcoin (giống như tiền mặt) sẽ tăng hay giảm tùy thuộc vào mong muốn của người tiêu dùng nắm giữ nó. Fedcoin sẽ trở thành thành phần thứ ba của cơ số tiền bên cạnh tiền mặt và dự trữ và Fedcoin là một đồng tiền quốc gia (sovereign currency).

  • CADcoin là một ví dụ về CBDC bán buôn (wholesale CBDC). Đây là tài sản kỹ thuật số đại diện cho tiền của NHTW được sử dụng trong hệ thống thanh toán dựa trên công nghệ DLT của NHTW Canada. CADcoin đã được sử dụng trong các mô phỏng được thực hiện bởi NHTW Canada hợp tác với Payments Canada, R3 (một công ty fintech) và một số ngân hàng thương mại Canada, tuy nhiên đồng tiền này chưa được đưa vào sử dụng trong thực tế.
  • Tại Thụy Điển, nhu cầu về tiền mặt đã giảm đáng kể trong thập kỷ vừa Nhiều cửa hàng không chấp nhận tiền mặt và một số chi nhánh ngân hàng không còn giải ngân hay thu tiền mặt. Trước những thay đổi này, NHTW Thụy Điển (Riksbank) đã xây dựng dự án phát hành eKrona cho hoạt động thanh toán bán lẻ. Do đó, eKrona là loại tiền mang tính chất giữa các tài khoản tiền gửi và CBDC bán lẻ6.
  • E-Yuan (DCEP): hoạt động trên cơ chế điều hành 2 lớp. Lớp thứ nhất, PBOC sẽ phát hành và thu hồi đồng tiền thông qua hệ thống các Lớp thứ hai, các NHTM sẽ chịu trách nhiệm cho việc phân bổ đồng DCEP đến công chúng. Một điểm đáng chú ý là đồng DCEP đại diện cho tiền trong lưu thông (M0), không phải tiền gửi không kỳ hạn (M1) mà các NHTM thường sử dụng để cho vay lại các công ty và hộ gia đình.

 

Lợi ích tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương

Các quốc gia thực hiện thử nghiệm tiền điện tử của các NHTW (CBDC) đều thấy được có tác động tích cực và tiêu cực của CBDC đến nền kinh tế nói chung và lĩnh vực tài chính - ngân hàng truyền thống nói riêng. Có thể kể đến một số lợi ích sau:

Thứ nhất, tiền kỹ thuật số có mức độ an toàn và tin cậy cao, giúp giảm thiểu rủi ro cho các giao dịch và chủ thể kinh tế. Lợi ích này có được nhờ công nghệ chuỗi khối và mã hóa, các giao dịch tiền kỹ thuật số được xác minh là có tính minh bạch, độ tin cậy và bảo mật cao, ít rủi ro hơn nhiều so với tiền mặt, có thể truy xuất lịch sử giao dịch…

Thứ hai, góp phần tạo ra cuộc cách mạng toàn cầu về thanh toán, các hoạt động thanh toán/gửi và nhận tiền bằng tiền kỹ thuật số được thực hiện trực tiếp, tức thời, mọi lúc mọi nơi, phi tiếp xúc và không cần bất kỳ trung gian nào; không giới hạn số tiền giao dịch với chi phí thấp, đơn giản và nhanh chóng, không giới hạn địa lý quốc gia.

Thứ ba, sự phát triển của tiền kỹ thuật số góp phần tăng cường hiệu quả và an toàn hệ thống thanh toán quốc gia, thúc đẩy tài chính toàn diện nhờ ưu điểm tức thời, 24/7, đa dạng, đảm bảo tiêu chí “xanh” - thân thiện và bảo vệ môi trường…

Hạn chế tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương

Khi CBDC ra đời, người dân không cần gửi tiền vào ngân hàng mà sẽ lưu trữ trong ví tiền ảo cung cấp bởi NHTW. Như vậy, các NHTM muốn huy động tiền gửi trong dân thì cần phải tăng lãi suất để hấp dẫn hơn. Nếu không huy động đủ tiền thì NHTW phải bơm thêm tiền ra thị trường. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tăng lạm phát.

Ngoài ra, CBDC cũng tạo ra sự cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng. Sự ra đời của một giải pháp gần như thay thế tiền gửi ngân hàng và các dịch vụ tài chính truyền thống sẽ đe doạ mô hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại hiện có. Một số nguồn thu truyền thống có thể bị mất đi vĩnh viễn, ảnh hưởng đến sự tồn tại của những tổ chức này.

Theo đó, có hai mối quan tâm chính có thể phát sinh trong một xã hội không tiền mặt:

Thứ nhất, trong một nền kinh tế mà các dịch vụ thanh toán bán lẻ được cung cấp bởi một số ít các mạng lưới, việc biến mất của tiền mặt sẽ làm cho hoạt động thanh toán bán lẻ tập trung hoàn toàn vào các nhà cung cấp ở khu vực tư và điều này làm giảm tính cạnh tranh của hệ thống thanh toán bán lẻ.

Thứ hai, trong trường hợp xảy ra sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng hoặc hệ thống tài chính trên diện rộng, tiền mặt sẽ là một phương tiện đảm bảo cho các giao dịch và cất trữ giá trị đáng tin cậy khi mà việc sử dụng tiền gửi ngân hàng để thanh toán không đảm bảo.

Tác động từ tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương đến điều hành chính sách tiền tệ

Tác động đến ổn định hệ thống tài chính

Các nhà nghiên cứu cho rằng các NHTW trong kỷ nguyên số sẽ có những thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ truyền thống trong điều kiện phát triển không ngừng của công nghệ tài chính nói chung và tiền kỹ thuật số nói riêng. Đối với các NHTW, việc phát hành CBDC trong tương lai có thể giải quyết được những vấn đề phát sinh trong điều hành chính sách tiền tệ trong môi trường số, khi phải đối diện với nhiều nguy cơ hiện hữu như sự suy giảm của sử dụng tiền mặt, hay những thách thức sẽ xuất hiện khi công nghệ tài chính ngày càng có nhiều đột phá trong giao dịch.

Việc phát hành CBDC sẽ giúp NHTW giải quyết được một số vấn đề sau trong ổn định hệ thống tài chính như: Đảm bảo đủ tiền của NHTW cho nền kinh tế; Giảm chi phí tiền mặt và kiểm soát được nền kinh tế ngầm; Phát triển tài chính toàn diện; Thúc đẩy sự phát triển của hệ thống thanh toán; Gia tăng hiệu quả và ổn định tài chính; Thúc đẩy phát triển công nghệ.

Khi phải đối mặt với khủng hoảng của hệ thống tài chính, các thành phần trong nền kinh tế ở các nước phát triển, các nước đang phát triển thường có xu hướng chuyển tiền gửi sang các tổ chức tài chính được coi là an toàn hơn, hoặc sang trái phiếu chính phủ. Trong tình huống này, CBDC có thể cho phép “chạy kỹ thuật số" tới NHTW với tốc độ và quy mô chưa từng có. Ngay cả khi có bảo hiểm tiền gửi, sự ổn định của nguồn vốn bán lẻ có thể suy yếu vì CBDC không có rủi ro cung cấp một giải pháp thay thế rất an toàn.

Tác động đến hệ thống tiền tệ

Trong mô hình này, để đơn giản, các tài sản của NHTW chủ yếu là trái phiếu chính phủ. Tài sản có chủ yếu của các NHTM bao gồm các khoản cho vay, chứng khoán và dự trữ (tiền gửi tại NHTW). Tài sản nợ của NHTM chủ yếu là tiền gửi và vốn chủ sở hữu. Tiền giấy và tiền xu của NHTW được nắm giữ bởi các NHTM và khu vực phi ngân hàng, trong khi đó chỉ có các NHTM mới nắm giữ các khoản dự trữ. Cả hai loại nghĩa vụ nợ này của NHTW được đảm bảo bởi các tài sản trên bảng cân đối tài sản của NHTW.

Sự khác biệt rõ nhất giữa cột bên phải và bên trái trong hình 4 là các tổ chức phi ngân hàng có thể nắm giữ tiền kỹ thuật số của NHTW, dưới dạng CBDC. Ví dụ giả định rằng các tổ chức phi ngân hàng thay thế một phần từ trái phiếu, tiền gửi và tiền giấy thành CBDC. Nó sẽ tác động đến quy mô và thành phần của bảng cân đối kế toán của các ngành khác nhau phụ thuộc vào loại thay thế từ các tài sản khác nhau sang CBDC. Từ đó, NHTW có thể thực hiện một số hoạt động điều chỉnh chính sách tiền tệ như sau: Thay đổi lượng cung ứng CBDC; Chuyển đổi giữa CBDC và tiền gửi. Trường hợp này có thể phát sinh một số rủi ro như làm giảm vai trò trung gian của các ngân hàng; rủi ro do chuyển đổi hàng loạt sang CBDC.

Khả năng người gửi tiền đổi tiền NHTM lấy tiền NHTW theo yêu cầu là cơ bản để duy trì niềm tin vào tiền gửi ngân hàng, và nhiều hoạt động của cơ quan tiền tệ (chẳng hạn như người cho vay cuối cùng, các quy định về thanh khoản và bảo hiểm tiền gửi) đều hướng tới việc đảm bảo rằng điều này luôn khả thi. Trên thực tế, nhiều người sẽ coi đây là một phần cần thiết để thiết lập một khuôn khổ tiền tệ ổn định trong đó CBDC và tiền gửi ngân hàng cùng tồn tại và trao đổi ngang giá (tức là 1: 1).

Sự tham gia của khu vực tư nhân đối với tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương

Một mô hình chỉ dựa vào NHTW để cung cấp tất cả các dịch vụ liên quan đến CBDC sẽ khó có thể đáp ứng hầu hết các nguyên tắc thiết kế được đưa ra. Điều này có nghĩa là khu vực tư nhân cần phải có một vai trò quan trọng và cần khuyến khích các nhà khai thác từ khu vực tư nhân thực hiện các dịch vụ được mô tả ở trên. Các công ty này cần đảm bảo rằng họ có các cơ hội khả thi để phát triển các dịch vụ gia tăng giá trị và tạo ra doanh thu từ các chức năng ngoài những chức năng được cung cấp của CBDC.

Kinh nghiệm quốc tế về phát hành tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương

Trên thế giới, quá trình phát hành CBDC có sự khác biệt lớn giữa nhóm nước phát triển và nhóm nước mới nổi và có thể chia thành 03 nhóm quan điểm khác nhau: Nhóm tiên phong (gồm Trung Quốc, Thụy Điển, Uruguay, Barbados, Bahamas…); Nhóm ủng hộ tích cực và đang nghiên cứu phát hành (như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Pháp, Ả-rập Xê-út và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Campuchia, Ecuador, Đông Ca-ri-bê, Canada, Thái Lan, Singapore...); Nhóm thận trọng xem xét bởi lo ngại những tác động tiêu cực, rủi ro do CBDC mang lại đối với sự ổn định tài chính, cấu trúc ngân hàng, sự gia nhập của các tổ chức phi ngân hàng trong hệ thống tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ gồm có Mỹ, Đức, Anh, Nga...

Trang Cointelegraph dẫn kết quả một cuộc khảo sát mà Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) công bố cho thấy, hơn 90% trong số 81 NHTW thuộc các quốc gia chiếm đa phần sản lượng kinh tế toàn cầu tham gia khảo sát cho biết họ đang nghiên cứu ý tưởng về việc phát hành tiền tệ kỹ thuật số của NHTW. Hơn 25% ngân hàng trung ương đang tích cực phát triển một đồng tiền kỹ thuật số hoặc đang triển khai các chương trình thử nghiệm, với tỷ lệ tăng gần gấp 2 lần trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2021. BIS cho hay, trên toàn cầu, hơn 2/3 ngân hàng trung ương cho rằng họ có khả năng hoặc có thể phát hành CBDC bán lẻ trong ngắn hạn hoặc trung hạn. Các khu trung tâm thương mại bán buôn ngày càng được thúc đẩy nhờ hiệu quả thanh toán xuyên biên giới. Nhiều NHTW coi CBDC có khả năng làm giảm bớt các “điểm nghẽn” như thời gian hoạt động hạn chế của các hệ thống thanh toán hiện tại và độ dài của chuỗi giao dịch hiện tại.

Thực tế cho thấy, vào tháng 5/2020, chỉ có 35 quốc gia đang xem xét CBDC - một mức cao mới trong số 60 quốc gia đang trong giai đoạn thăm dò tiên tiến (phát triển, thí điểm hoặc ra mắt). Dựa trên dữ liệu từ CBDC Tracker tháng 12/2022, có 114 quốc gia, chiếm hơn 95% GDP toàn cầu đã tìm hiểu các đề xuất đa dạng về thiết kế, quyền truy cập và cơ sở hạ tầng của CBDC. Hiện tại, có 60 quốc gia đã đạt tới giai đoạn phát triển chuyên sâu, thí điểm và triển khai CBDC. Có 11 quốc gia, bao gồm Bahamas, Nigeria và các quốc gia trong Liên minh tiền tệ Đông Caribê đã ra mắt đầy đủ một loại tiền điện tử của họ tiếp cận 260 triệu người, dự kiến sẽ mở rộng sang hầu hết các quốc gia trong năm 2023. Jamaica là quốc gia mới nhất ra mắt CBDC.

Có 18 trong số các quốc gia G20 đang trong giai đoạn phát triển CBDC tiên tiến. Gần như mọi quốc gia G20 đã đạt được tiến bộ đáng kể và đầu tư các nguồn lực mới vào các dự án này trong. Kể từ tháng 12/2022, tất cả các nền kinh tế G7 đã chuyển sang giai đoạn phát triển của CBDC. Năm 2023, dự kiến có hơn 20 quốc gia sẽ thực hiện các bước quan trọng để thí điểm CBDC, trong đó có Úc, Thái Lan, Brazil, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nga dự định sẽ tiếp tục hoặc bắt đầu thử nghiệm này.

Hàm ý chính sách đối với Việt Nam

Các NHTW không thể đứng ngoài xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ của nền kinh tế số trên toàn thế giới. Mỗi một quốc gia có động cơ khác nhau để ban hành CBDC. CBDC mang lại nhiều lợi ích cũng như rủi ro tiềm tàng đối với quốc gia phát hành. Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), việc nghiên cứu và phát triển CBDC là bước đi tất yếu trong xu hướng phát triển chung của toàn thế giới với rất nhiều lợi ích và những khó khăn, hạn chế nhất định.

Sau quá trình nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cũng như thực tế tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu nhận thấy xu hướng nghiên cứu và phát hành CBDC ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Chính vì vậy, NHNN cũng cần phải có sự chuẩn bị nhất định. Trong phạm vi của nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm từng bước nghiên cứu, phát hành và quản lý tiền kỹ thuật số của NHTW tại Việt Nam, cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và vận hành tiền kỹ thuật số của NHTW tại Việt Nam. Hiện tại hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa công nhận các loại tiền ảo, tiền điện tử, tiền mật mã hay tiền kỹ thuật số. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và phát hành CBDC là xu hướng khó có thể tránh khỏi, chính vì vậy NHNN cần phải là đầu mối để hoàn thiện

khung pháp lý nhằm đưa ra các quan điểm chính thống và lộ trình của Việt Nam đối với tiền kỹ thuật số của NHTW. Khung pháp lý về quản lý tiền kỹ thuật số của NHTW cần làm rõ các khái niệm, định nghĩa, phân loại, tiêu chuẩn kỹ thuật của CBDC tại Việt Nam. Để tạo điều kiện cho CBDC sớm vận hành thực tiễn thì NHNN có thể trình Chính phủ cho áp dụng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) cho CBDC giống trường hợp của tiền di động (Mobile-Money). Việc hoàn thiện khung pháp lý chính là tiền đề quan trọng nhất để xây dựng và phát triển CBDC tại Việt Nam.

Thứ hai, về công nghệ, khuyến nghị NHNN phát hành CBDC dựa trên công nghệ sổ cái phân tán và thử nghiệm ban đầu với CBDC bán buôn. Sau quá trình nghiên cứu lộ trình nghiên cứu, phát triển CBDC của các quốc gia trên thế giới cũng như ưu và nhược điểm của từng loại và công nghệ phát hành CBDC thì nhóm nghiên cứu đề xuất NHNN có thể phát hành theo cơ chế thử nghiệm CBDC bán buôn theo công nghệ sổ cái phân tán ở giai đoạn đầu rồi sau đó tiến hành cải tiến và hoàn thiện theo lộ trình.

Thứ ba, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quốc gia là yêu cầu bắt buộc để tương thích với việc phát hành CBDC tại Việt Nam. Để tương thích với CBDC mới phát hành, các hệ thống hạ tầng kỹ thuật số của quốc gia cần phải được nâng cấp và phát triển. Bên cạnh đó, hệ thống công nghệ thông tin của các tổ chức tín dụng, đơn vị thanh toán và các doanh nghiệp cũng cần phát triển, nâng cấp cho tương thích với các tiêu chuẩn của việc vận hành CBDC. Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quốc gia cũng như của các doanh nghiệp giúp nâng cao tính bảo mật, hạn chế rủi ro để đảm bảo sự vận hành ổn định của hệ thống.                                                                    $

Tài liệu tham khảo:

  1. Bank of England: Central Bank Digital Currency opportunities, challenges and design; 3/2020;
  2. IMF: Designing Central Bank Digital Currencies; WP/19/252;
  3. BIS: Central bank digital currencies, 2018;
  4. Koning: Fedcoin: A central bank issued cryptocurrency, 2016;
  5. Mohammad R. Davoodalhosseini: Central Bank Digital Currency and Monetary Policy, Funds Management and Banking Department Bank of Canad 2018;
  6. Hanna Armelius, Gabriela Guibourg, Stig Johansson and Johan Schmalholz: E-krona design models: pros, cons and trade-offs, 2020.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 11/2023